Việt Nam thăng hạng trong lĩnh vực trí tuệ nhân tạo

So với toàn cầu, Việt Nam đứng thứ 59/193 quốc gia/vùng lãnh thổ (năm 2022 con số này là 55/181) và cũng là năm thứ ba Việt Nam vượt qua ngưỡng trung bình thế giới.

Theo Báo cáo "Chỉ số sẵn sàng AI của chính phủ" (Government AI Readiness Index) do Oxford Insights (Vương quốc Anh) thực hiện, chỉ số sẵn sàng trí tuệ nhân tạo (AI) toàn cầu của Việt Nam đứng thứ 5/10 trong ASEAN, tăng một bậc so với năm trước.

So với toàn cầu, Việt Nam đứng thứ 59/193 quốc gia/vùng lãnh thổ (năm 2022 con số này là 55/181). Đây là năm thứ ba Việt Nam vượt qua ngưỡng trung bình của thế giới.

Để đánh giá, Oxford Insights dựa trên ba trụ cột gồm: Chính phủ, công nghệ và khả năng tiếp cận cơ sở dữ liệu, cơ sở hạ tầng. Trong đó, Chính phủ (quy định, chính sách, sẵn sàng thích ứng với thay đổi) đạt 69,04 điểm. Hai trụ cột còn lại gồm công nghệ (37,82 điểm) và khả năng tiếp cận cơ sở dữ liệu và cơ sở hạ tầng (56,58 điểm).

Cũng theo báo cáo, năm 2023 chứng kiến sự bùng nổ với những đột phá về AI cùng hành động trong quản trị và đạo đức AI, sự gia tăng của các hội nghị về AI trên toàn cầu đã khiến công nghệ này trở nên nổi bật.

Nhằm đón đầu cơ hội này, tại Việt Nam, ngày 26/1/2021, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 127/QĐ-TTg về "Chiến lược quốc gia về nghiên cứu, phát triển và ứng dụng AI đến năm 2030".

Việt Nam thăng hạng trong lĩnh vực trí tuệ nhân tạo
Việt Nam thăng hạng trong lĩnh vực trí tuệ nhân tạo

Chiến lược đưa ra mục tiêu "đẩy mạnh nghiên cứu, phát triển và ứng dụng AI, đưa AI trở thành lĩnh vực công nghệ quan trọng của Việt Nam trong cuộc CMCN 4.0", góp phần phát triển kinh tế-xã hội và từng bước đưa Việt Nam trở thành điểm sáng về nghiên cứu, phát triển và ứng dụng AI trong khu vực và trên thế giới.

Sau hơn hai năm triển khai Chiến lược AI, Việt Nam đã đạt một số kết quả bước đầu rất đáng được khích lệ. Đóng góp của các nhà khoa học, nhà nghiên cứu trong lĩnh vực AI trong những năm qua đã được xã hội và thế giới ghi nhận.

Nhiều sản phẩm dựa trên AI đã được ứng dụng trong cuộc sống. Nhiều tập đoàn, doanh nghiệp Việt Nam đã quan tâm, đầu tư mạnh mẽ cho AI và đã từng bước cải thiện, nâng cao khả năng tiếp cận, hấp thụ và làm chủ công nghệ AI...

Ông Bryan Pelz - Nhà sáng lập và CEO của Bootloader chia sẻ, quay trở về thời điểm 14, 15 năm trước, chắc chắn chúng ta không thể tưởng tượng được ứng dụng TikTok, Snapchat hay Zalo sẽ tồn tại.

Theo ông Bryan Pelz, thế giới đang ở một giai đoạn chuyển giao đầy thú vị khi những nền tảng như PyTorch, chat GPT… luôn được nâng cấp và cải thiện hằng ngày. Nhiều lập trình viên chọn phát triển ứng dụng dựa trên những nền tảng này và họ không ngừng cải thiện sản phẩm của mình. Vì vậy, AI chắc chắn là một cuộc cách mạng.

Ông Nguyễn Lê Thành - Phó Tổng Giám đốc Công nghệ, chịu trách nhiệm về chiến lược phát triển công nghệ của VNG và vận hành mảng kinh doanh chiến lược VNG Digital Business cũng nhấn mạnh, Việt Nam có rất nhiều cơ hội trong lĩnh vực này.

Việt Nam thăng hạng trong lĩnh vực trí tuệ nhân tạo 2
Ông Nguyễn Lê Thành - Phó Tổng Giám đốc Công nghệ, chịu trách nhiệm về chiến lược phát triển công nghệ của VNG

"Hạ tầng, năng lượng và trung tâm dữ liệu là những yếu tố then chốt. Chúng ta cần điện năng để khởi chạy mô hình và Việt Nam là một trong những quốc gia có giá điện rẻ nhất hiện nay nếu so sánh với các nước trong khu vực, như Singapore", ông Thành cho biết.

Cũng theo lãnh đạo VNG, nguồn nhân lực giỏi với chi phí hợp lý cũng là một lợi thế lớn để Việt Nam cạnh tranh trên thị trường. Mấu chốt để AI phát triển tốt ở Việt Nam, đó là chúng ta có rất nhiều kỹ sư giỏi, nhiều phần mềm và đặc biệt hơn là chi phí nhân công của chúng ta cũng rất hợp lý.

Cùng quan điểm trên, ông Rick Nguyễn - Đồng sáng lập ExtendMe.AI cho biết: "Người Việt Nam rất giỏi toán học. Để làm tốt về trí tuệ nhân tạo, chúng ta cần có kiến thức toán học khá tốt. Vì vậy, có rất nhiều cơ hội để Việt Nam tham gia vào lĩnh vực này".

Đặt trong bối cảnh thế giới, ông Bryan Pelz cho rằng, AI khi ở giai đoạn sơ khai đòi hỏi rất nhiều dữ liệu và năng lực xử lý nhưng ở thời điểm hiện tại, việc phát triển ứng dụng đang ngày càng ít tốn kém và nhanh hơn. Đây cũng là cơ hội để mang lại nhiều giá trị cho doanh nghiệp.

Tuy nhiên, với các xu hướng mới như Generative AI, theo ông Nguyễn Lê Thành,chi phí huấn luyện cũng như tham chiếu mô hình ngôn ngữ của AI nói chung vẫn còn rất đắt đỏ.

Dù vậy, như ông Bryan chia sẻ, việc phát triển ứng dụng sẽ ngày càng rẻ theo thời gian. Về mặt nền tảng, các doanh nghiệp non trẻ có thể tái sử dụng những mô hình được thiết kế sẵn và phát triển ứng dụng trên những nền tảng đó. Và những ứng dụng AI thật sự đang hỗ trợ doanh nghiệp vận hành kinh doanh rất hiệu quả.

Tin liên quan