Ngành công nghiệp bán dẫn ở Việt Nam đang mở ra những cơ hội phát triển, thu hút đầu tư. Trên sàn chứng khoán, nhóm cổ phiếu một số doanh nghiệp liên quan đến nhóm ngành này đều ghi nhận đà tăng nổi trội...
Việt Nam đang đứng trước cơ hội phát triển và tạo đột phá cho ngành công nghiệp bán dẫn khi mà thời gian gần đây, lĩnh vực bán dẫn liên tục thu hút sự quan tâm, hiện diện của những “ông lớn” hàng đầu thế giới của Mỹ và Hàn Quốc như Tập đoàn intel, Samsung…với những dự án từ hàng trăm triệu đến cả tỷ USD đầu tư xây dựng nhà máy, mở rộng sản xuất, lắp ráp...
CỔ PHIẾU RỦ NHAU ĐU ĐỈNH
Trên thị trường chứng khoán Việt Nam hiện nay, số lượng doanh nghiệp liên quan đến lĩnh vực công nghiệp bán dẫn chỉ “đếm trên đầu ngón tay”. Song, các mã cổ phiếu của những doanh nghiệp này đều có nhịp tăng tốt và giao dịch trên vùng giá cao nhất nhiều tháng.
Điển hình như cổ phiếu FPT của Tập đoàn FPT khi ghi nhận mức tăng 48% tính từ đầu năm đến nay và hiện đang giao dịch quanh vùng đỉnh lịch sử sát ngưỡng 100.000 đồng/cổ phiếu. Hay cổ phiếu DGC của Tập đoàn Hóa chất Đức Giang đã hồi phục tới 62% lên vùng giá cao nhất một năm (mức 94.000 đồng/cổ phiếu). Tương tự, cổ phiếu CMG của Tập đoàn Công nghệ CMC cũng ghi nhận mức tăng 20% sau hơn 9 tháng, đạt 48.000 đồng/cổ phiếu.
Đà tăng vượt trội của nhóm cổ phiếu ngành công nghiệp bán dẫn diễn ra trong bối cảnh lĩnh vực này đang dần trở nên “nóng” khi Việt Nam có cơ hội tham gia và trở thành một mắt xích trong thị trường bán dẫn toàn cầu.
Nhân chuyến thăm cấp Nhà nước tới Việt Nam của Tổng thống Joe Biden, Việt Nam và Mỹ ngày 10/9 đã tuyên bố nâng cấp quan hệ lên Đối tác Chiến lược Toàn diện. Đáng chú ý, tháp tùng Tổng thống Mỹ Joe Biden trong chuyến thăm lần này hầu hết là các doanh nghiệp công nghệ. Từ đó, “những cái bắt tay” tỷ USD của thương mại Việt – Mỹ đã được ra đời, trong đó lĩnh vực bán dẫn là một trong chủ đề được thảo luận nhiều nhất.
Ngay sau đó, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã gặp gỡ với nhiều doanh nghiệp công nghệ của Mỹ. Ngoài những “ông lớn” sản xuất chip hàng đầu thế giới đã có mặt tại Việt Nam, một số hãng công nghệ lớn cũng đang tìm hiểu các cơ hội hợp tác phát triển công nghiệp bán dẫn với các doanh nghiệp công nghệ Việt Nam.
Đơn cử như Intel - một trong ba nhà sản xuất bán dẫn hàng đầu thế giới đầu tư 4 tỷ USD mở rộng giai đoạn 2 nhà máy kiểm định chip tại TP.HCM.
Các công ty bán dẫn lớn khác của Mỹ như Amkor dự kiến khánh thành nhà máy tại Bắc Ninh trong tháng 10 tới hay Nvidia hợp tác với các doanh nghiệp công nghệ trong nước đưa công nghệ AI vào các ngành như dịch vụ đám mây, ô tô và y tế…
Bên cạnh đó, các tập đoàn công nghệ hàng đầu thế giới khác đến từ Đức, Hàn Quốc đã và đang có kế hoạch sản xuất linh kiện bán dẫn ở Việt Nam. Mới đây nhất, tập đoàn Hana Micron Vina của Hàn Quốc đã khánh thành nhà máy sản xuất chất bán dẫn tại Bắc Giang và là nhà máy đầu tiên ở miền Bắc trong lĩnh vực sản xuất chất bán dẫn.
