Thách thức lớn với ô tô sản xuất trong nước

Theo lộ trình thực hiện các hiệp định thương mại tự do (FTA), vài năm tới đây, xe ô tô từ các thị trường lớn sẽ được áp thuế nhập khẩu 0%, tạo ra thách thức lớn đối với ô tô sản xuất trong nước.

Thông tin về điều này, bà Nguyễn Ánh Tuyết, Trưởng tiểu ban hải quan, Hiệp hội Các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA), cho biết, điều này tạo ra lợi ích lớn cho người tiêu dùng khi thị trường trở nên đa dạng hơn về sản phẩm, xe ô tô sẽ có giá cạnh tranh hơn.

Tuy nhiên, thực tế, xe ô tô sản xuất trong nước đang khó cạnh tranh với đối thủ từ ASEAN khi thực hiện cam kết đưa thuế suất nhập khẩu về 0% theo Hiệp định Thương mại hàng hóa ASEAN (ATIGA), chứ chưa nói đến các cường quốc lâu đời về sản xuất ô tô như Nhật Bản hay Đức.

Hiện tại, xe ô tô nhập khẩu đang chịu mức thuế suất là 38,1%, tức là một chiếc xe có giá 30 nghìn USD sẽ phải nộp hơn 11 nghìn USD thuế nhập khẩu.

Theo lộ trình của Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA) là giảm khoảng 6,4% thuế suất mỗi năm, đến năm 2030, thuế nhập khẩu ô tô sẽ về 0%, đồng nghĩa với việc người tiêu dùng sẽ chỉ phải bỏ khoảng 70% số tiền để sở hữu một chiếc xe nhập khẩu so với hiện tại.

Khi đó, làn sóng xe ngoại nhập khẩu về Việt Nam nhiều khả năng sẽ “bóp chết” ngành công nghiệp sản xuất ô tô trong nước vẫn còn non trẻ.

TS. Lê Huy Khôi, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược chính sách công thương, Bộ Công thương, cho biết, thời gian còn lại không phải là quá ngắn nhưng nếu ngành ô tô tiếp tục trì trệ, thiếu chủ động thì khả năng “thua ngay trên sân nhà” là rất cao.

Để phòng ngừa viễn cảnh này, theo bà Tuyết, các thành viên của VAMA hiện đang không ngừng tìm giải pháp cải tiến sản phẩm, nâng cao công suất, giảm chi phí và nâng cao hiệu quả sản xuất.

Bên cạnh đó, một số thành viên đang đẩy mạnh việc nội địa hóa linh kiện và phát triển mạng lưới nhà cung cấp trong nước để giảm giá thành sản xuất. Có doanh nghiệp cũng tận dụng thuế suất giảm xuống để xuất khẩu linh kiện xe ô tô, đem về doanh thu tương đối khả quan.

Bà Tuyết kiến nghị Chính phủ có thể hỗ trợ về thuế tiêu thụ đặc biệt đối với các dòng xe lai, xe điện. Bên cạnh đó, các loại thuế, phí khác cần giữ ổn định và có thể giảm khi cần thiết để kích cầu và hỗ trợ phục hồi thị trường ô tô trong giai đoạn kinh tế gặp khó khăn.

Theo ông Khôi, việc thực hiện cam kết của các FTA, bên cạnh thách thức cũng tồn tại không ít cơ hội cho ngành ô tô nội địa. Đó là có thể nhập khẩu phụ liệu, linh kiện, công nghệ từ các thị trường phát triển với giá thấp hơn để nâng cao năng lực cạnh tranh.

Bên cạnh đó, nhà sản xuất cũng có thể xuất khẩu linh kiện, phụ tùng, sản phẩm sang thị trường EU. Để thực hiện hóa những cơ hội này, ông Khôi đề nghị các nhà sản xuất ô tô tìm hiểu kỹ cam kết, chuẩn bị các điều kiện để tận dụng ưu đãi nhằm tăng cường xuất khẩu.

Tin liên quan