6 cạm bẫy thường gặp trên thị trường tiền điện tử

Thị trường tiền điện tử luôn được so sánh như miền viễn Tây hoang dã vì tồn tại không ít chiêu trò lừa đảo, gây tổn thất mỗi năm hàng tỷ USD.

Khi ghé thăm các trang web dự án tiền điện tử, không khó thấy dòng quảng cáo về khả năng bảo mật tối ưu nhờ phát triển với công nghệ blockchain. Nhưng trên thực tế, thị trường tiền điện tử lại là mảnh đất màu mỡ cho những kẻ lừa đảo trục lợi.

Theo báo cáo bảo mật Web3 của Certik, 2022 được coi là năm kỷ lục về giá trị tài sản ảo thất thoát trên nền tảng Web3. Cụ thể, tổn thất tiền điện tử do các vụ tấn công mạng và lừa đảo trong năm ngoái là 3,7 tỷ USD, tăng 189% so với năm 2021.

Do đó, các nhà đầu tư cần nắm rõ những dấu hiệu nhận biết để tránh trở thành nạn nhân của các vụ lừa đảo, dẫn đến tiền mất tật mang.

Lừa đảo Bitcoin

Bitcoin luôn được coi là biểu tượng của thị trường tiền điện tử nhờ vốn hóa lớn và lịch sử phát triển lâu đời. Ngay cả một số công ty tài chính truyền thống như PayPal đã cho phép sử dụng Bitcoin như một hình thức thanh toán. Vì vậy, việc nhiều nhà đầu tư mới cảm thấy an toàn khi giao dịch với Bitcoin và coi nó như điểm khởi đầu cũng hoàn toàn dễ hiểu.

Tuy nhiên, lừa đảo Bitcoin cũng là cạm bẫy phổ biến. Thông qua hòm thư điện tử, thủ phạm thường mạo danh các tổ chức gửi email với nội dung thuyết phục nạn nhân tiết lộ địa chỉ và mật khẩu ví, hoặc lừa họ gửi Bitcoin tới địa chỉ ví khác.

Để không dính bẫy, nhà đầu tư cần điểm tra kỹ địa chỉ email của người gửi và đảm bảo đường dẫn liên kết được gửi tới là hợp pháp. Thông thường, kẻ lừa đảo sẽ gửi các đường dẫn gần giống với trang web thật. Ví dụ, “Gogle.com” thay vì “Google.com” hoặc “Coinbase.co” thay vì “Coinbase.com”.

Ngoài ra, một thói quen tốt để chắc chắn không nhấn vào các đường dẫn độc hại là đánh dấu trang web hay dùng trên trình duyệt và chỉ sử dụng dấu trang để truy cập các trang web đó.

Lừa đảo NFT

6-cam-bay-chet-nguoi-tren-thi-truong-tien-dien-tu_648ae4d13caae.png Kẻ lừa đảo có thể mạo danh các dự án NFT blue chip như Bored Ape Yacht Club (Nguồn: CNET)

Trong khi một số nhà đầu tư mới tham gia vào thị trường này bắt đầu với Bitcoin, số khác lại chọn gửi gắm niềm tin vào NFT (Token không thể thay thế). Đặc biệt ở thời điểm xu hướng NFT lên ngôi đầu năm 2021, nhiều người đã tìm cách sở hữu loại hình tài sản ảo này thông qua các nền tảng sưu tầm như NBA Top Shot hay sàn giao dịch như OpenSea.

Khi một dự án NFT như Bored Ape Yacht Club bắt đầu tăng giá, những kẻ lừa đảo sẽ nhắm đến những người nhà đầu tư muốn có NFT này. Sau đó, chúng sẽ bắt chước để tạo ra những bản sao giống hệt tác phẩm gốc, thậm chí là nhân bản cả dự án.

Đôi khi vẫn xuất hiện NFT của dự án “blue chip” niêm yết trên các sàn giao dịch với giá hời. Tuy nhiên, hãy cẩn trọng nếu thấy NFT rao bán với giá thấp hơn nhiều so với mặt bằng chung vì rất có thể nó là hàng giả.

Hầu hết sàn giao dịch NFT uy tín như OpenSea có cách riêng để xác minh nguồn gốc tác phẩm nghệ thuật kỹ thuật số hoặc bộ sưu tập bằng dấu tích xanh trên trang danh sách. Để chắc chắn, nhà đầu tư cũng nên tự kiểm tra lại lịch sử giao dịch của chính NFT đó.

Lừa đảo qua mạng xã hội

Lừa đảo qua mạng xã hội cũng là một trong những chiêu trò phổ biến, đặc biệt qua Instagram và Twitter. Theo báo của Ủy ban Thương mại Liên bang Mỹ (FTC), gần 50% số người dính vào vụ lừa đảo tiền điện tử kể từ năm 2021 bắt nguồn từ quảng cáo, bài đăng hoặc tin nhắn trên mạng xã hội.

Quảng cáo

Thực tế, mạng xã hội đầy rẫy chiêu trò gian lận, từ việc dụ dỗ người dùng làm theo hướng dẫn để nhận quà đến tạo lòng tin bằng cách sử dụng tài khoản gắn tích xanh. Kể từ khi Elon Musk mua lại Twitter, tích xanh không còn là dấu hiệu đảm bảo vì bất cứ ai chấp nhận trả 8 USD mỗi tháng đều có thể sở hữu nó.

