Trong năm 2024, các doanh nghiệp Việt Nam sẽ cần tìm cách vận dụng AI vào bộ máy tổ chức của mình một cách hiệu quả, đồng thời tận dụng các xu hướng mới nổi trên thị trường đang tác động đến bối cảnh kinh doanh…
Những khả năng phát triển mới của trí tuệ nhân tạo (AI) đang thu hút nhiều sự chú ý hơn, nhờ vào sự phổ biến rộng rãi của các công cụ AI tạo sinh (Generative AI). Và điều này sẽ còn tiếp tục tăng tốc trong năm 2024.
Theo dự báo từ bà Bee Kheng, Chủ tịch phụ trách khu vực ASEAN, Cisco, xu hướng kinh doanh và công nghệ quan trọng, có thể mở ra một chương mới cho các doanh nghiệp ở Việt Nam, đồng thời gợi ý các cách nắm bắt xu hướng cho doanh nghiệp.
Bà Bee Kheng cho rằng, AI sẽ chuyển từ vị thế một công nghệ “có cũng được” sang một vị thế quan trọng, nhất định phải có, và không phải tất cả các tổ chức đều đã chuẩn bị đầy đủ để tận dụng nó.
Ngành công nghiệp AI dự kiến sẽ tăng từ 95,06 tỷ USD lên 1.800 tỷ USD vào năm 2030, dự kiến sẽ là một trong những động lực chính của nền kinh tế toàn cầu trong thập kỷ tới. Nhưng các công ty vẫn chưa hoàn toàn sẵn sàng tận dụng cơ hội này
Bà Bee Kheng, Chủ tịch phụ trách khu vực ASEAN, Cisco
Tín hiệu tích cực là việc nắm bắt AI đã trở thành điều cấp thiết và hầu hết các công ty đã và đang thực hiện những bước đầu tiên. Tuy nhiên, vẫn tồn tại những khoảng cách đáng kể giữa các trụ cột kinh doanh quan trọng khác như cơ sở hạ tầng, dữ liệu, quản trị, nhân tài và văn hóa.
“Các công ty Việt Nam sẽ khá chật vật với việc làm sao để giải quyết các vấn đề về AI trong các tổ chức của họ, không chỉ từ góc độ công nghệ mà còn cả về nhân sự khi có những nhân viên đã sẵn sàng nhưng cũng có những người chưa sẵn sàng sử dụng công nghệ đó”, bà Bee Kheng nói.
AI hứa hẹn mang lại nhiều lợi ích chuyển đổi nhưng việc áp dụng nó tiềm ẩn nhiều rủi ro, đòi hỏi các tổ chức phải có sẵn sàng khung chính sách và bộ quy tắc để hướng dẫn thực thi việc quản lý dữ liệu và hệ thống AI một cách có đạo đức và có trách nhiệm.
Bà Bee Kheng cho rằng, các công ty xây dựng ứng dụng AI sẽ phải cân nhắc về việc đưa tính bảo mật, quyền riêng tư và sự tin cậy vào các quy trình thiết kế trong suốt vòng đời đổi mới cũng như ứng dụng của AI trong các sản phẩm, dịch vụ và hoạt động doanh nghiệp.
Theo Chủ tịch phụ trách khu vực ASEAN của Cisco, năm 2024 sẽ là năm chứng kiến sự xuất hiện của một kỷ nguyên mới của hạ tầng mạng trực giác. Hạ tầng mạng này sẽ mang lại sự bảo mật và trí thông minh chưa từng có cho các doanh nghiệp.
Bên cạnh đó, năm 2024 cũng sẽ là năm cần đưa ra những tính toán và đánh giá sự tiến bộ trong hành động vì khí hậu.
Cuối cùng, con người và khả năng thích ứng thay đổi sẽ vẫn là cốt lõi cho sự thành công của nỗ lực chuyển đổi số. Khi các công ty ở Việt Nam tiếp tục hành trình số hóa, họ cần đảm bảo rằng nhân lực của mình có đủ kỹ năng và kiến thức để đáp ứng nhu cầu của thời đại mới.
Thiện Minh