Hải Phòng: Khánh thành giai đoạn 2 Nhà máy sản xuất thiết bị điện của Sanhua Việt Nam

Đến nay, TP. Hải Phòng đã thu hút được hơn 100 dự án đầu tư từ Trung Quốc với tổng số vốn đạt 12 tỷ USD, chiếm 40% trên 40 tỷ USD tổng số vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) trên địa bàn Thành phố.

Mới đây, tại KCN An Dương, huyện An Dương, TP. Hải Phòng, Tập đoàn Sanhua Holdings đã tổ chức Lễ kỷ niệm 40 năm thành lập Tập đoàn và khánh thành giai đoạn 2 Nhà máy của Công ty TNHH Sanhua Việt Nam. 

Hải Phòng
Lễ khánh thành giai đoạn 2 Nhà máy của Công ty TNHH Sanhua Việt Nam. (Ảnh: BQL Khu kinh tế TP. Hải Phòng)

Dự án của Công ty TNHH Sanhua Việt Nam tại KCN An Dương, Hải Phòng được triển khai từ tháng 8/2018. Giai đoạn 1, Công ty đầu tư hơn 50 triệu USD, xây dựng nhà xưởng trên diện tích đất 7000 m2 sản xuất van chặn, van lập phương, van điều hướng 4 cửa, van cầu.

Công ty TNHH Sanhua Việt Nam đạt doanh thu bình quân hàng năm hơn 31 triệu USD, đóng góp cho ngân sách thành phố, góp phần vào việc dịch chuyển cơ cấu kinh tế, tạo việc làm và thu nhập gần 1000 lao động, bảo đảm an sinh xã hội.

Sau khi đi vào vận hành và sản xuất hiệu quả, năm 2023 Công ty tiếp tục đầu tư hơn 60 triệu USD xây dựng nhà xưởng giai đoạn 2 trên diện tích hơn 13,1 ha, mở rộng sản xuất, nâng quy mô, tăng thêm dây chuyền sản xuất van giãn nở điện tử, bộ đựng khí, bộ phân tách, van điều hướng 4 cửa, cuộn dây…, hoàn thành xây dựng và đưa vào vận hành dự án trước tiến độ đã đăng ký, đồng thời góp phần nâng cao tính cạnh tranh của chuỗi cung ứng Sanhua.

"Với sự hỗ trợ của chính quyền và các ban ngành TP Hải Phòng, chúng tôi đã tăng cường đầu tư, mở rộng sản xuất, nâng cao sản lượng và trở thành mắt xích quan trọng của Tập đoàn Sanhua trên toàn cầu", Lãnh đạo Công ty TNHH Sanhua Việt Nam cho biết.

Phát biểu tại buổi lễ, ông Lê Trung Kiên, Trưởng Ban Quản lý Khu kinh tế Hải Phòng cho biết, luỹ kế đến nay, TP Hải Phòng có hơn 100 dự án đầu tư từ Trung Quốc với tổng số vốn đạt 12 tỷ USD, chiếm 40% trên 40 tỷ USD tổng số vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) trên địa bàn thành phố. Các doanh nghiệp Trung Quốc, trong đó, có các tập đoàn lớn như Flat, Tongwei, TP Link, Sanhua, Autel... hàng năm xuất khẩu 5,34 tỷ USD, sử dụng 58.000 lao động, góp phần vào phát triển kinh tế xã hội của TP. Hải Phòng.

Hải Phòng 2
Ông Lê Trung Kiên, Trưởng Ban Quản lý Khu kinh tế Hải Phòng phát biểu tại buổi lễ. (Ảnh: BQL Khu kinh tế TP. Hải Phòng)

Ông Lê Trung Kiên cho biết, Hải Phòng có nhiều tiềm năng, lợi thế nổi bật trong thu hút các doanh nghiệp FDI; trong đó có các doanh nghiệp đến từ Trung Quốc như hạ tầng cảng biển, đường cao tốc, đường sắt, sân bay được đầu tư đồng bộ hiện đại tạo ra sự kết nối và hội nhập quốc tế cao. Hải Phòng đang rất nỗ lực đầu tư hoàn thiện hệ thống hạ tầng cảng biển, đường cao tốc, đường sắt, sân bay; hệ thống giao thông kết nối trực tiếp đến Trung Quốc thông qua tuyến đường bộ cao tốc Móng Cái – Hải Phòng và tuyến đường sắt Côn Minh – Lào Cai – Hải Phòng, mang lại những thuận lợi tối đa về logistics cho các nhà đầu tư Trung Quốc

Cùng với đó, thành phố luôn chú trọng đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao và đề ra các chính sách hỗ trợ các trường đại học kết nối với doanh nghiệp, phê duyệt các đề án hỗ trợ đào tạo lao động, đảm bảo nguồn lao động chất lượng cao cho các nhà đầu tư.

Trong năm 2025, Hải Phòng sẽ phát triển một khu kinh tế mới phía Nam Thành phố với định hướng là khu kinh tế, xanh, sinh thái, bám sát xu hướng quốc tế về ESG (Môi trường - Xã hội - Quản trị) với các chính sách ưu đãi đặc thù; trong đó có khu thương mại tự do để tạo môi trường đầu tư và các cơ chế ưu đãi vượt trội để đón các nhà đầu tư nước ngoài, đặc biệt là các nhà đầu tư Trung Quốc.