Từ tháng 8 này, người dân có thể bắt đầu trải nghiệm xe đạp cho thuê từ 78 trạm TNGo tại Hà Nội. Hệ thống xe đạp TNGo có nhiều tiện ích, được khách hàng đánh giá cao, nhưng...
Sau 9 tháng lỡ hẹn, mô hình xe đạp công cộng đã chính thức đi vào hoạt động tại Hà Nội. Đây là dự án nhằm đa dạng hóa vận tải hành khách công cộng, thúc đẩy phát triển du lịch Thủ đô.
Hiện, dự án “Xe đạp công cộng Hà Nội” đã được triển khai đến 78/79 trạm xe trên địa bàn 6 quận nội thành Hà Nội và nhận được sự quan tâm rất lớn từ người dân, đặc biệt là giới trẻ.
Bên cạnh những ưu điểm như bảo vệ môi trường, nâng cao sức khỏe, dịch vụ xe đạp cho thuê cũng có nhiều nhược điểm khó có thể cạnh tranh được với những phương tiện giao thông công cộng khác tại Hà Nội nói riêng và Việt Nam nói chung.
MÔ HÌNH THUÊ XE NHIỀU ƯU ĐIỂM
Dịch vụ xe đạp cho thuê là một loại hình giao thông xanh, sạch, thông minh đến với người dân và du khách khi tới Thủ đô. Điểm khác biệt với các dịch vụ đã có ở Hà Nội nói riêng và cả nước nói chung là khách có thể lấy xe ở trạm gần với mình và trả xe ở bất cứ điểm nào trong tổng số 79 điểm đang hoạt động trên 6 quận nội thành: Ba Đình, Hoàn Kiếm, Hai Bà Trưng, Đống Đa, Tây Hồ và Thanh Xuân.
Các điểm bố trí xe được ưu tiên kết nối với các phương tiện vận tải công cộng khác như xe bus, metro hay những điểm tập trung đông người như trường học, bệnh viện, trung tâm thương mại… làm sao để thuận lợi nhất cho người dân lấy xe và trả xe.
Xe đạp sử dụng loại gắn khóa thông minh, có tính năng định vị GPS, đóng hoặc mở khóa thông qua kết nối mạng 2G, 3G, 4G, bluetooth trên di động. Trên xe có hệ thống GPS, khung chống gỉ, phanh đĩa đảm bảo an toàn cho người sử dụng.
Để tránh mất cắp, thất lạc, mỗi xe đạp cũng được gắn thẻ ID định danh và khóa thông minh trên phương tiện có khả năng cảnh báo khi chạy quá thời gian, không trả... Cùng với đó, nhân viên vận hành có thể theo dõi lộ trình di chuyển của xe và người điều khiển qua phần mềm trung tâm.
Chi phí cho mỗi lượt 30 phút thuê xe là 5.000 đồng đối với xe đạp và 10.000 đồng đối với xe đạp điện. Người dân thuê xe cả ngày sẽ trả mức giá 60.000 đồng với xe đạp và 120.000 đồng với xe đạp điện. Người dân cũng có thể thuê xe theo tháng, cước phí từ 150.000 đồng cho 60 giờ sử dụng trở lên trong tháng, giới hạn 4 chuyến/ngày với tổng thời lượng sử dụng không quá 120 phút/ngày.
Hệ thống thanh toán bằng ứng dụng ngân hàng, ví điện tử như Momo, Zalopay...
Với những tiện ích mà dịch vụ này mang lại, bạn Trần Anh Phương (22 tuổi) chia sẻ: "Chỉ với những thao tác đơn giản trên điện thoại mà mình có thể dễ dàng mở khóa và sử dụng xe đạp. Giá thuê cũng ở mức ổn. Ngoài ra, đi xe đạp cũng giúp bảo vệ môi trường và nâng cao sức khỏe nữa".
VẪN CÒN NHIỀU BẤT CẬP
Xe đạp sẽ phù hợp hơn với cự ly 5km trở lại và sẽ rất hiệu quả nếu được kết nối tốt với phương tiện công cộng. Tuy nhiên, tại Việt Nam, xe đạp công cộng sẽ vấp phải sự cạnh tranh với xe máy bởi sự sự thua kém về tốc độ, tính tiện ích. Do vậy, xe đạp chỉ là phương tiện phụ trợ, kết nối giao thông công cộng trong tương lai.
