Mỹ và Hà Lan quyết định siết chặt thêm các lệnh hạn chế xuất khẩu máy móc bán dẫn quan trọng sang Trung Quốc nhằm ngăn chặn sự phát triển của ngành tại đại lục…
Mặc dù chính phủ Hà Lan đã có kế hoạch cho việc hạn chế xuất khẩu một số thiết bị từ ASML và các công ty khác sang Trung Quốc, nhưng Mỹ vẫn muốn tận dụng tầm ảnh hưởng của mình để siết chặt các biện pháp này hơn nữa.
Chính phủ Hà Lan có kế hoạch công bố các quy định mới vào ngày 30/6 với yêu cầu giấy phép riêng đối với dòng sản phẩm tốt thứ hai của ASML, thiết bị bán dẫn tia cực tím sâu (DUV). Các máy tinh vi nhất của ASML - máy in thạch bản siêu cực tím EUV- đã bị hạn chế và chưa bao giờ được chuyển đến Trung Quốc.
ASML là công ty thiết bị chip lớn nhất châu Âu nhờ sự thống trị trong lĩnh vực in thạch bản, một trong những bước trung tâm trong quy trình sản xuất chip máy tính.
Một số nguồn tin cho biết các quy định mới của Hà Lan sẽ không có hiệu lực ngay lập tức mà sẽ là vào khoảng tháng 9, hai tháng sau khi công bố.
Các công ty khác có thể bị ảnh hưởng bởi các quy tắc mới của Hà Lan bao gồm công ty lắng đọng lớp nguyên tử ASM International. Người phát ngôn của công ty đã từ chối bình luận trước thông báo của chính phủ.
Vào tháng 3 vừa qua, ASML cho biết, quy định của Chính phủ Hà Lan sẽ ảnh hưởng trực tiếp tới các sản phẩm công ty như TWINSCAN NXT:2000i và các mẫu phức tạp hơn. Nhưng các mẫu DUV cũ, chẳng hạn như TWINSCAN NXT:1980Di, cũng có thể bị cấm xuất khẩu tới 6 cơ sở của Trung Quốc.
Trong khi đó, quy tắc của Mỹ, mà các nguồn tin cho biết có thể được công bố vào cuối tháng 7, sẽ yêu cầu giấy phép xuất khẩu đặc biệt đối với sáu cơ sở nói trên, bao gồm cả một nhà máy do SMIC, nhà sản xuất chip lớn nhất của Trung Quốc. Trong đó, giấy phép vận chuyển thiết bị đến các cơ sở đó có thể sẽ bị từ chối, một nguồn tin có hiểu biết về vấn đề tiết lộ.
Thủ tướng Hà Lan Mark Rutte và Tổng thống Mỹ Joe Biden
Quy tắc của Mỹ dự kiến sẽ áp dụng cho cả ASML, nhà sản xuất thiết bị chip hàng đầu thế giới và là công ty lớn nhất của Hà Lan, vì các hệ thống của họ có chứa các bộ phận và linh kiện của Mỹ.
Theo các nguồn tin, Mỹ cũng dự kiến sẽ đưa ra các bản cập nhật khác cho các quy tắc sâu rộng vào tháng 7.
Vào tháng 10/2022, Mỹ đã áp đặt các hạn chế xuất khẩu đối với các công cụ sản xuất chip của Lam Research and Applied Materials sang Trung Quốc vì lý do an ninh quốc gia, đồng thời vận động các đồng minh khác áp dụng các biện pháp tương tự.
Nhật Bản, quê hương của các nhà sản xuất thiết bị chip Nikon và Tokyo Electron, kể từ đó đã thông qua các quy tắc hạn chế xuất khẩu 23 loại thiết bị sản xuất chất bán dẫn sẽ có hiệu lực vào ngày 23/7 tới.
Người phát ngôn Đại sứ quán Trung Quốc Liu Pengyu tại Washington đã chỉ trích động thái này và cho biết Mỹ đã cố tình cản trở các công ty và ngành công nghiệp bán dẫn Trung Quốc. Chính phủ nước này sẽ theo sát diễn biến và kiên quyết bảo vệ lợi ích của quốc gia.