Hiện nay, cơn khát vốn không chỉ diễn ra trong thị trường bất động sản, hiện tượng này đã có mặt trên nhiều ngành nghề, lĩnh vực khác…
Tại tọa đàm “Khơi thông dòng vốn vào sản xuất kinh doanh”, Phó chủ tịch Hiệp hội Dệt may - Thêu đan TP.HCM, ông Phạm Văn Việt cho biết, các thị trường xuất khẩu giảm mạnh, toàn ngành dệt may giảm hơn 19% so với cùng kỳ.
Trong khi đó, các doanh nghiệp đang đối diện với các khoản vay nợ cũ đã đến hạn, nếu không có các cơ chế để xử lý thì nhiều doanh nghiệp sẽ chuyển sang nợ xấu, kéo theo nhiều hệ lụy.
Hiện nay, các doanh nghiệp cần vốn ngắn hạn đề duy trì hoạt động, đồng thời cũng cần nguồn vốn đề đầu tư và tái cấu trúc. Thực tế là nếu ngành dệt may không chuyển đổi số, chuyển đổi sang 4.0 thì 2-3 năm nữa sẽ tụt hậu, đi sau các nước.
Phó chủ tịch Hiệp hội Dệt may - Thêu đan TP.HCM, ông Phạm Văn Việt phát biểu
Đồng thời, doanh nghiệp dệt may tồn kho lớn ở cả đầu vào lẫn đầu ra, các khoản phải thu cũng lớn nên dòng tiền rất quan trọng. Trong bối cảnh đặc biệt, cần có chính sách linh hoạt hơn trong điều kiện cho vay, còn nếu vẫn giữ điều kiện như trong bối cảnh bình thường thì doanh nghiệp cũng gặp khó trong tiếp cận vốn.
Do đó, Hiệp hội Dệt may - Thêu đan TP.HCM, kiến nghị Ngân hàng Nhà nước cũng như các ngân hàng cần nghiên cứu các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp linh hoạt như giữ nguyên nhóm nợ, tài sản đảm bảo, điều kiện cho vay...
Cũng như ngành dệt may, ngành cơ khí cũng khó khăn về việc điều chỉnh vốn với lãi suất cao như hiện tại. Ông Nguyễn Văn Trí, Giám đốc Công ty TNHH Lập Phúc chia sẻ, hơn 30 năm làm việc trong ngành cơ khí, doanh nghiệp phát triển nhờ vốn vay ngân hàng, thông qua chương trình hỗ trợ lãi suất, kích cầu phát triển ngành công nghiệp phụ trợ của TP.HCM.
Tuy nhiên, quá trình vận hành doanh nghiệp, nguồn vốn vay ngân hàng còn phải đổ vào nhiều đầu việc khác như đóng thuế, trả lương, mua máy móc thiết bị… Trong khi đối với ngành sản xuất làm ra được đồng tiền để trả lãi ngân hàng là rất khó.
“Đặc biệt, để kiếm ra được đồng lãi trả lãi 10% trở lên là điều không thể”, ông Trí nói. Vì doanh nghiệp không thể làm ra sản phẩm bán lời tới 20-30%, bên cạnh đó, doanh nghiệp còn bị áp lực trong việc cạnh tranh với thị trường Trung Quốc.
Không chỉ các ngành công nghiệp, hiện nay ngành nông nghiệp cũng đang rất cần sự hỗ trợ về vốn, tuy nhiên quy định cho vay làm khó ngành nông nghiệp. Ông Nguyễn Văn Ngọc, Phó chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi gia cầm Đông Nam Bộ, cho biết, bản thân đã có hơn 30 năm làm nông nghiệp, chăn nuôi nhưng hiện nay là thời điểm khó khăn nhất của ngành này. Chính sách nhà nước có, nhưng tới ngân hàng thì không vay được, khiến nhiều cá nhân, doanh nghiệp khó khăn.
Cụ thể, người dân mua đất làm trang trại rất cao nhưng thế chấp vào thì ngân hàng định giá theo khung nhà nước rất thấp. Trước kia hạn mức tín dụng cho vay cá nhân 30 tỷ đồng thì từ năm 2020 giảm còn 20 tỷ đồng dù tài sản thế chấp hiện vẫn trên 30 tỷ đồng.
Ông Ngọc đề xuất ngân hàng nên cho vay với tài sản hình thành trong tương lai, công nghệ máy móc nhập khẩu, đã có hợp đồng mua bán, hóa đơn, để đầu tư để đổi mới công nghệ.
Bên cạnh đó, ngành chăn nuôi đang cực kỳ khó khăn do tác động của kinh tế nói chung và đặc biệt là thịt nhập về quá rẻ. Sản phẩm làm ra không bán được thì lấy tiền đâu để đáo hạn nợ ngân hàng.
“Đề nghị Ngân hàng Nhà nước xem xét, cho nông dân trả lãi, chậm trả gốc vì thực tế chỉ là vấn đề sổ sách, còn tài sản đảm bảo ngân hàng vẫn đang giữ”, ông Ngọc đề xuất.
Cũng trong ngành nông nghiệp, ông Nguyễn Đình Tùng, tổng giám đốc công ty Vina T&T chia sẻ, doanh nghiệp ông chuyên xuất khẩu rau quả, hiện có thị trường, xuất khẩu được và có dòng tiền về nên được hưởng lãi suất dao động 8-8,5%, đây là lãi suất tạm chấp nhận được.
Ngành nông nghiệp cũng gặp nhiều khó khăn trong năm nay. Ảnh minh họa
Tuy nhiên, thực tế lãi suất chung hiện nay là trên 10% thì đa số doanh nghiệp khó trụ được trong thời điểm này. Đặc biệt, cái quan trọng là doanh nghiệp không có đầu ra, ngân hàng yêu cầu dòng tiền và nhiều điều kiện mới hỗ trợ.
Không chỉ doanh nghiệp, tại tọa đàm, vị Tổng giám đốc đã đề cập đến hoạt động kinh tế của người nông dân. Ông Tùng cho rằng, khó khăn của nông dân là tham gia chuỗi liên kết trong việc vay vốn ngân hàng.
Ở Việt Nam, người nông dân từ Bắc vào Nam đã đổ vốn vào nông nghiệp, cây trồng dài hạn rất lớn nhưng ngân hàng không xem đây là tài sản để có thể vay vốn.
Do đó, ông Tùng rất trăn trở và mong rằng Ngân hàng Nhà nước có chính sách để định giá được tài sản trên đất bởi khi đã trồng cây xuống đất 1-2 năm, đã ra lứa trái cây đầu tiên thì mang lại doanh thu.
Cho nên, ngân hàng cần có chính sách hỗ trợ, đừng để tình trạng người nông dân có đất nhưng không có tiền đầu tư trong khi người đi thuê không có đất cũng không vay được.