Việt Nam đã có 8,2 triệu khách hàng sử dụng Mobile money (ứng dụng thanh toán trên điện thoại), tăng 2,2 lần so với cùng kỳ năm trước; trong đó hơn 5,8 triệu khách hàng tại vùng nông thôn, miền núi.
Đây là một trong những kết quả của công cuộc chuyển đổi số quốc gia mới được Bộ Thông tin và Truyền thông báo cáo.
Cùng với đó, hiện có 100% các cơ sở khám, chữa bệnh có dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt; 77% người dân trưởng thành có tài khoản thanh toán tại ngân hàng và trên 1 triệu đối tượng chính sách đã nhận trợ cấp an sinh xã hội qua tài khoản.
56 tỉnh, thành phố đã ban hành chính sách miễn, giảm phí, lệ phí trong sử dụng dịch vụ công trực tuyến.
Hạ tầng số, các nền tảng số tiếp tục được phát triển. 100% xã, phường, thị trấn có kết nối internet băng thông rộng, kết nối với mạng truyền số liệu chuyên dùng của cơ quan nhà nước. Trên 80% hộ gia đình sử dụng cáp quang internet băng rộng.
Nền tảng tích hợp chia sẻ dữ liệu quốc gia (NDXP) đã kết nối với 388 hệ thống và cơ sở dữ liệu (CSDL) của 95 cơ quan, đơn vị. Bình quân mỗi ngày có khoảng 2,8 triệu giao dịch được thực hiện.
Nhiều trung tâm dữ liệu lớn, hiện đại được khánh thành, đi vào hoạt động trong năm 2023 - 2024 như của Viettel, VNPT, CMC….
Trung tâm Dữ liệu quốc gia đang được tích cực triển khai. Việc đấu giá băng tần 5G đã hoàn thành, cấp phép cho VNPT và Viettel kinh doanh dịch vụ 5G.
Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư đã kết nối, chia sẻ, xác thực, làm sạch dữ liệu với 18 bộ, ngành, 63 địa phương, bốn doanh nghiệp nhà nước.
Cơ quan nhà nước đã cấp trên 86 triệu thẻ căn cước công dân gắn chíp; kích hoạt gần 54 triệu tài khoản; tiếp nhận hơn 1,5 tỷ yêu cầu xác thực thông tin.
Dịch vụ công trực tuyến cho người dân, doanh nghiệp được đẩy mạnh triển khai. Đầu năm nay đã có thêm 5 dịch vụ công thiết yếu ở mức độ 3, 4.
Trong quý đầu năm nay, doanh thu công nghiệp công nghệ thông tin đạt gần 36,3 tỷ USD, tăng 17,7% so với cùng kỳ. Trong đó, xuất khẩu sản phẩm này đạt 31 tỷ USD, tăng 17%.
Bên cạnh những kết quả đã đạt được, tại phiên họp lần thứ tám của Ủy ban quốc gia về chuyển đổi số, Thủ tướng Phạm Minh Chính chỉ rõ việc chuyển đổi số, phát triển kinh tế số còn nhiều tồn tại, hạn chế.
Trong đó, nhiều lãnh đạo các ban, bộ, ngành, địa phương chưa coi chuyển đổi số là nhiệm vụ trọng tâm, chưa quan tâm, ưu tiên nguồn lực. Còn 390/1.086 thủ tục hành chính chưa được cắt giảm, đơn giản hóa theo quy định. Bảy địa phương chưa miễn, giảm phí, lệ phí trong sử dụng dịch vụ công trực tuyến.
An ninh mạng, an toàn thông tin ở nhiều nơi chưa được quan tâm đúng mức. Số cuộc tấn công mạng tăng mạnh thời gian gần đây, ghi nhận 2.400 cuộc tấn công, đặc biệt là mã độc tống tiền.
Đồng thời, chưa xử lý dứt điểm tình trạng sim rác, không chính chủ tăng nguy cơ lừa đảo qua mạng.
Tỉ lệ khai thác, sử dụng lại thông tin, dữ liệu rất thấp, tính kết nối, chia sẻ, liên thông dữ liệu còn kém, gây lãng phí.
Thủ tướng yêu cầu chú trọng "ba tăng cường" và "năm đẩy mạnh" trong thời gian tới.
Ba tăng cường gồm tăng cường nhận thức về chuyển đổi số tới từng người dân, doanh nghiệp và nhất là người đứng đầu; tăng cường tiềm lực cho chuyển đổi số, ưu tiên bố trí nguồn lực; tăng cường hợp tác công tư.
Năm đẩy mạnh gồm đẩy mạnh hoàn thiện thể chế, tạo hành lang pháp lý đầy đủ; đẩy mạnh phát triển hạ tầng số, nền tảng số; đẩy mạnh đổi mới sáng tạo, lập nghiệp trong chuyển đổi số; đẩy mạnh phát triển nhân lực số, kỹ năng số; đẩy mạnh an ninh mạng.
Chuyển đổi số không dẫn đến thất nghiệp hàng loạt ở Việt Nam
Nhật Hạ