Báo động về thâm hụt tài chính của Mỹ

Trong bối cảnh Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) dự đoán tỷ lệ thâm hụt tài chính của Mỹ có thể lên đến mức kỷ lục 7,1% trong năm tới, Nhật báo Financial Times (FT) của Anh dẫn lời Phó Tổng Giám đốc điều hành IMF Gita Gopinath kêu gọi Mỹ giảm bớt gánh nặng tài chính đang ngày càng gia tăng của nước này.

Nợ tăng cao, FED có thể hoãn giảm lãi suất

Trong báo cáo mới đây, IMF dự đoán tỷ lệ thâm hụt tài chính của Mỹ có thể lên đến mức kỷ lục 7,1% trong năm tới, gấp 3 lần so mức trung bình 2% của những nền kinh tế phát triển khác. Theo IMF, gánh nặng nợ của Chính phủ Mỹ tạo ra nguy cơ ngắn hạn cho quá trình giảm lạm phát cũng như sự ổn định tài chính về dài hạn cho nền kinh tế toàn cầu. Đồng thời, bối cảnh nêu trên khiến Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) có thể phải hoãn cắt giảm lãi suất.

Gánh nặng nợ của Chính phủ Mỹ tăng cao do những khoản chi lớn trong các giai đoạn đầu của đại dịch và do chi phí đi vay tăng cao khi Ngân hàng trung ương tìm cách kiềm chế lạm phát. Điều này có nghĩa tỷ lệ lãi suất của Mỹ sẽ cần duy trì ở mức cao để có thể đưa tỷ lệ lạm phát xuống con số 2% theo mục tiêu của FED. Khoản thanh toán cho lãi suất ròng sẽ lên đến 1.000 tỷ USD sau năm 2026.

Với nợ gia tăng, lạm phát tăng cao tiếp tục củng cố khả năng FED sẽ không cắt giảm lãi suất trước tháng 9 năm nay. Lạm phát tại Mỹ đã gia tăng với chỉ số giá chi tiêu tiêu dùng cá nhân không bao gồm giá lương thực và năng lượng dễ biến động, tăng ở mức 3,7% trong quý I/2024, sau khi tăng 2% trong quý IV/2023. Chi tiêu tiêu dùng vẫn tăng trưởng ổn định ở mức 2,5%, chậm lại so với tốc độ 3,3% được ghi nhận trong quý IV/2023. Với việc lạm phát tăng cao, các nhà hoạch định chính sách của FED có thể phải đối mặt áp lực mới trong việc tiếp tục trì hoãn cắt giảm lãi suất trong thời gian tới.

Trả lời phỏng vấn FT về nền kinh tế “đầu tàu” thế giới mới đây, bà Gopinath nhận định có nhiều cơ sở để giới chức Mỹ giảm quy mô thâm hụt tài chính, căn cứ vào thực lực của nền kinh tế quốc gia. Tuy nhiên, các số liệu thống kê đang thể hiện sự mất đà đáng chú ý vào đầu năm 2024 của nền kinh tế lớn nhất thế giới, sau khi kết thúc một năm 2023 tăng trưởng mạnh mẽ. GDP của Mỹ đã tăng trưởng 1,6% trong quý I/2024, thấp hơn nhiều mức trung bình được các nhà kinh tế dự báo trước đó là 2,4%, trong khi tốc độ tăng trưởng của quý IV/2023 là 3,4%.

Cải thiện tính thanh khoản của thị trường

Trước đó, trong bài phát biểu tại Diễn đàn Thị trường tài chính ở New York, ông Joshua Frost - Trợ lý Bộ trưởng Tài chính Mỹ về Thị trường Tài chính cho biết, Bộ Tài chính Mỹ đã đạt được nhiều tiến bộ quan trọng hướng tới mục tiêu thúc đẩy một thị trường tài chính an toàn, minh bạch và có tính thanh khoản cao.

Theo hãng tin Bloomberg, trong bối cảnh một số sự cố về thanh khoản trên thị trường tài chính trong thập kỷ qua, các cơ quan quản lý Mỹ đang nỗ lực giải quyết vấn đề này. Nhóm công tác liên cơ quan về Giám sát Thị trường tài chính (IAWG) đã triển khai các biện pháp nhằm nâng cao năng lực trung gian cũng như chất lượng của dữ liệu giao dịch.

Đáng chú ý, trong tháng 6 này - lần đầu kể từ những năm 2000 - Bộ Tài chính Mỹ đã bắt đầu mua lại một số chứng khoán nhằm tăng cường tính thanh khoản của thị trường, tập trung vào các chứng khoán ít được giao dịch. Bên cạnh đó, Ủy ban Giao dịch chứng khoán (SEC) vào tháng 12/2023 cũng đã hoàn thiện các quy tắc sẽ được áp dụng từng giai đoạn trong thời gian tới, yêu cầu thanh toán bù trừ trung tâm đối với một lượng lớn giao dịch tài chính và các thỏa thuận mua lại liên quan khoản nợ.

Các quy tắc mới cũng sẽ buộc nhiều công ty giao dịch tần suất cao và quỹ phòng hộ hoạt động tại Bộ Tài chính phải đăng ký làm đại lý, yêu cầu nắm giữ nhiều vốn hơn và chịu sự giám sát chặt chẽ hơn của cơ quan quản lý. Nhìn chung, các biện pháp của SEC và IAWG nhằm tối thiểu hóa rủi ro trên toàn hệ thống tài chính, đồng thời hướng tới xây dựng một thị trường an toàn và thanh khoản hơn.

Tin liên quan