Cũng phải nhắc lại rằng, đây không phải là lần đầu tiên Hà Nội triển khai dịch vụ xe đạp công cộng. Từ năm 2014, Hà Nội tiến hành thí điểm đề án cung cấp dịch vụ xe đạp công cộng tại 4 điểm trường: Đại học Công nghiệp Hà Nội, Đại học Điện lực, Đại học Thương mại và Cao đẳng Sư phạm Trung ương. Mục tiêu của đề án đưa ra giúp giảm ùn tắc giao thông, giảm thiểu ô nhiễm môi trường, tiết kiệm nguồn nhiên liệu để hướng tới Thủ đô xanh - sạch - đẹp.
Đặt nhiều kỳ vọng là vậy nhưng trên thực tế sau thời gian triển khai thực hiện, các điểm cho thuê xe đạp này chỉ hoạt động trong một thời gian rất ngắn rồi bị “đắp chiếu” do ế khách và thiếu nguồn lực để duy trì dịch vụ.
Để thuê được xe đạp, người dùng cần phải tải ứng dụng TNGo về điện thoại thông minh, sau đó liên kết với các tài khoản ngân hàng, ví điện tử để sử dụng. Do đó, mô hình này đã bỡ lỡ một bộ phận người trung niên và cao tuổi, muốn trải nghiệm dịch vụ này.
Ông Cao Đình Mạnh (Cầu Giấy) cho biết: "Mô hình này có vẻ sẽ thu hút được các bạn trẻ hơn. Tôi cũng muốn sử dụng nhưng các thủ tục từ tải app trên điện thoại, nạp tiền, quét mã đều không quen nên không tiện để dùng lắm."
Đồng quan điểm với ông Mạnh, bà Nguyễn Thị Thu (Ba Đình) cho rằng người có tuổi không còn phù hợp để đi xe đạp quãng đường xa nữa. "Tôi ở Ba Đình, mỗi lần muốn thăm con cháu ở xa cách đây hơn 10km thường chọn phương tiện xe bus để đi cho thuận tiện. Giờ có thêm xe bus của Vin, tôi thấy tiện hơn xe đạp rất nhiều, vừa mát mẻ mà người phục vụ trên xe cũng rất chu đáo".
Một điểm trừ nữa là các trạm xe điện của TNGo đều không có wifi. Do đó, để sử dụng xe, người dùng bắt buộc phải có mạng để kết nối với ứng dụng cho thuê.
Thêm nữa, việc truyền thông của dịch vụ thuê xe đạp bước đầu sẽ thu hút được lượng lớn người trẻ, bởi họ thích được trải nghiệm và muốn "bắt trend" tốt trên mạng xã hội.
“Chắc chắn tôi sẽ thử cảm giác mới mẻ của xe đạp công cộng và tin rằng dịch vụ sẽ có khả năng “tạo trend” cho giới trẻ. Đương nhiên, điều này sẽ chỉ thích hợp vào các dịp cuối tuần đi dạo, đi chơi, cafe và ngắm phố phường”, chị Mai Anh (21 tuổi) cho biết.
Về giá cả thuê xe, anh Nguyễn Tiến Anh (24 tuổi, Thanh Xuân) phân tích: "Nếu để trải nghiệm và dạo quanh đường phố, giá thuê xe đạp có vẻ ổn. Tuy nhiên, việc sử dụng lâu dài có vẻ sẽ đắt hơn các phương tiện công cộng khác".
Trên thực tế, giá vé xe bus tính theo tháng dao động từ 100.000-150.000 đồng. Người đi xe bus có thể đi bất kỳ xe nào tiện chuyến và đi bao lâu tùy thích. Người cao tuổi được miễn vé xe bus.
Bên cạnh đó, giá vé tàu Cát Linh - Hà Đông được tính theo quãng đường di chuyển của hành khách; trong đó, tối đa 15.000 đồng/lượt nếu đi toàn tuyến và thấp nhất là 8.000 đồng với quãng ngắn nhất.
Người lao động tại các văn phòng, công sở, doanh nghiệp ngoài khu công nghiệp mua vé tháng theo hình thức tập thể, được áp dụng mức 140.000 đồng/người/tháng. Người có công, người cao tuổi, người khuyết tật, trẻ em dưới 6 tuổi, nhân khẩu thuộc hộ nghèo được miễn vé.
Vì vậy, có thể thấy giá vé xe đạp cho thuê không có tính cạnh tranh với các phương tiện công cộng khác. Xét về mức độ tiện lợi, đi được quãng đường dài cũng không phải lợi thế của xe đạp TNGo.
Câu hỏi được đặt ra rằng: "Liệu sau khi hết "trend", xe đạp công cộng có bị "đắp chiếu" như trước không? Để trả lời được câu hỏi này cần phải có thời gian và sự đánh giá của người dân về phương tiện công cộng xanh này.