Các nhà đầu tư Trung Quốc và Singapore đang tiến hành thủ tục nhằm thâu tóm tám dự án điện gió, điện mặt trời đặt tại khu vực miền núi Hướng Hóa và Gio Linh.
Trên cơ sở đề xuất của các doanh nghiệp từ cuối năm 2023, hiện các cơ quan chức năng của tỉnh Quảng Trị đang đề nghị các bộ, ngành có liên quan trong đó có Bộ Công an và Bộ Quốc phòng cho ý kiến về đề nghị mua phần vốn của nhà đầu tư nước ngoài đối với 8 dự án điện.
Mới nhất là diễn biến xoay quanh đề xuất mua cổ phần dự án điện gió Amaccao Quảng Trị 1 của hai doanh nghiệp đến từ Hồng Kông (Trung Quốc).
Cụ thể, Công ty CP Điện gió Khe Sanh đề xuất UBND tỉnh việc chuyển nhượng cổ phần cho một công ty thành lập ở Việt Nam có nhà đầu tư nước ngoài sở hữu trên 50%.
Tổ chức nước ngoài quan tâm nhận chuyển nhượng gồm hai công ty là CNNC Overseas Internatinonal Investment Limited trụ sở tại Wanchai, HongKong và Công ty TNHH Công trình đối ngoại Zhongyuan Trung Quốc đặt tại Bắc Kinh.
Amaccao Quảng Trị 1 có tổng mức đầu tư khoảng 2.180 tỷ đồng, trong đó hơn 1.400 tỷ đồng là tiền vay từ BIDV, đã kịp công nhận vận hành thương mại toàn phần từ trước 1/11/2021.
Qua thẩm định, Cục An ninh kinh tế (Bộ Công an) cho biết đến nay không có căn cứ đánh giá năng lực, tính pháp lý liên quan nhà đầu tư nước ngoài và hồ sơ dự án do thiếu nhiều tài liệu theo quy định như: Tài liệu về tư cách pháp lý của nhà đầu tư, văn bản đăng ký góp vốn, mua cổ phần vốn góp, bản sao chứng thực xác nhận chuyển tiền mua lại phần vốn góp của nhà đầu tư mua lại vốn góp.
Đáng chú ý, Bộ Công an cho biết quá trình thực hiện dự án còn tồn tại một số vấn đề. Điển hình như chủ đầu tư chậm thực hiện cam kết về chi trả bồi thường cải tạo môi trường, chống sạt lở, quá trình vận hành thương mại ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp của người dân (đơn cử như chưa đảm bảo yêu cầu kỹ thuật dẫn đến sạt lở đất đá trôi lấp ruộng lúa).
Đồng thời, công ty cũng còn nợ thuế gần 3 tỷ đồng, trong khi hồ sơ chuyển nhượng dự án chưa có tài liệu làm rõ nghĩa vụ hoàn nợ thuế tại dự án.
Do không có đủ tài liệu, thông tin, cơ sở để thẩm định, Cục An ninh kinh tế đề nghị Sở Kế hoạch và đầu tư Quảng Trị thận trọng xem xét đánh giá, đầy đủ và đúng quy định khi tiếp nhận các hồ sơ xin cấp phép của nhà đầu tư nước ngoài.
Cùng dòng chảy xin chuyển nhượng là hai dự án điện mặt trời Gio Thành 1,2 tại huyện Gio Linh đang trong tầm ngắm của Công ty Shinfox Energy Co.Ltd đến từ Đài Loan (Trung Quốc) và Công ty Camellia Energy Pte.Ltd đến từ Singapore.
Hai dự án này đều đã vận hành thương mại từ tháng 12/2020. Các nhà đầu tư ngoại, đề xuất góp 245 tỷ đồng, tương đương 70% tổng vốn điều lệ của Công ty CP SECO và Công ty CP Năng lượng Gio Thành. Hai pháp nhân này đứng tên chủ đầu tư dự án điện mặt trời Gio Thành 1,2, với vốn điều lệ 350 tỷ đồng mỗi công ty và đều do ông Vũ Quang Bảo làm chủ tịch hội đồng quản trị.
Đề xuất này đang được Sở Kế hoạch và đầu tư Quảng Trị kiến nghị UBND tỉnh xin ý kiến Bộ Quốc phòng.
Cụ thể, Công ty Sembcorp Solar Vietnam đề xuất góp 1.269 tỷ đồng, tương đương 100% vốn điều lệ Công ty TNHH Năng lượng Gelex Quảng Trị, chủ sở hữu ba dự án điện gió Gelex 1, 2, 3 đặt tại xã biên giới Hướng Linh, huyện Hướng Hóa.
Đồng thời, Sembcorp Solar Vietnam cũng đề nghị mua đứt toàn bộ vốn điều lệ Công ty TNHH Điện gió Hướng Phùng khoảng 710 tỷ đồng, chủ đầu tư hai dự án điện gió Hướng Phùng 2 và 3.
Được biết, hiện đã có ý kiến thẩm định từ Bộ Công an liên quan tới đề xuất góp vốn, mua cổ phần của Sembcorp đối với các dự án nêu trên.
Theo đó, Cục An ninh Kinh tế xác định, các dự án điện gió trên bờ không thuộc ngành nghề kinh doanh có điều kiện và hạn chế tiếp cận thị trường đối với nhà đầu tư nước ngoài. Các ngành nghề hạn chế tiếp cận đối với nhà đầu tư nước ngoài trong lĩnh vực điện năng lượng tái tạo gồm thủy điện, điện gió ngoài khơi và năng lượng hạt nhân.
Đồng thời, hiện Bộ Công an chưa có thông tin liên quan an ninh đối với các doanh nghiệp và cá nhân đại diện theo pháp luật của các doanh nghiệp tham gia mua bán, chuyển nhượng cổ phần, phần vốn góp tại dự án điện gió Gelex và điện gió Hướng Phùng ở huyện Hướng Hóa.
Đông Hưng