Pháp trở thành “cái rốn” hút vốn của châu Âu

Ở năm thứ 5 liên tiếp, Pháp đã vượt qua Đức và Anh để trở thành trung tâm đầu tư nước ngoài của châu Âu…

Theo một nghiên cứu mới được Ernst & Young (EY) công bố, Pháp đã ghi nhận tổng cộng 1.194 dự án được tài trợ bởi vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào năm ngoái. Con số này thể hiện mức giảm 5% hàng năm nhưng vẫn giúp Pháp vượt qua các đối thủ khác trong khu vực.

Trên thực tế, các dự án đầu tư có nguồn vốn nước ngoài đã giảm 4% trên khắp châu Âu trong năm 2023, với Anh và Đức ghi nhận mức giảm lần lượt là 6% và 12%. Cụ thể, Vương quốc Anh có 985 dự án có nguồn vốn nước ngoài vào năm 2023, trong khi Đức là 733 dự án.

Ba “ông lớn” Pháp, Đức và Anh chiếm hơn 51% tổng số vốn FDI được “rót” vào lục địa này.

screenshot-2024-05-05-at-131842-3941.png
Tổng số lượng các dự án FDI ở châu Âu năm 2023

“Thành tích gần đây của Pháp là kết quả từ các làn sóng cải cách đã liên tục tăng tốc trong mười năm qua”, báo cáo của EY cho biết.

EY cũng đặc biệt nêu bật những thay đổi trong quy định luật lao động và việc ban hành luật PACTE vào năm 2019, được thiết kế để giúp việc thành lập công ty ở Pháp trở nên dễ dàng hơn.

“Kỹ năng, cơ sở hạ tầng và thị trường là nền tảng tạo nên sức hấp dẫn cho nước Pháp trong mắt các nhà đầu tư. Và bất chấp những lời chỉ trích xung quanh sự phức tạp của hệ thống hành chính, thì môi trường pháp lý và quy định của Pháp không còn là trở ngại lớn nữa”, báo cáo chỉ ra.

screenshot-2024-05-05-at-143842-5664.png

Khi Tổng thống Pháp Emmanuel Macron nhậm chức vào năm 2017, một trong những cam kết chính của ông là khôi phục nền kinh tế của đất nước thông qua các sáng kiến ủng hộ doanh nghiệp.

Trong một bài đăng trên nền tảng X (Twitter cũ), bộ trưởng Tài chính Pháp Bruno Le Maire đã trích dẫn kết quả báo của Ernst & Young và cho biết: “Chúng tôi quyết tâm tiếp tục theo đuổi con đường này với các dự án kinh tế lớn sắp tới, ví dụ như cải cách trợ cấp thất nghiệp, đơn giản hóa quy trình kinh doanh và các sáng kiến nhằm tăng sức hấp dẫn tài chính của Paris”.

Tuy nhiên, bên cạnh những thành công đó, không có nghĩa là Pháp không có đối thủ cạnh tranh cho ngôi vương FDI ở Châu Âu. Theo ngay sau Pháp là Vương quốc Anh, với London được mệnh danh là thành phố châu Âu đứng đầu về đầu tư ra quốc tế, mặc dù cả nước Anh vẫn tụt hậu so với quốc gia láng giềng.

“Dù cho Pháp chắc chắn cũng được hưởng lợi trước những hậu quả đáng sợ của Brexit và cả các khó khăn của Đức, nhưng không có thể nói trước được điều gì trong tương lai, nhất là khi nước Anh và Đức đều đang đưa ra các mục tiêu và chiến lược thu hút FDI mới”, EY lưu ý.

Năm 2022, bất ổn chính trị ở Anh khiến tổng vốn FDI giảm 6%, bất chấp sức hút của hệ thống thuế thuận lợi của đất nước và khả năng phục hồi của London với tư cách là một trung tâm tài chính và công nghệ. Số liệu năm ngoái đã có nhiều tín hiệu cải thiện, mặc dù số lượng dự án ở Anh vẫn thấp hơn đáng kể so với mức trước Brexit.

Không chỉ trong cùng khu vực, mà sự cạnh tranh về FDI cũng đến từ bên kia Đại Tây Dương. Năm ngoái, số dự án châu Âu có nguồn vốn từ Mỹ là 1.058, giảm 15% so với cùng kỳ năm trước và giảm 29% so với năm 2019. Báo cáo của EY lập luận rằng điều này là bởi Đạo luật Giảm lạm phát - một chính sách tạo ra nhiều ưu đãi thuế cho các dự án ở Mỹ - đã ngày càng thu hút được nhiều nhà đầu tư và nguồn vốn quốc tế chảy vào Mỹ.

Tin liên quan