Cuộc đua xe điện trong giao vận

Ngày càng nhiều doanh nghiệp giao hàng và vận tải hành khách sử dụng xe điện vào hoạt động kinh doanh. Tuy vậy, việc mở rộng quy mô vẫn còn không ít thách thức.

Cuộc đua xe điện trong giao vận

Các hãng giao vận đua nhau ‘xanh hóa’

Cách đây không lâu, Gojek – nền tảng công nghệ đa dịch vụ theo yêu cầu hàng đầu khu vực Đông Nam Á đã công bố hợp tác với Selex Motors – công ty khởi nghiệp tiên phong ở Việt Nam xây dựng hệ sinh thái xe máy điện.

Theo đó, Gojek sẽ triển khai thí điểm sử dụng xe máy điện Selex Motors trong các dịch vụ vận chuyển hành khách, giao đồ ăn và dịch vụ giao hàng tại Việt Nam. Điều này không chỉ giúp bảo vệ môi trường mà còn mang lại lợi ích tài chính và sức khỏe cho tài xế đối tác.

Ông Nguyễn Hữu Phước Nguyên, Giám đốc điều hành của Selex Motors, đánh giá, xu hướng chuyển đổi sang phương tiện giao thông xanh là rất quan trọng trong bối cảnh môi trường đang bị đe dọa bởi tác động của biến đổi khí hậu.

Sự hợp tác giữa Selex Motors và Gojek không chỉ giúp tài xế tiết kiệm chi phí vận hành, mà còn thúc đẩy phát triển phương tiện giao thông không khói, với mục tiêu ‘xanh hóa’ thành phố thông qua một hệ sinh thái xe máy điện tối ưu và công nghệ đổi pin siêu tiện lợi.

Trước đó, vào giữa năm nay, Gojek đã triển khai thí điểm xe máy điện Dat Bike trong hoạt động vận tải khách và giao đồ ăn tại Việt Nam.

Cuộc đua xe điện trong giao vận

Dự báo lượng khí thải CO2 từ hoạt động vận tải, giao đồ ăn và thương mại điện tử (MT: triệu tấn). Nguồn: Báo cáo e-Conomy SEA 2022

Ngoài Gojek, Lazada Logistic thuộc Lazada Việt Nam cũng đã hợp tác với Selex Motor để ứng dụng xe máy điện vào hoạt động giao vận tại TP.HCM và Hà Nội, khởi đầu với ít nhất 100 chiếc xe máy điện đầu tiên.

Grab cũng không nằm ngoài cuộc chơi khi công bố triển khai thí điểm xe máy điện cho hoạt động giao hàng tại TP.HCM. Trước đó, Selex Motors và GrabExpress cũng đã tổ chức triển khai thử nghiệm hoạt động ở Hà Nội.

Áp lực ô nhiễm ngày càng cao hơn từ tăng phát thải theo cấp số nhân tại Đông Nam Á là một trong những lý do thúc đẩy các bên tham gia ngành giao vận tăng tốc trong cuộc đua "xanh hóa".

Báo cáo Kinh tế số Đông Nam Á (e-Conomy SEA 2022) dự báo, phát thải CO2 từ hoạt động vận tải, giao đồ ăn và thương mại điện tử có thể tăng từ 6 lên 10 triệu tấn trong giai đoạn 2022 - 2025 và đạt tới 20 triệu tấn vào năm 2030.

Việc sử dụng xe điện vào xử lý giao hàng ở chặng cuối kết hợp cùng giảm thiểu, tái chế vật liệu đóng gói có thể giúp giảm hơn 1/3 lượng khí thải của lĩnh vực thương mại điện tử.

Cùng với đó, lĩnh vực vận tải cũng có thể giảm 20 - 30% lượng khí thải bằng cách chuyển đổi sang xe điện thông qua các quan hệ đối tác, kết hợp cùng tối ưu hóa tuyến đường và giảm thời gian chờ đợi của người lái xe.

Cuộc đua xe điện trong giao vận 2

Việc triển khai giao hàng và vận chuyển hàng khách bằng xe điện được đánh giá không chỉ giúp bảo vệ môi trường mà còn mang lại lợi ích tài chính và sức khỏe cho tài xế đối tác

Năm ngoái, Ahamove “bắt tay” VinFast ra mắt dịch vụ vận chuyển hàng hóa bằng xe máy điện với mục tiêu đưa 10.000 xe máy điện vào hoạt động từ năm 2025, thay thế dần xe xăng và các loại xe không đảm bảo chất lượng, gây ảnh hưởng đến môi trường.

Ông Trần Lê Hoài Bảo, Giám đốc sản phẩm AhaFast, cho biết mẫu xe điện thông minh giúp doanh nghiệp tăng cường hệ thống quản trị thông minh, như quản lý được hành trình của đối tác tài xế, theo dõi chính xác mức tiêu thụ điện.

Điều này có ý nghĩa quan trọng đối với một doanh nghiệp kinh doanh trong lĩnh vực vận chuyển. Từ dữ liệu này, doanh nghiệp có thể dễ dàng quản lý hệ thống, từ đó cân đối tài chính, chi phí để xây dựng chính sách giá hợp lý, tăng thu nhập cho tài xế và tạo ra nhiều lợi ích cho người sử dụng dịch vụ.

