Việt Nam và Ấn Độ là 2 điểm đến thay thế Trung Quốc cho các nhà cung ứng của Apple để hạn chế rủi ro địa chính trị.
Mới đây, công ty Đài Loan Quanta Computer, đơn vị hàng đầu về sản xuất Macbook cho hãng điện tử Apple, đã ký kết thỏa thuận xây dựng nhà máy đầu tiên tại Việt Nam, đặt ở tỉnh Nam Định. Lãnh đạo Quanta Computer cho biết, Công ty đang rất quyết tâm với dự án mới này và kỳ vọng sẽ khởi động nhà máy “càng nhanh càng tốt”.
Trước khi có quyết định chuyển một phần dây chuyền sản xuất Macbook sang Việt Nam, Quanta Computer đã “đặt cược” tất cả vốn liếng vào Trung Quốc. Tập trung sản xuất tại công xưởng của thế giới giúp công ty tăng trưởng nhanh chóng, đạt được mức doanh thu lên đến 41 tỷ USD vào năm 2022.
Tuy nhiên, cái giá phải trả cho quyết định “bỏ tất cả trứng vào cùng một giỏ” là chuỗi cung ứng bị cắt đứt bởi những đợt bùng phát Covid-19 và chính sách “zero Covid-19” của Trung Quốc. Năm ngoái, một nhà máy với hơn 40 nghìn công nhân của Quanta Computer buộc phải đóng cửa, ảnh hưởng nghiêm trọng tới tiến độ giao hàng của Quanta Computer cũng như kế hoạch kinh doanh của Apple.
Theo Nikkei Asia Review, việc mở rộng sang Việt Nam đánh dấu bước ngoặt trong chiến lược xây dựng chuỗi cung ứng của Quanta Computer. Dự kiến, đến năm 2025, 30% sản lượng của công ty này sẽ đến từ khu vực ngoài Trung quốc.
Một nhà cung ứng Đài Loan khác của Apple là Foxconn cũng đang đầu tư mạnh vào Việt Nam. Gần đây, Foxconn đã ký hợp đồng thuê một lô đất rộng khoảng 450 nghìn m2 tại Bắc Giang để triển khai kế hoạch mở rộng đầu tư. Trước đó, Foxconn đã đầu tư hàng tỷ USD và thiết lập một số chuỗi sản xuất sản phẩm cho Apple tại Việt Nam.
Trong khi đó, Pegatron, công ty đứng thứ 2 thế giới về sản xuất, lắp ráp điện thoại iPhone, lựa chọn Hải Phòng làm bến đỗ. Nikkei Asia Review cho biết, có thể Pegatron sẽ khởi động dây chuyền sản xuất laptop tại Hải Phòng vào năm 2024.
Việt Nam đang nổi lên như một ngôi sao sáng về thu hút FDI toàn cầu, đặc biệt khi chuỗi cung ứng bị xáo trộn bởi Covid-19 cũng như xung đột thương mại Mỹ - Trung. Dòng vốn từ xu thế Trung Quốc + 1 là một trong những thành tố quan trọng giúp Việt Nam duy trì thu hút FDI trong bối cảnh nền kinh tế toàn cầu gặp nhiều khó khăn.
Việt Nam không đủ điều kiện để thay thế Trung Quốc trở thành công xưởng của thế giới. Tuy nhiên, địa thế nằm cạnh Trung Quốc cùng mối quan hệ thương mại chặt chẽ với nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới này giúp các doanh nghiệp đa quốc gia ưu tiên lựa chọn Việt Nam để đa dạng hóa chuỗi cung ứng.
Nhân công rẻ cũng là lợi thế của Việt Nam. Theo Tổ chức Xúc tiến thương mại Nhật Bản (JETRO), lương cơ bản hàng tháng của một công nhân sản xuất ở Việt Nam rơi vào khoảng 270 - 280 USD, chưa bằng một nửa so với mức trung bình trên 600 USD tại Trung Quốc.
Ngoài Việt Nam, Ấn Độ cũng đang trở thành điểm đến hấp dẫn của các công ty toàn cầu, bao gồm nhiều nhà cung ứng của Apple. Foxconn mới đây đã công bố khoản đầu tư 700 triệu USD để sản xuất iPhone tại Bangalore – vùng được mệnh danh là Thung lũng Silicon của Ấn Độ.
Theo CNBC, Apple đang tìm cách tăng cường sự hiện diện của các nhà cung ứng tại Ấn Độ để đưa tổng sản lượng sản phẩm sản xuất tại quốc gia Nam Á này lên 25%. Vì vậy, không chỉ Foxconn mà cả Wistron hay Pegatron đều đang rót những khoản đầu tư khổng lồ vào Ấn Độ.
Ấn Độ dự kiến sẽ vượt mặt Trung Quốc để trở thành quốc gia đông dân nhất thế giới vào năm nay. Nguồn nhân lực dồi dào, bao gồm cả nhân công có tay nghề cao là lợi thế cạnh tranh lớn trong thu hút FDI của Ấn Độ.
Apple nổi tiếng toàn thế giới không chỉ bởi những sản phẩm công nghệ dẫn đầu xu thế mà còn nhờ vào chuỗi cung ứng được thiết lập một cách bài bản và tinh vi. Chuỗi cung ứng đó đã gắn chặt với Trung Quốc hơn chục năm nay. Do đó, động thái chuyển dịch chuỗi cung ứng của Apple rất có thể sẽ đánh dấu sự dịch chuyển chuỗi của toàn ngành công nghệ.
Tuy nhiên, cuộc đua thu hút FDI nói chung đang diễn ra hết sức khó lường, đặc biệt với việc nhiều quốc gia thực thi chính sách thuế suất tối thiểu toàn cầu vào năm 2024.
Trong bối cảnh đó, lợi thế thu hút FDI của các nước đang phát triển như Việt Nam sẽ khó có thể duy trì, đòi hỏi cần sự thay đổi về chiến lược nhằm tận dụng xu thế dịch chuyển chuỗi cung ứng toàn cầu.