Sáng kiến bệnh viện di động ở Ấn Độ

Arogya Maitri Disaster Management Cube (tạm dịch là "Hộp xử lý khủng hoảng Arogya Maitri") là bệnh viện dã chiến đầu tiên trên thế giới có thể vận chuyển bằng đường hàng không. Đây là sáng kiến của Ấn Độ nhằm chuẩn bị trong các tình huống cứu hộ khẩn cấp.

Theo India Today, bệnh viện di động Arogya Maitri bao gồm hai khối thiết bị chính, mỗi khối chứa 36 khối hộp nhỏ. Các khối hộp hỗ trợ được trang bị công cụ cải tiến giúp tăng cường ứng phó thảm họa và cung cấp hỗ trợ y tế trong trường hợp khẩn cấp. Nó tích hợp trí tuệ nhân tạo (AI) và phân tích dữ liệu để tạo điều kiện phối hợp hiệu quả, giám sát trong thời gian thực và triển khai dịch vụ y tế tại hiện trường.

Mỗi đơn vị được thiết kế để triển khai nhanh chóng và bao gồm một máy phát điện nhỏ, cáng, thiết bị y tế, thuốc và nguồn cung cấp thực phẩm. Việc sử dụng năng lượng mặt trời và pin càng làm tăng tính bền vững và hiệu quả hoạt động. Toàn bộ khối hộp có khả năng triển khai nhanh chóng thành một bệnh viện dã chiến với thiết kế chắc chắn, chống thấm nước để dùng được cho các tình huống khẩn cấp, có khả năng cứu sống người trong “giờ vàng” cứu hộ sau các sự cố thương vong hàng loạt.

Bệnh viện dã chiến này đã sử dụng những máy móc y tế tiên tiến, bao gồm phòng phẫu thuật, máy chụp X-quang, thiết bị xét nghiệm máu, máy thở và các phương tiện điều trị nhiều loại chấn thương như vết đạn bắn, bỏng, gãy xương và chảy máu nghiêm trọng... Sau khi lắp ráp, khối bệnh viện dã chiến được thiết kế để điều trị cho 200 người thương vong, trở thành giải pháp nhanh trong ứng phó thảm họa.

Khối bao gồm những thành phần nhẹ, dễ vận chuyển, có thể dễ dàng di chuyển bằng tay, xe đạp hoặc máy bay không người lái, mang lại sự linh hoạt khi cấp cứu ở những khu vực bị thiên tai. Đây là dự án bệnh viện di động tiên tiến do Không quân Ấn Độ (IAF) phát triển. Hệ thống này còn có phần mềm giúp quản lý y tế hiệu quả, sẵn sàng để sử dụng nhiều lần.

Tin liên quan