Vốn từng được biết đến nhiều hơn qua hoạt động kinh doanh viễn thông và điện thoại thông minh, nhưng trong 4 năm qua Huawei đã dồn mọi công sức để xây dựng một dòng chip AI tiên tiến có khả năng cạnh tranh với những tên tuổi đầu ngành…
GPU AI của Huawei
Việc chính phủ Mỹ đưa ra các điều lệnh hạn chế xuất khẩu chip AI tiên tiến của Nvidia sang Trung Quốc đang tạo cơ hội cho Huawei giành được thị phần, với các nguồn tin trong ngành cho biết Huawei mới đây đã giành được một đơn đặt hàng chip AI lớn từ “gã khổng lồ” công nghệ Trung Quốc Baidu.
Trên thực tế, Huawei lần đầu tiên trình làng con chip Ascend 910 vào năm 2018 và chính thức ra mắt vào năm 2019 như một phần trong chiến lược xây dựng danh mục AI toàn diện và trở thành nhà cung cấp hàng đầu thế giới. Cùng năm đó, Huawei trở thành mục tiêu kiểm soát xuất khẩu của Mỹ.
Vào thời điểm này, Huawei tuyên bố rằng chip của họ là bộ xử lý AI mạnh nhất thế giới và truyền thông Trung Quốc cho biết Ascend 910 ban đầu được sản xuất trên quy trình 7 nanomet. Cũng theo đó, con chip này có thể cung cấp 256 TeraFLOPS cho định dạng dấu phẩy động chính xác một nửa (half-precision floating point - FP16) và 512 TeraOPS cho các phép tính có độ chính xác số nguyên (integer precision calculations - INT8).
Huawei cũng thường xuyên quảng cáo về hiệu quả của con chip, nói rằng mức tiêu thụ điện năng tối đa của nó là 310W, vượt quá mục tiêu ban đầu của Huawei là 350W.
Tuy nhiên, sự xuất hiện của Ascend 910 cũng chẳng thể chạm đến vị thế thống trị của Nvidia cả trong và ngoài Trung Quốc. Nvidia đã giới thiệu chip A100 và H100 lần lượt vào năm 2020 và 2022, chiếm phần lớn thị phần chip AI trên toàn cầu, một xu hướng được thúc đẩy mạnh mẽ bởi sự xuất hiện của AI tạo sinh (generative AI).
Các chuyên gia cho biết Nvidia có lợi thế đương nhiệm rất lớn so với Huawei, với một khía cạnh quan trọng là sự phụ thuộc của các dự án AI hiện có vào hệ sinh thái phần mềm của Nvidia. Mặc dù Huawei có phiên bản hệ sinh thái riêng có tên CANN, nhưng các nhà phân tích chỉ ra rằng hãng vẫn bị hạn chế hơn nhiều về các mô hình AI mà hãng có khả năng đào tạo.
Huawei chưa chính thức công bố Ascend 910B, phiên bản mới hơn của 910, nhưng một số chi tiết về con chip này đã xuất hiện trong các bình luận công khai của một số công ty và học giả Trung Quốc, cũng như trong các hướng dẫn kỹ thuật trên trang web của Huawei.
Vào tháng 8 vừa qua, chủ tịch công ty AI Trung Quốc iFlyTek, Liu Qingfeng, dành những lời khen có cánh cho Huawei vì đã sản xuất ra một GPU mà ông Liu cho rằng về cơ bản giống với A100 của Nvidia. Đồng thời, ông Liu Qingfeng cũng tuyên bố iFlyTek đang hợp tác với Huawei để phát triển các phần cứng tương ứng.
Một nguồn tin tiết lộ với Reuters rằng Baidu đã đặt 1.600 chip Huawei 910B cho 200 máy chủ vào cùng thời điểm đó. Đến tháng 10 năm nay, Huawei đã giao hơn 60% đơn đặt hàng cho Baidu, tức khoảng 1.000 Ascend 910B. Tổng giá trị của đơn đặt hàng là khoảng 450 triệu nhân dân tệ (61,83 triệu USD) và Huawei sẽ hoàn tất toàn bộ việc giao hàng vào cuối năm nay.
Các nhà phân tích và nguồn tin giấu tên cho biết, 910B có thể so sánh với chip của Nvidia về sức mạnh tính toán thô, nhưng chúng vẫn tụt hậu về hiệu suất. Tuy nhiên, đây được coi là lựa chọn nội địa tiên tiến nhất hiện có ở Trung Quốc.
Các nhà phân tích đã ước tính thị trường chip AI của Trung Quốc trị giá khoảng 7 tỷ USD và việc giành được thị phần từ tay Nvidia có thể đánh dấu một chiến thắng của Huawei. Giám đốc tài chính Meng Wanzhou từng chia sẻ vào hồi tháng 9 rằng Huawei muốn xây dựng cơ sở điện toán cho Trung Quốc và cung cấp cho thế giới một lựa chọn thứ hai bên ngoài nước Mỹ.
Và trong trường hợp thiếu đi chip Nvidia, các công ty AI của Trung Quốc sẽ phải dựa vào các sản phẩm nội địa, dù cho chúng vẫn còn yếu thế hơn so với các phiên bản của Mỹ. Nhưng nhiều nhà phân tích tin rằng việc Huawei có thể thu hẹp khoảng cách này chỉ là vấn đề thời gian, với khối lượng hỗ trợ và đầu tư từ chính phủ Trung Quốc đang được rót thẳng vào AI và chất bán dẫn.
Mỹ Hân