Cẩn trọng với “bẫy" cổ tức

Trong bối cảnh thị trường chứng khoán rơi vào vùng trũng thông tin tích cực thì những kế hoạch chi trả cổ tức tỷ lệ cao được xem là “cứu cánh” cho sức hấp dẫn của nhiều cổ phiếu. Tuy nhiên, đây cũng có thể là một chiếc “bẫy” nếu sức khỏe doanh nghiệp không ổn định.

Trong thời gian gần đây, hàng loạt các doanh nghiệp đã vông bố trả cổ tức tỷ lệ cao cả bằng cổ phiếu lẫn bằng tiền. Động thái này đã thu hút được các nhà đầu tư trong bối cảnh thị trường chứng khoán đang rơi vào vùng trũng thông tin.

Mưa cổ tức “khủng”

Hồi cuối tháng 5 vừa qua, Công ty Cổ phần Quảng cáo và Hội chợ Thương mại Vinexad (mã chứng khoán: VNX) đã chốt danh sách cổ đông trả cổ tức năm 2022 bằng tiền với tỷ lệ 60%, tương ứng mỗi cổ phiếu VNX sẽ nhận về 6.000 đồng cổ tức. Thời gian thanh toán dự kiến ngày 15/6.

Tương tự, Công ty Cổ phần Dịch vụ Trực tuyến FPT (FPT Online, mã chứng khoán: FOC) vừa chốt danh sách cổ đông nhận cổ tức năm 2022 bằng tiền với tỷ lệ 50%, tương ứng cổ đông sở hữu mỗi 1 cổ phiếu sẽ hận được 5.000 đồng. Ngày thanh toán dự kiến là 19/6. Với hơn 18,4 triệu cổ phiếu đang lưu hành, công ty dự kiến chi 92 tỷ đồng trả cổ tức.

Cũng trong ngày 19/6, Công ty Cổ phần Vicostone (mã chứng khoán: VCS) sẽ chốt danh sách cổ đông tạm ứng cổ tức lần 1/2023 bằng tiền mặt với tỷ lệ 20% (1 cổ phiếu sẽ được nhận 2.000 đồng).

Với 160 triệu cổ phiếu đang niêm yết và lưu hành, Vicostone sẽ chi 320 tỷ đồng để thực hiện tạm ứng cổ tức cho cổ đông hiện hữu. Thời gian thanh toán dự kiến vào ngày 26/6/2023.

Trước đó, tại Đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) thường niên 2023, Vicostone đã thông qua phương án chi trả cổ tức cho năm nay tối thiểu 20%. Trong năm 2022 trước đó, công ty đã thực hiện chia cổ tức cho cổ đông theo 2 đợt với tổng tỷ lệ 60% bằng tiền mặt.

Ngay cả những đơn vị “tiết kiệm” cổ tức tiền mặt là nhóm ngân hàng cũng không ngại chi ra một lượng tiền lớn để khiến các cổ đông “mát mặt” với mức tỷ lệ từ 10-25%.

Theo đó, Ngân hàng thương mại cổ phần Á Châu (ACB, mã: ACB) vừa chốt danh sách cổ đông nhận cổ tức bằng tiền mặt và cổ phiếu trong những ngày đầu tháng 6.

Cụ thể, ACB sẽ trả cổ tức năm 2022 bằng tiền với tỷ lệ 10% mệnh giá (1 cổ phiếu được nhận 1.000 đồng). Thời gian thanh toán là ngày 12/6. Ngoài chia cổ tức bằng tiền mặt, trong đợt này, ACB còn trả cổ tức cho cổ đông bằng cổ phiếu với tỷ lệ 15%. Như vậy, trong năm nay, cổ đông của ACB sẽ nhận tổng cộng cổ tức tỷ lệ 25%, gồm cả tiền mặt và cổ phiếu.cổ tức Ngay cả khi đầu tư vào các doanh nghiệp có tỷ lệ trả cổ tức bằng tiền mặt cao, nhà đầu tư cũng vẫn có thể dính "bẫy" cổ tức

Một ngân hàng khác cũng vừa chốt danh sách ngày đăng ký cuối cùng của cổ đông để nhận cổ tức năm 2022 bằng tiền là Ngân hàng Thương mại Cổ phần Phát triển TP.HCM (HDBank). Dự kiến, ngày 12/6, các cổ đông của HDBank sẽ nhận 10% cổ tức bằng tiền mặt với tỷ lệ 1 cổ phiếu được nhận 1.000 đồng. Ngoài ra, cổ đông HDBank còn nhận được 15% cổ tức bằng tiền mặt, tưng đương tổng mức cổ tức mà ngân hàng này chi trả là 25%.

