Dữ liệu từ Đức - nền kinh tế lớn nhất châu Âu - cho thấy lạm phát giảm từ 10% trong tháng 11 xuống còn 8,6% trong tháng 12.
Lạm phát ở khu vực đồng euro đã giảm vào tháng 12/2022, nhưng các nhà phân tích cho rằng điều này sẽ không dẫn đến nhiều thay đổi trong chính sách từ Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB).
Lạm phát toàn phần, bao gồm chi phí thực phẩm và năng lượng, đạt 9,2% so với cùng kỳ năm ngoái vào tháng 12/2022, theo dữ liệu sơ bộ từ cơ quan thống kê châu Âu, Eurostat. Nó theo sau tỷ lệ lạm phát của tháng 11 là 10,1%, cho thấy mức giảm nhẹ đầu tiên kể từ tháng 6/2021.
Nền kinh tế khu vực đồng euro đã phải chịu áp lực to lớn kể từ khi cuộc chiến Nga - Ukraine bắt đầu, với chi phí năng lượng và thực phẩm tăng vọt vào năm ngoái. Trong nỗ lực chống lại tình trạng giá cả tăng cao, Ngân hàng Trung ương châu Âu đã tăng lãi suất bốn lần vào năm 2022 và cho biết có khả năng sẽ tiếp tục làm như vậy trong năm nay. Lãi suất chính của ngân hàng hiện ở mức 2%.
Bất chấp những dấu hiệu khác cho thấy lạm phát đang giảm bớt, các nhà phân tích cho rằng còn quá sớm để ăn mừng và không mong đợi sự xoay trục từ ngân hàng trung ương của khu vực.
Theo bà Hetal Mehta của Legal & General Investment Management, lãi suất sẽ “lên tới 3% và có thể phải giữ mức đó trong suốt năm ngay cả khi suy thoái kinh tế ngày càng trở nên rõ ràng hơn.”
Dự đoán này xuất hiện sau khi Chủ tịch ECB Christine Lagarde đưa ra một giọng điệu cứng rắn vào tháng 12: “Chúng tôi không xoay trục, chúng tôi không dao động, chúng tôi đang thể hiện quyết tâm.”
Phát biểu vào đầu tuần này, thành viên Hội đồng quản trị ECB và Thống đốc Ngân hàng Pháp Francois Villeroy de Galhau cho biết lãi suất có thể đạt đỉnh vào mùa hè này.
ECB cũng lưu ý vào tháng 12/2022 rằng họ sẽ bắt đầu giảm bảng cân đối kế toán vào tháng 3 với tốc độ 15 tỷ euro (15,8 tỷ USD) mỗi tháng cho đến cuối quý hai. Bước đi này cũng được kỳ vọng sẽ giải quyết một số áp lực lạm phát của khu vực.
Vào thời điểm đó, ngân hàng trung ương dự báo tỷ lệ lạm phát trung bình là 8,4% cho năm 2022, 6,3% cho năm 2023 và 3,4% cho năm 2024. Nhiệm vụ của ECB là hướng tới con số lạm phát chung là 2%.
Đầu tuần này, dữ liệu từ Đức cho thấy lạm phát đã giảm từ 10% trong tháng 11 xuống còn 8,6% trong tháng 12.
Carsten Brzeski, người đứng đầu toàn cầu về kinh tế vĩ mô tại ING Đức, cho biết những con số này “không phải là một sự ‘thở phào’, mà chỉ là một lời nhắc nhở rằng lạm phát khu vực đồng euro chủ yếu vẫn là hiện tượng giá năng lượng.”
Chi phí năng lượng đã giảm ở châu Âu trong những tháng gần đây. Chẳng hạn, giá khí đốt tự nhiên được giao dịch ở mức khoảng 72,42 euro mỗi megawatt giờ vào 6/1 - thấp hơn nhiều so với mức cao nhất là 349,90 euro mỗi megawatt giờ vào tháng 8.
Trong số các thành phần lạm phát, năng lượng tiếp tục là động lực lớn nhất trong tháng 12, nhưng đã giảm so với các mức trước đó. Theo số liệu mới nhất, chi phí năng lượng đã giảm từ 34,9% trong tháng 11 xuống còn ước tính 25,7% trong tháng 12.
“ECB không thể và sẽ không đưa ra các quyết định chính sách dựa trên giá năng lượng biến động cao. Thay vào đó, theo quan điểm của chúng tôi, ngân hàng trung ương sẽ tăng lãi suất tại hai cuộc họp tiếp theo với tổng cộng 100 điểm cơ bản,” ông Brzeski cho biết trong một lưu ý.
Claus Vistesen, nhà kinh tế trưởng khu vực đồng euro tại Pantheon Macroeconomics, cũng cho biết rằng ông thấy dữ liệu lạm phát “có chút nhẹ nhõm, và điều này sẽ khiến ECB phải cảnh giác vào đầu năm”. Ông dự đoán hai lần tăng lãi suất 50 điểm cơ bản trong quý đầu tiên.
Trong khi đó, các quốc gia vùng Baltic một lần nữa ghi nhận mức lạm phát tăng cao nhất, với tỷ lệ khoảng 20%.