Đường sắt tốc độ cao bắc - nam mở ra không gian phát triển mới

Tại Hội nghị lần thứ 10 (khóa XIII), Ban Chấp hành Trung ương thống nhất chủ trương đầu tư toàn tuyến Dự án đường sắt tốc độ cao trên trục bắc-nam, xác định đây là nhiệm vụ chính trị và ưu tiên nguồn lực đầu tư thực hiện sớm.

Ban Chấp hành Trung ương nhấn mạnh, sự cần thiết của việc sớm đầu tư Dự án để hiện thực hóa các chủ trương, định hướng của Đảng, Nghị quyết, Kết luận của Bộ Chính trị và triển khai các quy hoạch; tăng cường kết nối vùng, miền, các cực tăng trưởng, tạo động lực lan tỏa, mở ra không gian phát triển kinh tế mới; bảo đảm nhu cầu vận tải trên hành lang bắc-nam, là hành lang vận tải lớn nhất cả nước, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội gắn với quốc phòng, an ninh.

Thống nhất chủ trương đầu tư

Ban Chấp hành Trung ương đã thống nhất chủ trương đầu tư toàn tuyến Dự án đường sắt tốc độ cao (350 km/giờ) trên trục bắc-nam. Giao Ban cán sự đảng Chính phủ và Đảng đoàn Quốc hội chỉ đạo các cơ quan liên quan khẩn trương hoàn thiện hồ sơ để trình Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV xem xét, quyết định thông qua chủ trương, một số cơ chế, chính sách đặc thù để huy động nguồn lực, thủ tục đầu tư Dự án.

Trước đó, Bộ Chính trị đã có Kết luận số 49-KL/TW ngày 28/2/2023 về định hướng phát triển giao thông vận tải đường sắt Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 103/2023/QH15 ngày 9/11/2023 về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024, trong đó yêu cầu nghiên cứu, triển khai hiệu quả Kết luận số 49 của Bộ Chính trị, đẩy nhanh tiến độ xây dựng một số tuyến đường sắt quan trọng quốc gia, tuyến đường sắt trục đông-tây; nghiên cứu hoàn thiện Đề án về Dự án đường sắt tốc độ cao trên trục bắc-nam, phấn đấu phê duyệt chủ trương đầu tư dự án sớm nhất có thể trong năm 2024.

Tại cuộc họp của Thường trực Chính phủ về Đề án chủ trương đầu tư đường sắt tốc độ cao trên trục bắc-nam hồi tháng 7/2024, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã nhấn mạnh quan điểm, nguyên tắc, phương pháp luận là phải đột phá, đổi mới với tầm nhìn chiến lược, hiện đại, hiệu quả theo đúng tinh thần Kết luận 49. Mục tiêu, yêu cầu là hoàn thành khoảng 1.541 km đường sắt tốc độ cao trục bắc-nam qua 20 tỉnh, thành phố; thời gian thực hiện trong khoảng 10 năm, phấn đấu hoàn thành vào năm 2035.

Về giải pháp để đạt được mục tiêu trên, Thủ tướng yêu cầu nghiên cứu hướng tuyến thuận lợi nhất, ngắn nhất có thể, hiệu quả nhất; nghiên cứu lựa chọn tốc độ thiết kế khoảng 350 km/giờ để trình cấp có thẩm quyền phê duyệt.

Về công năng vận tải, hiện trên trục giao thông bắc-nam đã có 3 tuyến đường bộ (gồm quốc lộ 1, đường Hồ Chí Minh, đường bộ cao tốc đang được xây dựng), cùng các tuyến đường biển, hàng không, đường sắt, do đó, phải nghiên cứu xây dựng đường sắt tốc độ cao với công năng phù hợp để phát huy thế mạnh bổ sung của các loại hình vận tải, nghiên cứu theo hướng vận tải hành khách là chủ yếu, kết hợp vận tải hàng hóa nhanh và phục vụ quốc phòng - an ninh khi có nhu cầu, đồng thời tiếp tục cải tạo, nâng cấp đường sắt hiện hữu để vận chuyển hàng hóa.

Tại Phiên họp thứ 37 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, chiều 12/9/2024 vừa qua, theo báo cáo về việc chuẩn bị Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV, một số nội dung được Chính phủ và các cơ quan đề nghị bổ sung vào chương trình kỳ họp, trong số đó, Chính phủ đề nghị Quốc hội xem xét, quyết định chủ trương đầu tư đường sắt tốc độ cao trên trục bắc-nam (để thực hiện quy định tại khoản 3.3, điều 3 của Nghị quyết số 103/2023/QH15 về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024).