Vì vậy, trước khi làm theo lời khuyên hay tư vấn đầu tư từ các “chuyên gia” trên mạng xã hội, hãy rà soát thời gian hoạt động, số người theo dõi và bài đăng khác của họ. Một tài khoản mới với ít lượt tương tác có thể thuộc sở hữu của chuyên gia “lùa gà”, lập ra nhằm lôi kéo nhà đầu tư rót vốn vào các dự án không đáng tin cậy.

Mô hình đa cấp (Ponzi)

Khi đã quen với thị trường tiền điện tử, nhà đầu tư sẽ không lạ lẫm gì mô hình đa cấp (Ponzi). Thậm chí, Jamie Dimon, Giám đốc điều hành JPMorgan Chase, từng công khai chỉ trích cả thị trường tiền điện tử là “kế hoạch Ponzi phi tập trung” vào năm ngoái.

Thông thường, các dự án sẽ lôi kéo thêm người tham gia bằng cách cấp cho mỗi tài khoản một mã giới thiệu. Nhà đầu tư sẽ được chia hoa hồng khổng lồ chỉ với việc mời người nhà, bạn bè sử dụng mã giới thiệu đó để đăng ký tài khoản mới.

Một trong những dấu hiệu dễ nhận biết dự án hoạt động dựa trên mô hình Ponzi là việc đảm bảo tỷ suất lợi nhuận đến hai chữ số, một lời hứa chẳng khoản đầu tư hợp pháp nào có thể đạt được.

Rõ ràng, tất cả khoản đầu tư tài chính đều tiềm ẩn yếu tố rủi ro và giá trị tiền điện tử luôn dễ bay hơi hơn tài sản truyền thống. Nếu ai đó hứa hẹn giúp nhà đầu tư giàu lên nhanh chóng mà chẳng phải làm gì, gần như chắc chắn đó là chiêu trò lừa đảo.

Rút thảm (Rug pull)

6-cam-bay-chet-nguoi-tren-thi-truong-tien-dien-tu_648ae694daa0c.jpg Chủ dự án lừa đảo sẵn sàng bán tháo khi token được giá (Nguồn: NFTNow)

Lừa đảo rút thảm là một trong những cạm bẫy mà những nhà đầu tư vào dự án tài chính phi tập trung (DeFi) hay NFT dễ vướng phải. Dựa trên ưu điểm cốt lõi là giao dịch ẩn danh và bỏ qua trung gian, thị trường tiền điện tử trở thành môi trường hoàn hảo cho kẻ lừa đảo trục lợi.

Với công nghệ hiện nay, những kẻ lừa đảo có thể tạo ra token riêng nhanh chóng, tạo trang web quảng cáo và đưa lên giao dịch trên các sàn phi tập trung (DEX) như UniSwap, PancakeSwap… mà không cần qua bất kỳ hình thức kiểm duyệt nào. Theo dữ liệu từ Solidus Labs, hơn 117.000 token lừa đảo được bán ra, đánh cắp hàng tỷ USD chỉ riêng trong năm ngoái.

Mô hình lừa đảo này chủ yếu đánh vào lòng tham của nhà đầu tư do các token mới niêm yết thường tăng giá nhanh, tạo ra tâm lý sợ bị bỏ lỡ (FOMO) trong cộng đồng. Một số nhà đầu tư còn có thói quen sử dụng bộ lọc để tìm token mới tiềm năng mà không cần nghiên cứu tài liệu dự án. Chủ các dự án kiểu này sẽ lập tức bán tháo để chốt lời khi cảm thấy giá token đạt tới đỉnh điểm, để lại cho người nắm giữ những đồng tiền số vô giá trị.

Trên thị trường NFT, những kẻ lừa đảo có thể đạo nhái những bộ sưu tập NFT nổi tiếng để gài bẫy người mua. Nổi tiếng nhất là vụ lừa đảo Mutant Ape Yacht Club hứa hẹn cho nhà đầu tư phần thưởng lớn cùng nhiều đặc quyền khác, trước khi "bốc hơi" với số tài sản ảo trị giá gần 3 triệu USD.

Giải pháp hiệu quả nhất để ngăn chặn điều này xảy ra là đánh giá kỹ trước khi gửi tiền vào bất kỳ dự án mới nào thông qua việc xem lộ trình, nghiên cứu sách trắng, kiểm tra thông tin về nhà sáng lập và sử dụng công cụ phân tích dữ liệu on-chain.

Lừa tình cảm

Dù không trực tiếp liên quan, những vụ lừa tình cảm xuất hiện ngày càng nhiều kể từ khi thị trường tiền điện tử phát triển, lấy đi của các nạn nhân 185 triệu USD thông qua các tài sản ảo.

Thủ phạm thường lập tài khoản trên các nền tảng chat, hẹn hò hoặc mạng xã hội để săn đón nạn nhân. Khi mục tiêu “cắn câu”, chúng sẽ dụ dỗ chuyển Bitcoin tới địa chỉ ví ẩn danh hoặc thuyết phục họ đầu tư vào dự án tiền điện tử mới.

Một số kẻ lừa đảo tinh vi còn tạo ra trang web giả mạo, thôi thúc nạn nhân tạo tài khoản. Sau đó, chúng có thể gửi cho họ token giả như phần thưởng và tiếp tục thuyết phục trong vòng nhiều tuần đến khi nạn nhân sẵn sàng đặt cược khoản tiền lớn. Sau khi đã thu lời, thủ phạm sẽ chủ động cắt đứt liên lạc để theo đuổi những "con mồi" mới.

Tin liên quan