Cơ quan Hàng không và Vũ trụ Mỹ (NASA) đang tìm cách thức và tính toán thời điểm đưa 2 phi hành gia trở về từ Trạm vũ trụ quốc tế (ISS), sau nhiều lần trì hoãn do tàu vũ trụ của Boeing đã gặp sự cố trước đó. Nhiệm vụ đưa 2 nhà du hành “mắc kẹt” về lại Trái đất một cách an toàn, trở thành một trong những dấu ấn hàng không vũ trụ của Mỹ trong năm nay.
Sự cố của tàu Starliner
Theo AP, hai nhà du hành vũ trụ người Mỹ Butch Wilmore và Suni Williams đã lên tàu vũ trụ của hãng Boeing và bay tới trạm ISS từ đầu tháng 6, song phải neo lại đây vì phát hiện sự cố trên tàu Starliner. Ngày 5/6, tàu Starliner rời bệ phóng trên một tên lửa đẩy tại Mũi Canaveral, bang Florida (Mỹ) đưa 2 phi hành gia lên ISS thực hiện nhiệm vụ thử nghiệm độ rủi ro cao cần thiết trước khi NASA có thể chứng nhận con tàu này bảo đảm an toàn để thực hiện các chuyến bay thường lệ của các phi hành gia. Nhiệm vụ này ban đầu dự kiến được thực hiện trong khoảng 8 ngày, song thực tế đã kéo dài tới hơn 2 tháng qua. Đến nay, do lo ngại rủi ro, NASA phải cân nhắc giữa việc mạo hiểm sớm đưa 2 nhà du hành về trên tàu Starliner của Boeing, hay đợi và đưa họ trở về sau bằng tàu SpaceX.
Tàu Starliner đã được “neo đậu” tại ISS trong 2 tháng qua do phát hiện ra trục trặc của động cơ đẩy và rò rỉ khí heli trong hành trình bay. Dù chưa rõ thời điểm con tàu này có thể trở về Trái đất, song NASA cho biết, Starliner chỉ có thể ở lại trên ISS trong tối đa 90 ngày. Các kỹ sư Boeing đang tìm hiểu nguyên nhân và đề xuất với NASA những biện pháp khắc phục sự cố. Tuy nhiên theo một số chuyên gia, các kết quả đánh giá mới nhất đặt ra nhiều quan ngại hơn về khả năng Starliner có thể trở về an toàn.
Đây là lần đầu Boeing phóng tàu vũ trụ chở theo phi hành gia, sau cuộc thử nghiệm hai tàu Starliner không chở người, từng gặp sự cố về phần mềm và các vấn đề khác trước đây. Ngay cả trước khi hai nhà du hành Butch Wilmore và Suni Williams khởi hành vào ngày 5/6, Boeing đã có báo cáo rò rỉ ở hệ thống ống nước liên quan động cơ đẩy của tàu Starliner. Boeing và NASA đã đánh giá rò rỉ là ổn định và được cô lập, nên đồng ý tiến hành chuyến bay thử nghiệm. Nhưng khi Starliner tiếp cận trạm vũ trụ vào ngày hôm sau, các nhà du hành phát hiện 4 vết rò rỉ khác và một vài chi tiết trong động cơ đẩy cũng bị hỏng.
Mặc dù khoang chứa đã cập bến an toàn và các động cơ đẩy còn lại vẫn hoạt động, nhưng các kỹ sư trên trạm ISS đã phải vật lộn, tiến hành thêm hàng chục thử nghiệm động cơ đẩy của Starliner trong không gian. Sau hơn 2 tháng, họ vẫn chưa tìm ra nguyên nhân gốc rễ nào gây ra sự cố động cơ đẩy. Do đó, dù Boeing bày tỏ sự tin tưởng vào tàu vũ trụ của mình nhưng các chuyên gia NASA đang có những ý kiến trái chiều và tiếp tục thảo luận kế hoạch xử lý. Họ cho rằng, dù đã rà soát những động cơ đẩy còn lại, nhưng nếu lặp lại tình trạng như chuyến bay đầu khi quá nhiều trục trặc, điều này sẽ đe dọa sự an toàn của phi hành đoàn.
|
Tàu vũ trụ Starliner của Boeing nhìn từ ISS. Ảnh: NASA
|
Kế hoạch trở về
Do sự cố của Starliner với 2 phi hành gia “mắc kẹt”, NASA đã phải đưa ra một số kế hoạch dự phòng khác để thay thế. Space News đưa tin, trong trường hợp Starliner được đánh giá không đủ an toàn cho hành trình trở về Trái đất, các quan chức NASA đã dự kiến 2 phi hành gia có thể trở về trên tàu vũ trụ Crew Dragon của tập đoàn SpaceX vào tháng 2/2025. NASA đang thảo luận các kế hoạch tiềm năng với SpaceX để lại 2 ghế trống trên chuyến phóng tàu vũ trụ Crew Dragon sắp tới dành cho 2 phi hành gia.
