Tham vọng của Đà Nẵng trong thu hút đầu tư bán dẫn, AI

Việc áp dụng cơ chế đặc thù theo nghị quyết mới sẽ giúp Đà Nẵng trở thành điểm nóng thu hút đầu tư vào ngành bán dẫn và trí tuệ nhân tạo; thu hút các tập đoàn công nghệ hàng đầu thế giới, đưa thành phố trở thành trung tâm công nghệ cao mới của Việt Nam.

Ngày 1/1/2025 sẽ đánh dấu một bước ngoặt quan trọng đối với thành phố Đà Nẵng khi Nghị quyết số 136/2024/QH15 của Quốc hội về tổ chức chính quyền đô thị và thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Đà Nẵng chính thức có hiệu lực. 

Nghị quyết này không chỉ định hướng việc tổ chức chính quyền đô thị mà còn thí điểm nhiều cơ chế, chính sách đặc thù nhằm thúc đẩy sự phát triển toàn diện của thành phố.

Trong đó, Đà Nẵng là thành phố đầu tiên có cơ chế, chính sách đặc thù cho nhà đầu tư chiến lược trong lĩnh vực 'đang là xu thế' như vi mạch bán dẫn, trí tuệ nhân tạo. 

Thời gian qua, nhiều tập đoàn lớn từ Mỹ, Hàn Quốc, Nhật Bản và châu Âu... muốn đầu tư mạnh vào ngành bán dẫn tại Việt Nam. Đơn cử như 15 công ty lớn của Mỹ dự kiến đầu tư 8 tỷ USD vào ngành bán dẫn của Việt Nam. 

Trước đó, một số tập đoàn lớn như Intel, Samsung, Synopsys đã đầu tư sản xuất chip bán dẫn tại Việt Nam. Các doanh nghiệp trong nước như FPT và Viettel cũng đã bắt đầu tham gia nghiên cứu và sản xuất chip. 

Theo công ty nghiên cứu Technavio, thị trường chất bán dẫn tại Việt Nam dự kiến tăng 1,65 tỷ USD đến năm 2025, với tốc độ tăng trưởng khoảng 6,5% mỗi năm.

Trong chín tháng qua, Đà Nẵng đã hai lần cử đoàn công tác đến Mỹ để xúc tiến đầu tư, cụ thể hóa hợp tác với các doanh nghiệp và tổ hợp chức quốc tế trong lĩnh vực bán dẫn và trí tuệ nhân tạo. 

Đầu năm nay, Qualcomm cho biết đang có kế hoạch đầu tư tại Đà Nẵng và đề nghị hỗ trợ từ Trung tâm Nghiên cứu, đào tạo thiết kế vi mạch và AI Đà Nẵng (DSAC).

Intel cũng đã thảo luận và thống nhất hợp tác phát triển đào tạo AI, sẽ phối hợp với Trung tâm DSAC tổ chức các lớp đào tạo giảng viên AI vào năm 2024.

Tập đoàn Marvell đang khảo sát cơ hội đầu tư và mong muốn lãnh đạo thành phố hỗ trợ về visa, giấy phép lao động, thuế và đào tạo nhân lực chất lượng cao.

Bên cạnh đó, doanh nghiệp công nghệ trong nước như FPT cũng mong muốn hợp tác trong quy hoạch nhân sự, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho ngành vi mạch bán dẫn và đưa Đà Nẵng thành "thung lũng Silicon" tại Việt Nam. Mục tiêu xây dựng 10.000 nhân sự về vi mạch bán dẫn vào năm 2030, sau đó có thể lên tới 20.000 - 30.000 người mỗi năm.

Tham vọng của Đà Nẵng trong thu hút đầu tư bán dẫn, AI
Đà Nẵng hướng tới trở thành trung tâm công nghệ cao mới của Việt Nam. Ảnh: Hoàng Anh

Theo Nghị quyết 136/2024/QH15, Đà Nẵng sẽ tập trung thu hút các nhà đầu tư chiến lược vào các lĩnh vực ưu tiên như xây dựng trung tâm đổi mới sáng tạo, trung tâm dữ liệu, và trung tâm nghiên cứu và phát triển (R&D) gắn với đào tạo. Những dự án có quy mô vốn đầu tư từ 2.000 tỷ đồng trở lên sẽ được ưu tiên.

Bên cạnh đó, để đón xu thế mới, nghị quyết cũng đặc biệt khuyến khích đầu tư vào các dự án trong lĩnh vực công nghệ chip bán dẫn, công nghiệp mạch tích hợp bán dẫn, và chế tạo linh kiện vi mạch điện tử tích hợp (IC) với vốn từ 4.000 tỷ đồng. 