Các ngân hàng như VIB, TPBank, MB, VPBank… cũng đều đã hoặc đang triển khai kế hoạch chi trả cổ tức cho cổ đông bằng cả tiền mặt và cổ phiếu.

Nhưng không phải ai cũng “mát mặt”

Việc các doanh nghiệp chia cổ tức tỷ lệ cao, đặc biệt là cổ tức tiền mặt là một tín hiệu rất đáng mừng đối với các cổ đông, nhà đầu tư dài hạn. Bởi lẽ, doanh nghiệp có “ăn nên làm ra” mới có nguồn lợi nhuận để phân phối.

Theo đó, việc đầu tư vào các doanh nghiệp “mạnh về gạo, bạo về tiền” là một chiến lược được khá nhiều nhà đầu tư lựa chọn. Tuy nhiên, chiến lược này không phải là không có rủi ro.

Chẳng hạn giá cổ phiếu A của 1 doanh nghiệp trên sàn đang là 20.000 đồng/cổ phiếu, doanh nghiệp sử dụng chính sách ổn định cổ tức với mức 25%/năm (tương đương mỗi cổ phiếu nhận về 2.500 đồng hoặc 100 cổ phiếu sẽ nhận thêm 25 cổ phiếu mới).

Sau khi chia cổ tức, thị giá cổ phiếu A sẽ điều chỉnh về mức 17.500 đồng/cổ phiếu. Giả định doanh nghiệp làm ăn không có gì tiến triển, đi ngang trong năm thì các nhà đầu tư vẫn nhận được 2.500 đồng/cổ phiếu mỗi năm (tương đương hiệu suất 12,5%), đây là mức khá hấp dẫn khi lãi suất ngân hàng hiện nay chỉ khoảng 6%-8%/năm.

Chưa kể, sau một thời gian doanh nghiệp tăng trưởng ổn định, giá cổ phiếu tăng lên, khi đó nhà đầu tư vừa được nhận cổ tức, vừa được hưởng mức chênh lệch của giá cổ phiếu. Còn đối với các nhà đầu tư của doanh nghiệp chia cổ tức bằng cổ phiếu cũng sẽ khiến nhiều nhà đầu tư “hái ra tiền” bởi sở hữu cổ phiếu giá thấp, bán ra với giá cao.

Nhìn vào đây có thể thấy, chiến lược này có mức độ rủi ro tương đối thấp nhưng chỉ đúng với các công ty có kết quả kinh doanh tốt, phát triển bền vững. Tuy nhiên, trên thị trường chứng khoán không hiếm gặp những doanh nghiệp chi trả mức cổ tức rất cao nhưng chỉ trong vòng 1-2 năm kinh doanh thuận lợi, đến khi bắt đầu khó khăn giá trị công ty có thể giảm nhanh chóng, lúc này nhà đầu tư đã rơi vào “bẫy cổ tức”.

Theo chuyên gia phân tích Hoàng Nguyên-Công ty chứng khoán SSI, ngay cả đối với khoản cổ tức bằng cổ phiếu vốn được xem là ảo, nhà đầu tư vẫn có thể tìm thấy tiềm năng tăng giá nhưng chỉ đúng với doanh nghiệp có lượng cổ phiếu lưu hành ở mức thấp.

Đồng quan điểm, ông Nguyễn Văn Toại – Giám đốc tư vấn đầu tư, khối tư vấn đầu tư Công ty chứng khoán VPS cho biết , giá cổ phiếu sẽ bị giảm tương ứng ngay vào ngày chốt quyền, trong khi khả năng phục hồi ngay sau đó lại không chắc chắn do còn phụ thuộc vào yếu tố thị trường. Có trường hợp sau khi điều chỉnh kỹ thuật, giá nhiều cổ phiếu sẽ liên tiếp đi xuống cả trong ngắn và dài hạn.

Tin liên quan