Phấn đấu 2035 hoàn thành

Tại Phiên họp Chính phủ chuyên đề xây dựng pháp luật tháng 7/2024, thực hiện các nghị quyết của Trung ương, Kết luận 49 của Bộ Chính trị, Nghị quyết 103 của Quốc hội, Chính phủ đã thảo luận Đề án chủ trương đầu tư đường sắt tốc độ cao trên trục bắc-nam. Các thành viên Chính phủ cơ bản thống nhất về chủ trương để trình cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định theo hướng xây dựng tuyến đường sắt tốc độ cao hiện đại, đồng bộ, phù hợp xu thế phát triển của thế giới, dài 1.541 km, kế hoạch hoàn thành vào năm 2035, kết hợp kinh tế với an ninh - quốc phòng, kết hợp giữa vận tải hành khách là chủ yếu và vận tải hàng hóa nhẹ khi cần thiết.

Thủ tướng yêu cầu nghiên cứu các cơ chế để chuyển giao công nghệ, xây dựng ngành công nghiệp đường sắt theo tinh thần chỉ đạo của Trung ương, Bộ Chính trị; xây dựng cơ chế, chính sách huy động, đa dạng hóa nguồn lực gồm của Nhà nước (Trung ương, địa phương), vốn vay, vốn phát hành trái phiếu, vốn của doanh nghiệp, vốn từ khai thác hiệu quả tuyến đường sắt…; tăng cường phân cấp, phân quyền, tăng tính tự lực, tự cường, nâng cao năng lực của các cơ quan, đơn vị, địa phương, doanh nghiệp để triển khai các dự án hạ tầng lớn khác.

Thứ trưởng Giao thông vận tải (GTVT) Nguyễn Danh Huy cho biết, trong suốt 18 năm qua, Bộ GTVT đã thực hiện nhiều nghiên cứu liên quan đến đường sắt tốc độ cao với sự hỗ trợ từ các tổ chức và chuyên gia trong và ngoài nước. Thực hiện Kết luận số 49-KL/TW của Bộ Chính trị, Bộ GTVT đã tổng hợp kinh nghiệm từ quốc tế và đánh giá các điều kiện cụ thể tại Việt Nam.

Qua quá trình làm việc với các bộ, ngành liên quan, phân tích chi tiết về khả năng vận tải, tốc độ, tải trọng trục, khả năng nội địa hóa, làm chủ công nghệ, lộ trình đầu tư và huy động nguồn lực, Bộ GTVT đề xuất xây dựng tuyến đường sắt tốc độ cao trên trục bắc-nam có chiều dài khoảng 1.541 km, đường đôi, khổ 1.435 mm, sử dụng điện khí hóa với tốc độ thiết kế 350 km/giờ chủ yếu vận chuyển hành khách nhưng có thể vận chuyển hàng hóa khi cần. Dự kiến tổng mức đầu tư cho dự án dao động từ 65 đến 70 tỷ USD.

“Tôi cho rằng, ở vị thế và tiềm lực của Việt Nam hiện nay, thời điểm đầu tư đường sắt tốc độ cao đã chín muồi. Có đường sắt tốc độ cao là khát khao chính đáng mà bất cứ quốc gia, người dân nào cũng mong muốn để hạ tầng giao thông vượt lên một tầm cao mới; hiện đại, văn minh, đáp ứng nhu cầu của người dân và nền kinh tế”, Thứ trưởng Huy nói.

Về việc cân đối nguồn lực để đầu tư tuyến đường sắt cao tốc, Thứ trưởng GTVT cho rằng: “Nếu thật sự quyết tâm để có một công trình mang tính động lực, chiến lược, tạo ra không gian phát triển mới, khai thác hiệu quả nguồn lực và là tiền đề cho một nước đang phát triển có thu nhập cao. Với tiềm lực và quy mô nền kinh tế chúng ta hiện nay thì nguồn lực không còn là thách thức lớn”.

Bộ GTVT đang phối hợp với các cơ quan chức năng để đánh giá. Kết quả sơ bộ cho thấy chỉ tiêu nợ công nằm trong mức cho phép, một số chỉ tiêu khác không tăng hơn nhiều so với kịch bản không đầu tư dự án.

Song, nếu tính đóng góp của dự án vào tăng trưởng GDP trong thời gian xây dựng (khoảng 0,97 điểm phần trăm/năm - theo tính toán của Bộ Kế hoạch và Đầu tư) và các nguồn thu từ khai thác quỹ đất tại các khu vực TOD (Transit Oriented Development - TOD nghĩa là lấy định hướng phát triển hệ thống giao thông công cộng làm cơ sở quy hoạch phát triển đô thị), khai thác thương mại (dự kiến khoảng 22 tỷ USD) thì các chỉ tiêu này sẽ được cải thiện.