Ngoài ra, các công ty bán dẫn hàng đầu thế giới của Mỹ như Synopsys, Marvell cũng đã có kế hoạch hợp tác hoặc đầu tư xây dựng trung tâm ươm mầm và thiết kế bán dẫn. Đây là công đoạn quan trọng nhất trong ba công đoạn sản xuất chip, bao gồm thiết kế, sản xuất và đóng gói.
Ở trong nước, đại học FPT đã công bố thành lập khoa Vi mạch bán dẫn vừa bổ sung nguồn nhân lực chất lượng cao vừa đầu tư một cách bài bản và chiều sâu để chủ động tham gia vào ngành công nghiệp bán dẫn, phát triển công nghệ AI.
Hiện nay, Việt Nam có một số đơn vị, doanh nghiệp công nghệ đã nghiên cứu, thiết kế, sản xuất chip như FPT Semiconductor, CMC, Viettel... Đây sẽ là con đường để Việt Nam tham gia sâu hơn vào ngành chip bán dẫn toàn cầu.
CƠ HỘI VÀNG ẬP ĐẾN VỚI CÁC DOANH NGHIỆP VIỆT
Trước đó, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Yellen trong chuyến thăm vào tháng 7, cũng nhấn mạnh Việt Nam sẽ là một giao điểm quan trọng trong chuỗi cung ứng bán dẫn toàn cầu. Dragon Capital cho rằng đây là dấu mốc lịch sử thể hiện vai trò quan trọng của Việt Nam, đồng thời có thể thúc đẩy sự phát triển trong vài năm tới.
“Nhờ đó, các doanh nghiệp như FPT và DGC là những doanh nghiệp được kỳ vọng hưởng lợi đặc biệt khi tận dụng được cơ hội trong lĩnh vực phần mềm và công nghệ bán dẫn mà chuyến thăm này có thể mang lại”, Dragon Capital nhấn mạnh.
Tập đoàn FPT hiện là một trong các tập đoàn hàng đầu về công nghệ thông tin và viễn thông ở Việt Nam. Quy mô vốn hóa vào khoảng 110.000 tỷ đồng, thuộc top 10 công ty có giá trị cao nhất sàn niêm yết cổ phiếu Việt Nam.
Trong một báo cáo phân tích của Agriseco Research, khối Công nghệ của FPT ghi nhận doanh thu và lợi nhuận trước thuế 7 tháng đầu năm đều tăng 26% so với cùng kỳ năm trước chủ yếu nhờ mảng Xuất khẩu phần mềm và Chuyển đổi số tăng trưởng hơn 30%.
Doanh thu ký mới xu hướng chậm lại do ảnh hưởng từ chi tiêu toàn cầu cho công nghệ giảm. Mảng Công nghệ trong nước tốc độ tăng trưởng doanh thu có sự cải thiện rõ nét khi tăng trưởng 2 chữ số (14% so với cùng kỳ) so với mức tăng trưởng 1 chữ số (9%) lũy kế 6 tháng đầu năm nhờ đẩy mạnh hợp tác với khối Chính phủ, bộ, ban ngành.
Các chuyên gia Agriseco Research dự báo các tháng cuối năm Tập đoàn FPT sẽ tiếp tục ghi nhận kết quả kinh doanh khả quan. Dự kiến khối công nghệ tăng trưởng hơn 20%, đóng góp chính cho tốc độ tăng trưởng của FPT nhờ sự hồi phục từ thị trường Nhật Bản; tốc độ tăng trưởng mảng Chuyển đổi số.
Thị trường Nhật Bản dự kiến tăng trưởng 25 – 30% so với cùng kỳ nhờ các khách hàng đẩy mạnh chi tiêu chuyển đổi số sau đại dịch. Doanh thu Chuyển đổi số dự báo tăng trên 30% nhờ tăng trưởng công nghệ Cloud, AI/Data Analytics. Mảng Công nghệ thông tin trong nước kỳ vọng khởi sắc hơn ở khối chính phủ, bộ ban ngành và nhóm doanh nghiệp tư nhân khi kinh tế dần hồi phục và gia tăng đầu tư công về chuyển đổi số ở khối Chính phủ.