Nhà đầu tư chiến lược trong lĩnh vực này sẽ được thuê đất mà không cần đấu giá và hưởng nhiều ưu đãi thuế. Họ cũng có thể chọn thuê đất thu tiền một lần, với giá và nghĩa vụ tài chính theo quy định pháp luật.

Đồng thời còn được hưởng các ưu đãi thuế bao gồm việc tính vào chi phí được trừ để xác định thu nhập chịu thuế đối với hoạt động R&D bằng 150% chi phí thực tế, miễn thuế thu nhập doanh nghiệp trong thời hạn 5 năm đối với thu nhập từ hoạt động khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, và miễn thuế thu nhập cá nhân trong thời hạn 5 năm đối với các chuyên gia, nhà khoa học và cá nhân làm việc trong lĩnh vực công nghệ cao tại Đà Nẵng.

Nghị quyết cũng đặt ra các quy định hỗ trợ hoạt động đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp. Các doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo, vi mạch bán dẫn, AI sẽ được miễn thuế thu nhập doanh nghiệp trong thời hạn 5 năm. Đồng thời, các tổ chức hỗ trợ khởi nghiệp như trung tâm hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo sẽ nhận được hỗ trợ từ ngân sách thành phố cho các chi phí phát triển dự án khởi nghiệp sáng tạo.

Hội đồng nhân dân thành phố Đà Nẵng sẽ quyết định việc hỗ trợ tài chính từ ngân sách thành phố cho nhà đầu tư chiến lược, đặc biệt là trong lĩnh vực vi mạch bán dẫn và AI. 

Theo đó, ngân sách hỗ trợ sẽ không quá 5% tổng chi phí mua thiết bị hỗ trợ sản xuất, di chuyển tài sản, dây chuyền, thiết bị, công nghệ, và chi phí đầu tư mới. Ngoài ra, ngân sách cũng hỗ trợ một phần chi phí thuê nhân lực có trình độ chuyên môn cao làm việc tại các doanh nghiệp là đối tác chiến lược trong lĩnh vực này.

Ngoài các chính sách thu hút đầu tư, Đà Nẵng cũng sẽ triển khai các chương trình đào tạo và bồi dưỡng cho đối tượng học chuyên ngành vi mạch bán dẫn, AI, đồng thời quy định tiêu chí, tiêu chuẩn tuyển dụng và chính sách đãi ngộ cho các chuyên gia và nhà khoa học trong lĩnh vực này.

Tuy nhiên, nhà đầu tư chiến lược trong lĩnh vực chip bán dẫn và Al phải đáp ứng đủ các điều kiện gồm hoạt động trong ngành nghề ưu tiên, ký kết biên bản ghi nhớ với UBND thành phố, có doanh thu toàn cầu năm gần nhất trên 25.000 tỷ đồng, cam kết hỗ trợ thành phố về phần mềm, phần cứng, đào tạo nhân lực và các nội dung liên quan; phát triển lâu dài tối thiểu 5 năm.

Nghị quyết cũng quy định việc thử nghiệm có kiểm soát các giải pháp công nghệ mới tại khu công nghệ cao, khu công nghệ thông tin tập trung, và trung tâm hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo. 

Thời hạn thực hiện thử nghiệm tối đa là ba năm và có thể gia hạn một lần không quá ba năm. UBND thành phố chịu trách nhiệm hướng dẫn, kiểm soát quá trình thử nghiệm và báo cáo kết quả hằng năm cho Chính phủ và HĐND thành phố.

Nghị quyết 136/2024/QH15 của Quốc hội thể hiện sự quyết tâm của Đà Nẵng trong việc xây dựng một thành phố thông minh, hiện đại và cạnh tranh trên trường quốc tế. Việc thí điểm các cơ chế, chính sách đặc thù không chỉ nhằm thu hút đầu tư mà còn tạo điều kiện thuận lợi cho sự phát triển bền vững và toàn diện của Đà Nẵng. 

Đây là cơ hội lớn để thành phố này trở thành một trung tâm công nghệ cao, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh của Việt Nam trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0.

Đà Nẵng đã đặt mục tiêu kinh tế số chiếm tối thiểu 30% GRDP thành phố, với tối thiểu 8.950 doanh nghiệp và 115.000 nhân lực thuộc mảng này. Trong đó, sản xuất vi mạch được xác định là trọng tâm ưu tiên phát triển.

Bước đột phá mới cho Đà Nẵng

Tin liên quan