Ông Bảo nhấn mạnh, điện hóa là xu hướng đã phổ biến trên thế giới, đặc biệt là ở các quốc gia phát triển. “Với việc hợp tác cùng VinFast triển khai dịch vụ AhaFast, chúng tôi mong muốn chứng minh được sự phù hợp, tiện lợi và cơ hội phát triển của xe điện đối với ngành vận tải, từ đó góp phần vào cuộc cách mạng “xanh”, bắt kịp xu hướng thế giới”.

Từ cuối năm 2021, Vietnam Post cũng đã tham gia vào xu hướng chung, trở thành doanh nghiệp bưu chính đầu tiên tại Việt Nam sử dụng xe máy điện vào hoạt động giao nhận.

Nhiều thách thức trong chuyển đổi

Bà Trần Hương Giang, Trưởng phòng thử nghiệm Accelerator Lab tại Việt Nam của Chương trình Phát triển của Liên hợp quốc (UNDP), cho biết, trong lĩnh vực giao vận, thử nghiệm của UNDP tại Thừa Thiên Huế cho thấy, dù xe điện mang lại kết quả cao hơn về kinh tế và môi trường, người giao hàng vẫn lo ngại về chi phí đầu tư mua xe và các vấn đề liên quan đến hiệu suất của pin, tốc độ và sức mạnh của xe.

Nhận định này được bà Giang đưa ra trong phiên thảo luận tại Hội nghị Đổi mới sáng tạo Việt Nam 2023 mới đây.

Từ phía doanh nghiệp, ông Lê Hoàng Anh, nhà sáng lập và CEO của Ecotruck – công ty công nghệ chuyên cung cấp các giải pháp kết nối và dịch vụ cho xe tải chở hàng, cho biết, câu chuyện lợi nhuận vẫn là bài toán khó khi doanh nghiệp phải cân nhắc các yếu tố như chi phí đầu tư xe điện ban đầu, thời gian chờ sạc bị lãng phí.

Doanh nghiệp cũng phải cân nhắc bài toán về hiệu suất và trọng lượng pin trên xe ảnh hưởng tới khối lượng hàng hóa có thể được giao.

Tuy vậy, ông nhận định, xe tải điện có thể giải quyết được nhiều các loại chi phí ẩn.

“Đặc biệt, về mặt công nghệ, chúng ta có thể kết nối các xe tải điện với nhau trên một hệ thống và tối ưu chi phí vận hành, bên cạnh việc giảm thiểu được chi phí khấu hao tài sản và chi phí bảo trì”, vị CEO phân tích. “Tôi tin rằng về dài hạn, sử dụng xe tải điện vẫn có thể có lãi hơn hoặc ít nhất là tương đương xe tải thông thường”.

Cuộc đua xe điện trong giao vận 3

Ứng dụng xe điện ngành giao vận cần được đẩy mạnh hơn nữa với sự phối hợp của cả chính phủ và các doanh nghiệp tư nhân

Trong phiên thảo luận, các diễn giả thống nhất rằng, hoạt động giao thông vận tải tạo ra lượng lớn khí thải nhà kính và do đó, ứng dụng xe điện vào đời sống, đặc biệt trong ngành giao vận, là một bước tiến cần được đẩy mạnh hơn nữa với sự phối hợp của cả chính phủ và các doanh nghiệp tư nhân.

Bên cạnh việc liên tục cải tiến công nghệ để nâng cao chất lượng xe điện thay thế cho xe xăng trên thị trường, đại diện nhà sản xuất nội địa VinFast và Datbike cho biết, hiện tại vẫn chưa có cơ sở pháp lý rõ ràng về pin xe điện, tái chế pin.

Bên cạnh đó, Việt Nam cũng đang thiếu các quy định về cơ sở hạ tầng trạm sạc, hành lang pháp lý để kết nối mạng lưới sạc với hệ thống năng lượng tái tạo không nối lưới.

“Tôi nhận thấy chính quyền địa phương đang sẵn sàng đi nhanh hơn trung ương, do đó, chúng tôi đang cố gắng triển khai các chương trình thí điểm xe điện với các địa phương”, ông Trung Phạm, Giám đốc tài chính và vận hành của Datbike, cho hay.

Ông cũng khuyến nghị cần có thêm những ưu đãi tài chính rõ ràng từ ngân hàng hay trợ cấp nhà nước để thúc đẩy người dùng mua xe điện.

Bên cạnh đó, cả Vinfast và Datbike đều nhìn thấy cơ hội của thị trường tái chế pin sau khi những chiếc xe điện đi hết vòng đời.

Theo ông Morgan Donovan Carroll, Giám đốc ESG của Vingroup và Vinfast, người dùng vẫn còn ngờ vực về việc bán lại xe điện sau khi mua, bán cho ai, bán trên nền tảng nào. Thực tế cho thấy thị trường này vẫn còn ở giai đoạn sơ khởi.

“Theo quan điểm của tôi, việc thiết lập thị trường bán lại và định giá xe điện là một trong những yếu tố quan trọng tác động việc mua xe điện của người dùng”, ông đánh giá.

Tin liên quan