Doanh nghiệp Việt Nam đón nhận thông tin Mỹ đánh thuế 46% như thế nào?

Trước công bố Mỹ áp thuế 46% với hàng hoá của Việt Nam, nhiều doanh nghiệp hoang mang, tạm thời chưa biết phải ứng phó thế nào...

Tổng thống Mỹ Donald Trump đã chính thức công bố áp dụng mức thuế đối ứng lên hàng loạt nền kinh tế, trong đó Việt Nam chịu mức thuế lên đến 46%. Điều này khiến nhiều doanh nghiệp lo lắng. Bởi khi mức thuế này được áp dụng, không chỉ hàng Việt Nam xuất khẩu vào Mỹ bị ảnh hưởng mà còn tác động lớn đến dòng đầu tư nước ngoài (FDI) trong thời gian tới.

BẤT NGỜ VỚI MỨC THUẾ CAO

Theo ông Nguyễn Minh Đức, Ban pháp chế (VCCI) tính toán, nếu kim ngạch xuất khẩu từ Việt Nam sang Mỹ không đổi, 119 tỷ USD mỗi năm, thì hàng hóa của chúng ta sẽ phải chịu khoảng 54,74 tỷ USD tiền thuế, tương đương hơn 10% GDP của Việt Nam.

Mức thuế của Việt Nam tương đương với một số nước như Campuchia, Lào, Sri Lanka, Trung Quốc. Song đây được đánh giá là “kịch bản tồi tệ”, khi mức đánh thuế với hàng hóa Việt Nam cao hơn nhiều so với các nước.

Trong đó, có những nước là đối thủ của Việt Nam tại thị trường Mỹ như Thái Lan 36%, Ấn độ 26%, Indonesia 32%, Malaysia 24%, Bangladesh 37%, Philippines 17%, Pakistan 29%...

“Như vậy nếu xét tương quan thì hàng hóa của Việt Nam sẽ chịu thuế cao hơn khoảng 10-20% so với đối thủ chính. Các mặt hàng chính gồm đồ điện, điện tử, dệt may, da giày, nội thất…”, ông Đức phân tích.

Theo ông Trần Văn Lĩnh, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Cổ phần Thủy sản và Thương mại Thuận Phước, hiện nay sức cạnh tranh của ngành thủy sản Việt Nam so với của các nước như Ecuador, Ấn Độ... đều thấp hơn, do đó chỉ cần một biến động nhẹ về thuế quan, thủy sản Việt Nam đã khó có thể cạnh tranh được.

Ông Lĩnh cũng cho biết thêm, với mức thuế suất đối ứng mà Mỹ đưa ra, cộng đồng doanh nghiệp thủy sản đều rất bất ngờ. “Mức này cũng khiến doanh nghiệp hết đường vào Mỹ, bởi càng xuất càng lỗ. Hiện, thị trường Mỹ chiếm hơn 20% tổng doanh thu của chúng tôi nên với tình hình này sắp tới, doanh nghiệp cũng phải nghiên cứu giảm bớt tỷ trọng, chuyển hướng thị trường”, ông Lĩnh nói.

Ngoài thủy sản, ngành nghề được dự báo ảnh hưởng lớn nhất là đồ gỗ, nội thất, dệt may, linh kiện điện tử.

Liên quan tới việc Mỹ áp thuế đối ứng 46% lên hàng hóa của Việt Nam, Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam Vũ Đức Giang cho rằng, cần nhìn vào bản chất vấn đề. Xuất khẩu hàng may mặc vào Mỹ có mặt hàng chịu thuế 0%, có mặt hàng 7%, 12%, hoặc như mặt hàng áo khoác là 27%. Việt Nam không có hiệp định thương mại tự do (FTA) với Mỹ nên nền tảng thuế đã có rồi, không phải hiện nay mới áp.

"46% là đánh thuế vào tổng quan các mặt hàng Việt Nam xuất khẩu vào Mỹ, sắp tới sẽ có chi tiết từng dòng hàng để áp thuế. Chính phủ đang triển khai hàng loạt giải pháp, tiếp tục đàm phán để xem xét vận dụng, áp dụng các dòng thuế ra sao trong thời gian tới. Hiệp hội khuyến cáo các doanh nghiệp bình tĩnh chờ đợi sự đàm phán giữa hai chính phủ. Các nhãn hàng cũng sẽ đưa ra quan điểm của họ để không gây ảnh hưởng nhiều tới tổ chức sản xuất", ông Giang nói.

go.png
Ngoài thủy sản, ngành nghề được dự báo ảnh hưởng lớn nhất là đồ gỗ, nội thất, dệt may, linh kiện điện tử

Trong khi đó, ông Ngô Sỹ Hoài, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam thì bày tỏ mức thuế này là “khủng khiếp” và hy vọng Việt Nam có thể đưa ra đàm phán. Bởi nhiều nhận định trước đó, mức thuế dự kiến thấp hơn, song con số 46% doanh nghiệp gỗ sẽ rất khó khăn.

