EU vừa thay đổi mẫu Giấy chứng nhận kiểm dịch động vật dưới nước nhập khẩu, doanh nghiệp Việt Nam cần lưu ý.
Thương vụ Việt Nam tại Bỉ và EU cho biết, Ủy ban Châu Âu (EC) vừa ban hành Quy định mới số 2023/516 sửa đổi Phụ lục II Quy định (EU) 2020/2236 về mẫu Giấy chứng nhận kiểm dịch động vật nhập khẩu vào EU đối với các lô hàng động vật thủy sinh phục vụ nuôi trồng thủy sản, thả phóng sinh vào tự nhiên hoặc phục vụ cho các mục đích khác, không bao gồm phục vụ cho mục đích tiêu dùng trực tiếp của con người.
Chi tiết Mẫu chứng giấy chứng nhận kiểm dịch động vật xuất khẩu quy định tại Phụ lục II Quy định (EU) 2020/2236 và Quy định này có hiệu lực ngay sau khi đăng công báo EU áp dụng trực tiếp đối tại các thành viên EU.
Tuy nhiên, Quy định 2023/516 cũng quy định thời gian chuyển tiếp áp dụng mẫu giấy chứng nhận cũ đối với các lô hàng động vật thủy sinh nhập khẩu vào EU phục vụ nuôi trồng thủy sản, thả phóng sinh vào tự nhiên hoặc phục vụ cho các mục đích khác, không bao gồm phục vụ cho tiêu dùng trực tiếp của con người cho đến ngày 15/9/2023.
Bên cạnh đó, các văn bản hướng dẫn về mẫu chứng thư của EU số 2020/2235, hay 2021/608 đều yêu cầu, với các chứng thư gồm nhiều trang thì các trang cần được đánh số liên tục, trên mỗi trang có mã đặc định của chứng thư, dấu của cơ quan có thẩm quyền và chữ ký của người xác nhận.
Thương vụ đề nghị các cơ quan và doanh nghiệp Việt Nam cần lưu ý quy định bổ sung này.
Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), kim ngạch xuất khẩu thủy sản năm 2022 đạt 11 tỷ USD, trong đó: xuất khẩu tôm đạt 4,3 tỷ USD; cá tra 2,5 tỷ USD; hải sản 3,2 tỷ USD (cá ngừ 1 tỷ USD, mực và bạch tuộc đạt 768 triệu USD)… Các sản phẩm đều tăng trưởng bình quân từ 18 đến 65%, trong đó: kim ngạch xuất khẩu cá tra tăng mạnh nhất với 65%, cá ngừ tăng trưởng lớn thứ 2 với mức 40%, mực và bạch tuộc tăng trưởng mạnh 30%, tôm tăng trưởng 14%...
11 tháng đầu năm 2022, khối thị trưởng EU27 chiếm gần 12% giá trị xuất khẩu thủy sản của Việt Nam, đứng thứ 4 sau khỏi CPTPP Mỹ Trung Quốc và Hồng Kông. Hiện, Việt Nam có gần 1.000 doanh nghiệp đã có mã EU core tại EU, đây là chứng chỉ lớn để chúng ta thâm nhập và chinh phục các thị trường khác.