Điểm danh những mã cổ phiếu ngân hàng niêm yết bổ sung trong tháng 8/2023

Sau khi hoàn tất việc phát hành cổ phiếu, nhiều ngân hàng thay đổi đăng ký niêm yết hàng tỷ cổ phiếu và đưa cổ phiếu mới lên sàn chứng khoán...

Hầu hết các ngân hàng đều có kế hoạch tăng vốn trong năm 2023, thông qua việc chi trả cổ tức hay phát hành thêm cổ phiếu thưởng.

Hoạt động tăng vốn điều lệ, giúp cho các ngân hàng củng cố nguồn lực tài chính, gia tăng nguồn vốn trung và dài hạn để mở rộng kinh doanh.

Nhiều ngân hàng lựa chọn kế hoạch tăng vốn thông qua việc chia cổ tức bằng cổ phiếu. Với những diễn biến trên thị trường thời gian gần đây, khối Ngân hàng Thương mại cổ phần nhà nước được kỳ vọng sẽ trở thành "điểm sáng" của hoạt động tăng vốn.

Hàng tỷ cổ phiếu ngân hàng niêm yết bổ sung lên sàn chứng khoán

Bước sang những tháng cuối năm, nhiều mã cổ phiếu của nhiều ngân hàng được chấp thuận niêm yết thêm như: Ngân hàng Thương mại cổ phần Nam Á (Nam A Bank: NAB), Ngân hàng Thương mại Cổ phần Sài Gòn – Hà Nội (SHB), Ngân hàng Thương mại Cổ phần Quân Đội (MBB), Ngân hàng Ngân hàng Thương mại cổ phần Phát triển TPHCM (HDBank: HDB), Ngân hàng Thương mại Cổ phần Ngoại Thương Việt Nam (Vietcombank: VCB).

Cụ thể, ngày 7/8/2023 hơn 211 triệu cổ phiếu NAB của Nam A Bank, tương ứng với giá trị hơn 2.000 tỷ đồng đã được HNX chấp thuận niêm yết. Đây là số cổ phiếu mới được ngân hàng phát hành thêm để trả cổ tức năm 2022 cho cổ đông theo tỷ lệ 100:25, tương ứng với mỗi cổ đông sở hữu 100 cổ phiếu sẽ được nhận thêm 25 cổ phiếu mới. Theo đó, vốn điều lệ của doanh nghiệp sẽ tăng lên từ 8.464 tỷ đồng lên đến hơn 10.580 tỷ đồng.

Đến ngày 25/8/2023, hơn 552 triệu cổ phiếu của SHB được đưa vào giao dịch trên sàn HOSE với mục đích trả cổ tức. Như vậy, SHB đã nâng tổng lượng chứng khoán niêm yết từ hơn 3.067 tỷ cổ phiếu lên hơn 3.619 tỷ cổ phiếu. Vốn điều lệ của SHB cũng đã tăng thêm hơn 5.520 tỷ đồng, lên mức 36.194 tỷ đồng.

cổ phiếu ngân hàng
Top 5 ngân hàng niêm yết bổ sung cổ phiếu vào tháng 8/2023

Tương tự, ngày 29/8/2923 vừa qua, có hơn 680 triệu cổ phiếu MBB của MBBank chính thức được giao dịch tại HOSE. Được biết, trong tháng 7 ngân hàng này đã thông qua việc phát hành 680 triệu cổ phiếu để trả cổ tức theo tỷ lệ 15%, tương ứng mỗi cổ đông sở hữu 100 cổ phiếu nhận được 15 cổ phiếu mới. Vốn điều lệ theo đó cũng tăng từ 45.340 tỷ đồng lên 52.141 tỷ đồng.

Tiếp theo, đến ngày 30/8/2023 gần 377 triệu cổ phiếu của HDBank được đưa lên sàn HOSE. Sau khi hoàn thành đợt phát hành thêm cổ phiếu để trả cổ tức theo tỷ lệ 15%, vốn điều lệ theo đó cũng tăng lên 29.076 tỷ đồng.