Cũng theo ông Hoài, hiện ngành gỗ đang chịu điều tra theo mục 232 của Đạo luật Mở rộng thương mại năm 1962. Vì thế có thể trước mắt chưa phải chịu áp mức thuế này, song cũng không thể đoán định được về khả năng đánh thuế sau cuộc điều tra của Mỹ.

Do vậy để ứng phó trước mắt, doanh nghiệp sẽ tìm cách đẩy hàng trước khi đưa ra phán quyết điều tra và lệnh áp thuế nhằm giảm bớt thiệt hại và tìm cách cơ cấu lại hoạt động để giảm thiệt hại.

LÊN KẾ HOẠCH CHỦ ĐỘNG ỨNG PHÓ

Theo Tiến sĩ Bùi Quý Thuấn, Phó trưởng ban Nghiên cứu, Liên chi hội Tài chính khu công nghiệp Việt Nam (VIPFA) nhìn nhận, thách thức từ việc Mỹ áp thuế đối ứng cũng là một cơ hội để Việt Nam có thể tạo ra những thay đổi tích cực về lâu dài.

Việc phải chịu thuế cao từ Mỹ có thể buộc Việt Nam đẩy nhanh chiến lược đa dạng hóa thị trường xuất khẩu, tận dụng 17 FTA đã ký kết như EVFTA, CPTPP, RCEP… hoặc hướng tới các thị trường mới như Trung Đông với thị trường Halal (2,2 tỷ người), Đông Bắc Á, Bắc Mỹ, châu Phi…

Khi xuất khẩu gặp khó, các doanh nghiệp trong và ngoài nước có thể chuyển hướng sang thị trường nội địa với dung lượng hơn 100 triệu dân.

"Đứng trước áp lực thuế quan, doanh nghiệp Việt Nam có thể đầu tư vào công nghệ, chuyển đổi số nhanh hơn và xanh hóa sản xuất, đáp ứng yêu cầu cao hơn từ các thị trường quốc tế. Điều này giúp nâng cao năng lực cạnh tranh, giá trị gia tăng của hàng hóa Việt Nam trong dài hạn.

Đặc biệt, các doanh nghiệp Việt Nam cần chú trọng hơn đầu tư vào nghiên cứu và phát triển, mở rộng, đa dạng thị trường; phải cải tiến, áp dụng công nghệ vào hoạt động sản xuất nhằm giảm chi phí, tạo ra những sản phẩm khác biệt.

Điều đó mới có thể giúp doanh nghiệp sòng phẳng cạnh tranh mà không lo ngại những rủi ro về chính sách thuế cũng như các rào cản phi thuế quan của các đối tác thương mại lớn trong tương lai", ông Thuấn nhấn mạnh.

Tiến sĩ Nguyễn Minh Phong, chuyên gia kinh tế đánh giá mức thuế đối ứng mới của Mỹ là một tin tức không tốt cho doanh nghiệp và nền kinh tế Việt Nam, đặc biệt trong bối cảnh đang gặp khó khăn về động lực tăng trưởng. Mức thuế này sẽ ảnh hưởng lớn đến các doanh nghiệp xuất khẩu sang Mỹ như dệt may, da giày, gỗ... tạo áp lực về việc làm. Thậm chí, có nguy cơ một số doanh nghiệp phải bỏ cuộc, dẫn đến giảm thị phần xuất khẩu sang Mỹ.

"Doanh nghiệp cần rà soát, điều chỉnh hoạt động, thị phần và chi phí để duy trì thị trường Mỹ. Chính phủ cần tiếp nhận phản ánh từ doanh nghiệp nhanh chóng, phối hợp xử lý, đặc biệt là thông qua đàm phán, thương lượng với Mỹ. Doanh nghiệp cần nhanh chóng đa dạng hóa thị trường xuất khẩu, tăng tính linh hoạt, thích ứng. Chúng ta cần lưu ý thương lượng và đàm phán tốt với Mỹ để tìm những lợi thế so với các nước khác", ông Nguyễn Minh Phong nhấn mạnh.