Tập đoàn Công nghệ CMC cũng ghi nhận mức tăng trưởng doanh thu 62% so với cùng kỳ cho năm tài chính 2022. Doanh nghiệp này được hưởng lợi phần lớn từ các thị trường châu Á khi các doanh nghiệp tại đó đang đẩy mạnh tiến độ chuyển đổi số vốn được cho là bị tụt hậu so với các đối thủ trên thế giới trong thời kỳ đại dịch.
Theo dự báo của Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) khối kinh doanh quốc tế sẽ là trọng tâm trong chiến lược tăng trưởng của Tập đoàn CMC trong năm 2023.
Bên cạnh thị trường chính là Hàn Quốc, việc công ty mở rộng quy mô tại thị trường Nhật cùng với xu hướng các doanh nghiệp tại quốc gia này bắt đầu tăng tốc đầu tư chuyển đổi số hậu đại dịch sẽ mang đến triển vọng tích cực trong năm 2023.
Trong năm nay, VDSC ước tính lợi nhuận trước thuế khối kinh doanh quốc tế có thể tăng trưởng 42% so với cùng kỳ. Trong khi đó, khối giải pháp công nghệ được dự báo còn nhiều dư địa tăng trưởng với định hướng tăng doanh thu liên quan tới chuyển đổi số.
Tập đoàn Hóa chất Đức Giang cũng là cái tên được cho sẽ hưởng lợi lớn từ làn sóng đầu tư vào công nghiệp bán dẫn. Đây đang là nhà sản xuất photpho vàng (P4) – nguyên liệu chính cho sản xuất vi mạch điện tử và chất bán dẫn lớn nhất cả nước.
Chứng khoán VNDirect trong báo cáo mới đây đã dự phóng lợi nhuận ròng của Tập đoàn sẽ tăng 2% trong quý 3/2023 và tiếp tục tăng hơn 4% trong quý 4 so với quý liền trước nhờ sự đóng góp từ việc mua lại Công ty cổ phần Phốt pho 6 và đẩy mạnh bán mặt hàng Axit photphoric (85% H3PO4) trong bối cảnh nhu cầu cao hơn từ thị trường Ấn Độ và Mỹ.
Được biết, Hóa chất Đức Giang dự kiến hoàn thành việc sửa chữa nhà máy Phốt pho 6, đồng thời xây dựng nhà máy Na2SiF6 (5 tỷ đồng) và dây chuyền NPK tại Đắk Nông.
“Dự báo giá phốt pho trong nửa cuối năm nay sẽ duy trì ở mức 4.000 – 4.300 USD/tấn và sẽ tăng lên mức 4.600 - 5.000 USD/tấn trong năm 2024. Kéo theo đó, lợi nhuận ròng của Hoá chất Đức Giang có thể đạt 4.000 tỷ đồng trong năm 2024, tăng 20% so với mức ước tính của năm nay”, theo VNDirect.
Còn các chuyên gia của Chứng khoán Vietcap lại cho rằng, Hóa chất Đức Giang dự kiến sẽ đưa nhà máy photpho vàng mới vào hoạt động vào quý 4/2023, nhà máy sẽ mở rộng công suất thêm 16% để đáp ứng với lượng đơn đặt hàng tăng mạnh vượt công suất hiện tại.
Vietcap dự báo lợi nhuận sau thuế sau lợi ích cổ đông thiểu số của Hóa chất Đức Giang có thể đạt 950 tỷ đồng trong quý 3/2023; 1.100 tỷ đồng trong quý 4/2023 và trung bình hàng quý đạt 1.300 tỷ đồng trong năm 2024. Công ty chứng khoán này dự báo giá bán trung bình năm 2024 sẽ thấp hơn 25% nhưng được bù đắp một phần nhờ sản lượng bán cao hơn 19% và tiết kiệm thêm khoảng 800 tỷ đồng chi phí quặng apatit.