Đầu tư tỷ USD, sân bay Long Thành dự kiến hòa vốn sau 1-2 năm hoạt động

ACV dự tính nếu không có biến động bất thường, sân bay Long Thành có thể hòa vốn và có lợi nhuận ngay trong 1-2 năm sau hoạt động.

Cảng hàng không quốc tế Long Thành do Tổng công ty cảng hàng không Việt Nam (ACV) làm chủ tư, dự án có tổng mức đầu tư khoảng 336.630 tỷ đồng (tương đương 16 tỷ USD).

Trong đó, giai đoạn một của dự án có tổng mức đầu tư 114.450 tỷ đồng (tương đương 5 tỷ USD) đã được khởi công xây dựng đầu năm 2021. Giai đoạn một sẽ có một đường cất hạ cánh và một nhà ga hành khách cùng các hạng mục phụ trợ đồng bộ với công suất 25 triệu hành khách/năm, 1,2 triệu tấn hàng hóa/năm, dự kiến đưa vào khai thác năm 2026.

Mục tiêu xây dựng sân bay Long Thành nhằm đưa nơi này trở thành trung tâm trung chuyển hàng không quốc tế, thay thế sân bay Tân Sơn Nhất nằm trong nội đô TP.HCM và đang quá tải. Tuy nhiên đây là chuyện tương lai khi sân bay Long Thành hoàn thành xây dựng ba giai đoạn và đạt công suất 100 triệu hành khách/năm, 5 triệu tấn hàng hoá/năm.

Còn trước mắt, cùng với việc xây dựng sân bay Long Thành, ACV cũng đang là chủ đầu tư dự án Nhà ga T3 của Tân Sơn Nhất và dự kiến đưa vào khai thác từ tháng 4/2025, với công suất 20 triệu khách nội địa/năm.

Điều này có nghĩa vào năm 2026, sân bay Long Thành và Tân Sơn Nhất sẽ hoạt động song song với nhau. Vậy làm thế nào để hai sân bay lớn nhất cả nước cùng hoạt động, mang lại hiệu quả mà không xung đột lợi ích với nhau là điều được nhà đầu tư và giới chuyên gia hàng không quan tâm.

Tại đại hội cổ đông thường niên năm 2024, ông Vũ Thế Phiệt, Tổng giám đốc Tổng công ty cảng hàng không Việt Nam đã tiết lộ về kế hoạch khai thác sân bay Long Thành và Tân Sơn Nhất.

Theo đó, để hai sân bay hoạt động song song, mạng lại hiệu quả và không xung đột lợi ích, ACV dự kiến Tân Sơn Nhất sẽ khai thác 90% lượng khách nội địa và 10% khách quốc tế, ngược lại Long Thành sẽ khai thác 90% khác quốc tế và 10% khách nội địa.

ACV dự tính nếu không có biến động bất thường, sân bay Long Thành có thể hòa vốn và có lợi nhuận ngay trong 1-2 năm sau hoạt động. Bởi vì năm 2024, Tân Sơn Nhất dự kiến đón 16-17 triệu khách quốc tế, nếu chuyển 90% khách quốc tế về Long Thành thì dự kiến năm 2026 sân bay này sẽ đón khoảng 15 - 16 triệu, ngoài ra còn có khách nội địa. Theo ông Phiệt, xu hướng khách quốc tế đến Việt Nam đang dần hồi phục.

ACV dự kiến chia cổ tức bằng cổ phiếu nhằm giữ lại tiền để đầu tư các dự án, hiện đang báo cáo các cấp chính quyền để sửa các nghị định liên quan, tháng 6 hoặc 7 sẽ có quyết định.

Do trên báo cáo tài chính vẫn còn ý kiến kiểm toán quyết toán cổ phần hóa và tài sản khu bay, đang chờ ý kiến các cơ quan có thẩm quyền nên ACV chưa thể niêm yết cổ phiếu.

Tổng công ty đang hoàn tất hồ sơ quyết toán cổ phần để các cơ quan có thẩm quyền xem xét, sẽ thực hiện thủ tục và niêm yết khi đủ điều kiện. Còn kế hoạch thoái vốn nhà nước nếu có sẽ thông báo sau năm 2025.

Năm 2024, ACV dự kiến khai thác 103 triệu hành khách (trong đó có 30,7 triệu khách quốc tế, 70,3 triệu khách nội địa. Mục tiêu công ty mẹ đạt 20.325 tỷ đồng doanh thu (tăng trưởng 2%), lợi nhuận trước thuế 9.378 tỷ đồng (tăng 6% so với mức kỷ lục năm 2023).

Tổng công ty cảng hàng không Việt Nam hiện nay đang vận hành, khai thác 21 sân bay trên cả nước. Trong đó có những cảng hàng không quốc tế sầm uất như Tân Sơn Nhất, Nội Bài và Đà Nẵng.

ACV có thể dùng hết tiền tích lũy cho dự án sân bay Long Thành