Quốc tế nổi bật: Nga chấm dứt thỏa thuận giải trừ vũ khí với Nhật Bản

Bộ Ngoại giao Nga xác nhận nước này đã chính thức chấm dứt thỏa thuận hợp tác giải trừ vũ khí với Nhật Bản.

Nga chấm dứt thỏa thuận giải trừ vũ khí với Nhật Bản

Thủ tướng Nga Mikhail Mishustin
Thủ tướng Nga Mikhail Mishustin

Bộ Ngoại giao Nga xác nhận nước này đã chính thức chấm dứt thỏa thuận hợp tác giải trừ vũ khí với Nhật Bản. Theo thỏa thuận được ký vào tháng 10/1993, Nhật Bản cam kết giúp Nga tháo dỡ phần lớn kho vũ khí nguyên tử có từ trước năm 1991 và giúp giải quyết các vấn đề môi trường phát sinh.

Thỏa thuận giữa Chính phủ Nga và Chính phủ Nhật Bản về hợp tác tháo dỡ vũ khí hạt nhân cần cắt giảm, được ký tại Tokyo vào ngày 13/10/1993, đã hết hiệu lực kể từ ngày 21/5/2024. Thủ tướng Nga Mikhail Mishustin đã công bố kế hoạch rút khỏi thỏa thuận vào tháng 11 năm ngoái, kích hoạt quá trình kéo dài 6 tháng. 

Thủ tướng Hungary nói NATO đang chuẩn bị cho kịch bản xung đột với Nga

Thủ tướng Hungary Viktor Orban
Thủ tướng Hungary Viktor Orban

Trả lời phỏng vấn hôm 24/5, Thủ tướng Orban tuyên bố Hungary đã bị giáng cấp xuống "thành viên không tham gia" trong NATO vì lập trường của Budapest về vấn đề Ukraine. Hungary đang nghiên cứu các cách thức hợp pháp để duy trì tư cách thành viên của mình, nhưng vẫn có quyền từ chối tham gia các hoạt động của NATO mà nước này không đồng ý.

Ông cảnh báo rằng kết quả cuối cùng của những hành động này có thể là một cuộc xung đột trực tiếp giữa Liên minh châu Âu (EU), NATO và Nga - một "viễn cảnh nghiệt ngã" vì cuộc xung đột sẽ liên quan đến các cường quốc hạt nhân.

Xung đột Hamas-Israel: Khả năng nối lại đàm phán và thả con tin trong tuần tới

không kích của Israel xuống Gaza
Cảnh đổ nát sau cuộc không kích của Israel xuống Gaza

 

Ngày 25/5, một quan chức Israel cho biết chính phủ nước này có "ý định" nối lại các cuộc đàm phán nhằm đạt được thỏa thuận thả con tin ở Gaza "trong tuần tới." Thông tin được đưa ra sau cuộc gặp giữa các quan chức Mỹ và Israel tại Paris (Pháp). Quan chức giấu tên nêu rõ Israel có ý định nối lại các cuộc đàm phán trong tuần tới và đã có được sự nhất trí về vấn đề này.

Hàn Quốc đàm phán về thỏa thuận chia sẻ chi phí đồn trú với Mỹ

Khoảng 28.500 lính Mỹ đang đồn trú tại Hàn Quốc
Khoảng 28.500 lính Mỹ đang đồn trú tại Hàn Quốc

Theo truyền thông Hàn Quốc, giới chức hai nước đã hội đàm tại Thủ đô Seoul trong 3 ngày nhằm thảo luận về thỏa thuận mới, có hiệu lực từ năm 2026 sau khi thỏa thuận hiện nay hết hạn. Các bên đã trao đổi quan điểm về phần chi phí mà Hàn Quốc sẽ chi trả, cũng như cách thức tính toán phần chi phí này. Vòng đàm phán đầu tiên đã diễn ra tại Mỹ hồi tháng 4 vừa qua. Theo truyền thông Hàn Quốc, các cuộc đàm phán đang được tiến hành sớm hơn thường lệ, do thỏa thuận hiện nay còn hơn 1 năm rưỡi nữa mới hết hiệu lực.

Trực thăng chở Thủ tướng Armenia hạ cánh khẩn cấp

Thủ tướng Armenia Nikol Pashinyan
Thủ tướng Armenia Nikol Pashinyan

Ngày 25/5, trực thăng của Thủ tướng Armenia Nikol Pashinyan đã buộc phải hạ cánh xuống thành phố Vanadzor phía Bắc nước này. Chia sẻ trên mạng xã hội Facebook, ông Pashinyan cho biết do điều kiện thời tiết không thuận lợi, máy bay trực thăng của đoàn đã hạ cánh đột xuất ở Vanadzor. Thủ tướng Armenia cho biết thêm đoàn của ông sẽ tiếp tục chuyến đi bằng ôtô.

Công tố viên yêu cầu lệnh cấm phát ngôn với ông Trump

Cựu tổng thống Mỹ Donald Trump 
Cựu tổng thống Mỹ Donald Trump 

Công tố viên trong vụ án tài liệu mật yêu cầu thẩm phán liên bang cấm ông Trump bình luận gây "nguy hiểm" cho cơ quan thực thi pháp luật. Công tố viên đặc biệt Jack Smith trong kiến nghị ngày 24/5 cho biết yêu cầu này là cần thiết bởi "một số tuyên bố sai trái hoặc mang tính kích động" gần đây của ông Trump đã làm sai lệch bản chất hành động của Cục Điều tra Liên bang (FBI) trong vụ khám xét dinh thự Mar-a-Lago, bang Florida. Tuy nhiên, công tố viên đặc biệt cũng lưu ý lệnh cấm phát ngôn nếu được thông qua sẽ không hạn chế những tuyên bố hợp pháp từ phía Trump.

Nga có thể sẵn sàng ngừng bắn với Ukraine

Tổng thống Nga Putin
Tổng thống Nga Putin

Viện Nghiên cứu Chiến tranh (ISW) có trụ sở ở Mỹ vừa nhận định “lệnh ngừng bắn tạm thời sẽ tạo cơ hội để Nga xây dựng lại lực lượng, chuyển hướng sang mở rộng và cải tổ quy mô lớn trong quân đội thay vì tiến hành các hoạt động quân sự ở Ukraine”. Lệnh ngừng bắn cũng cho phép Nga tiếp tục mở rộng cơ sở công nghiệp quốc phòng mà không bị hạn chế để đáp ứng các nhu cầu cần thiết nếu xung đột được nối lại trong tương lai, ISW nhận định. Nga cũng có thể sử dụng lệnh ngừng bắn để chuẩn bị lực lượng với khả năng phát động các cuộc tiến công khác dựa trên tình trạng ngừng bắn tạm thời.

Tin liên quan