Vừa qua, cơ quan này cũng đã thông báo hoãn chuyến bay của hãng SpaceX đưa nhóm 4 thành viên phi hành đoàn tiếp theo lên ISS, còn gọi là Crew-9, dự kiến vào giữa tháng 8, để thay thế nhóm 4 người hiện tại (Crew-8) đang ở trên trạm vũ trụ. Theo NASA, chuyến bay Crew-9 dự kiến được lên lịch cất cánh sớm nhất vào ngày 24/9 tới, có thể đưa 2 phi hành gia Butch Wilmore và Suni Williams, cùng 2 thành viên Crew-8 trở về, giúp Boeing có thêm thời gian để khắc phục các sự cố của Starliner. Một người phát ngôn của Boeing nhấn mạnh, nếu NASA quyết định thay đổi nhiệm vụ của tàu Starliner, hãng chế tạo máy bay lớn nhất thế giới sẽ thực hiện các bước cần thiết để điều chỉnh cấu hình của con tàu này phù hợp với chuyến bay không người lái trở về Trái đất.
NASA cũng đã phóng tàu chở hàng tiếp tế vật tư, thực phẩm bổ sung và các thí nghiệm khoa học cần thiết cho toàn bộ phi hành đoàn trên ISS, bao gồm 2 người đang ở lại. Nhiều vật tư hơn sẽ đến trong vài tháng nữa. Hiện có tổng cộng 9 phi hành gia trên trạm. CNN cho biết, 2 nhà du hành Butch Wilmore (61 tuổi) và Suni Williams (58 tuổi) đều là những cựu quân nhân Hải quân Mỹ và là những phi hành gia kỳ cựu của NASA. Họ từng có kinh nghiệm thực hiện những nhiệm vụ dài hạn trên trạm vũ trụ. Tại cuộc họp báo được tổ chức từ trạm ISS trong không gian vào tháng 7, hai người chia sẻ với các phóng viên rằng, họ vẫn bận rộn với công việc giúp sửa chữa tàu Starliner và làm các nghiên cứu khác.
Đây không phải là lần đầu có nhà du hành vũ trụ phải gia hạn thời gian lưu trú trên ISS. Trước đó, vào năm 2022, phi hành gia của NASA Frank Rubio và 2 thành viên phi hành đoàn người Nga đã ở lại không gian hơn một năm sau khi tàu vũ trụ Soyuz va phải rác vũ trụ và rò rỉ toàn bộ chất làm mát. Một tàu vũ trụ không chở người của Nga đã được đưa lên để đưa họ trở về vào tháng 9 năm ngoái.
Mặc dù vậy, đối với Boeing - một trong những nhà thầu lớn và làm việc lâu năm trong lĩnh vực vận tải vũ trụ - trong nhiều năm qua hãng này đã phải nhiều lần khắc phục vấn đề của tàu Starliner. Công ty đã từng phóng tàu Starliner không chở phi hành đoàn vài lần trước khi cam kết an toàn để chở người. Cho đến nay, hãng khẳng định tàu con thoi của họ vẫn có thể đưa các phi hành gia về Trái đất an toàn. Song, Boeing cũng cho biết sẽ “thực hiện các bước cần thiết tuân theo quyết định của NASA”. Theo kỹ sư đồng thời là thanh tra của NASA Scott Hubbard, NASA và Boeing cần khắc phục mọi sự cố để bảo đảm an toàn cho phi hành đoàn. “Bất kể điều gì xảy ra với Starliner, họ cần tìm ra vấn đề và khắc phục . Đồng thời, phải tạo cho mọi người niềm tin rằng, họ vẫn là một tên tuổi lớn đang hoạt động trong ngành hàng không vũ trụ”, ông nói.
Vụ việc diễn ra trong bối cảnh NASA đang gấp rút chuẩn bị cho kế hoạch xử lý và đưa ISS về Trái đất “nghỉ hưu”, dự kiến vào năm 2030. Cơ quan đứng đầu bộ phận khám phá không gian của Mỹ đã xem xét trong số các doanh nghiệp trong lĩnh vực vận tải vũ trụ làm đối tác cho dự án thay thế ISS, đồng thời lên kế hoạch rót ngân sách tài trợ nhằm phát triển một “trạm trung chuyển” trên quỹ đạo Trái đất. Do đó, Boeing và hàng loạt công ty tư nhân lớn như SpaceX, Airbus, Blue Origin… đang cạnh tranh lẫn nhau trong cuộc đua khai phá không gian để giành những hợp đồng thầu quan trọng từ cơ quan này.
SAN LÊ (Biên dịch)