Đáng chú ý, hôm qua (30/8/2023) hơn 856 triệu cổ phiếu VCB được HOSE chấp thuận niêm yết bổ sung, nâng tổng lượng chứng khoán niêm yết từ hơn 4.732 tỷ cổ phiếu lên hơn 5.589 tỷ cổ phiếu. Vốn điều lệ của Vietcombank tăng thêm gần 8.566 tỷ đồng lên mức 55.891 tỷ đồng, vươn lên vị trí thứ hai trong hệ thống, chỉ sau VPBank (67.430 tỷ đồng).

Như vậy, chỉ tính riêng những ngân hàng đã kể trên, số lượng cổ phiếu ngân hàng mới gia nhập sàn chứng khoán đã tăng thêm hơn 2,6 tỷ đơn vị.

Cổ phiếu ngân hàng: kỳ vọng chuyển biến tích cực hơn vào nửa cuối năm 2023

Mới đây, Chứng khoán Mirae Asset vừa có báo cáo phân tích về triển vọng của ngành ngân hàng trong thời gian sắp tới. Công ty chứng khoán này cho biết, mặc dù phải đối mặt với kết quả kinh doanh không mấy khả quan trong 2 quý đầu năm. Thêm vào đó, các rủi ro hiện hữu cũng như tiềm tàng liên quan đến chất lượng tài sản cũng như triển vọng phục hồi thị trường bất động sản chưa chắc chắn, nhà đầu tư dù vẫn khá thận trọng nhưng đã bắt đầu thể hiện sự lạc quan hơn và đặt niềm tin vào thị trường chứng khoán nói chung hay nhóm cổ phiếu ngân hàng.

Tăng trưởng GDP trong 6 tháng đầu năm 2023 chỉ tăng 3,7% so với cùng kỳ, như vậy khả năng hoàn thành mục tiêu tăng trưởng GDP 6,5% cho cả năm sẽ còn gặp nhiều khó khăn. Theo đó, các ngân hàng đã yêu cầu Ngân hàng Nhà nước hỗ trợ nền kinh tế bằng các chính sách như lãi suất và đặt hạn mức tăng trưởng cao nhằm thúc đẩy tăng trưởng tín dụng, chính sách tài khóa và giải quyết các vấn đề liên quan đến lĩnh vực bất động sản.

Với những sửa đổi cấp thiết trong khung pháp lý như thông qua Nghị định 08/2023/NĐ-CP và Thông tư 03/2023/TT-NHNN, phát hành trái phiếu doanh nghiệp (không bao gồm trái phiếu của tổ chức tín dụng) đã khởi động lại từ tháng 3/2023, nhờ các điều chỉnh liên quan đến định nghĩa nhà đầu tư chuyên nghiệp, thời gian phân phối, và yêu cầu xếp hạng tín nhiệm sẽ được hoãn lại đến cuối năm 2023.

Ngoài ra, lãi suất điều chỉnh giảm và các vướng mắc pháp lý liên quan đến lĩnh vực BĐS dần được tháo gỡ góp phần khuyến khích các nhà phát triển phát hành trái phiếu mới cho mục đích huy động vốn nhằm triển khai dự án. Gần đây, lượng phát hành trái phiếu doanh nghiệp của các ngân hàng đã bắt đầu khởi sắc trở lại, đây có thể là chỉ báo sớm cho sự phục hồi của tăng trưởng tín dụng.

anh-chup-man-hinh-2023-08-31-162325-2024.png
Phát hành trái phiếu doanh nghiệp đã khởi động lại từ tháng 3/2023

Theo thống kê, hơn 200 nghìn tỷ đồng trái phiếu doanh nghiệp đến hạn thanh toán gốc trong 6 tháng cuối năm 2023. Tổng giá trị trái phiếu này không quá lớn so với tổng dư nợ tín dụng của hệ thống ngân hàng (chiếm khoảng 5% tổng dư nợ), nhưng cũng không thể xem nhẹ tác động dây chuyền và các hệ quả liên quan như gia tăng nợ xấu và gánh nặng chi phí trích lập dự phòng.

Nhìn chung, ngành Ngân hàng trong năm 2023 có thể có sự phân hóa, khi các ngân hàng có bộ đệm dự phòng, chất lượng tài sản tốt sẽ có được lợi thế vững chắc hơn trước những khó khăn của nền kinh tế trong năm nay.