Mỹ mạnh tay xử lý buôn bán hàng giả

Giới chức thành phố New York (Mỹ) vừa bắt giữ hai người bị cáo buộc buôn lậu hàng nghìn món hàng hiệu giả với giá trị bán lẻ trên thị trường ước tính vào khoảng hơn 1 tỷ USD, được xem là vụ buôn bán hàng giả lớn nhất từ trước tới nay ở nước này.

Mỹ mạnh tay xử lý buôn bán hàng giả

Theo CNN, cảnh sát New York đã bắt giữ hai người là Adama Sow (38 tuổi) và Abdulai Jalloh, hay còn gọi là “Troy Banks” (48 tuổi), với tội danh buôn bán hàng giả. Hồ sơ của lực lượng an ninh cũng cho thấy, Sow và Jalloh bị cáo buộc điều hành các hoạt động buôn bán hàng giả quy mô lớn từ một kho hàng ở Manhattan, New York trong giai đoạn từ tháng 1 đến tháng 10/2023. Cảnh sát địa phương đã tìm thấy số lượng lớn hàng hiệu nhái, bao gồm túi xách, quần áo, giày dép và các sản phẩm xa xỉ khác trong quá trình khám xét tại cơ sở này.

Ngoài ra, một số địa điểm riêng biệt và các kênh phân phối do Sow và Jalloh quản lý và lưu trữ cũng bị lục soát kiểm kê. Khoảng 219.000 mặt hàng hiệu nhái, giả các thương hiệu lớn với giá trị bán lẻ ước tính 1,03 tỷ USD đã được thu giữ. Thông cáo báo chí của lực lượng an ninh thành phố New York cho biết: “Các bị cáo đã sử dụng một kho lưu trữ ở Manhattan làm trung tâm phân phối cho một lượng lớn hàng hóa nhái các hãng thiết kế. Vụ bắt giữ là minh chứng cho cam kết của cơ quan cảnh sát và các đối tác thực thi pháp luật trong việc chống buôn bán hàng giả ở thành phố New York”.

Với giá trị lên tới hơn 1 tỷ USD, đây được xác định là vụ thu giữ hàng giả lớn nhất từ trước đến nay trong lịch sử Mỹ. Hình ảnh của cơ quan điều tra công bố cho thấy túi xách và giày dép “hàng hiệu” nhái theo những thương hiệu lớn chất đống trong một kho lưu trữ. Các nhà chức trách cũng tuyên bố quyết tâm ngăn chặn nạn buôn lậu hàng hiệu giả: “Buôn bán hàng giả là một hoạt động tội phạm gây thiệt hại cho rất nhiều nạn nhân, không những gây hại cho các doanh nghiệp hợp pháp và chính phủ mà cả tổn thất cho những người tiêu dùng”.

Người tiêu dùng thường nghĩ rằng những mặt hàng giả các thương hiệu lớn sẽ bị kiểm soát và chỉ bán chui hoặc bán ngoài vỉa hè, chợ đêm... Thế nhưng, vụ việc đã cho thấy lỗ hổng lớn trong kiểm soát đường dây tiêu thụ loại hàng giả này, vì ngay cả các cửa hàng có giấy phép kinh doanh hay các nền tảng thương mại điện tử, cũng đang “tiếp tay” cho hàng giả, hàng nhái thương hiệu. Cảnh sát cảnh báo, hầu hết các thương hiệu hạng sang đều bị làm giả như túi xách Gucci, Hermes, Channel hay giày dép Tory Burch… Trong đó, túi xách và ví da bị làm giả nhiều nhất, tiếp đến là đồng hồ và đồ trang sức.

Tờ New York Times từng đăng loạt bài điều tra về đường dây phân phối hàng hiệu giả thông qua công ty xuất nhập khẩu “bình phong” để chuyển về các kho lưu trữ, như trong trường hợp của hai bị cáo Sow và Jalloh vừa bị bắt giữ ở New York. Sau đó các nhà bán buôn sẽ phân phối tới các cửa hàng bán lẻ khác. Không chỉ xuất hiện ở những cửa hàng bán lẻ, hàng giả tại Mỹ cũng đang xuất hiện “tràn lan” trên các trang bán hàng trực tuyến lớn của nước này như eBay, Amazon…

“Vụ bắt giữ và thu giữ hàng giả vừa qua cho thấy cảnh sát New York và các cơ quan an ninh liên bang đánh giá mức độ nghiêm trọng của hành vi phạm tội này như thế nào. Chúng tôi sẽ tiếp tục làm việc để đưa ra ánh sáng những ai hưởng lợi bằng cách bán các mặt hàng như vậy trên thị trường chợ đen”, đại diện cơ quan cảnh sát New York cho biết thêm. Hai bị cáo trong vụ việc bị buộc tội buôn lậu hàng giả, có thể nhận mức án tối đa là 10 năm tù.

Thành phố New York vốn được xem là trung tâm mua sắm của thế giới, nên giới chức tại đây cũng đang mạnh tay hơn nhằm ngăn chặn ngành công nghiệp hàng giả, ngày càng hoành hành tại đây.

Tin liên quan