Quảng Ninh cùng cả nước gỡ 'thẻ vàng' IUU

Năm 2017, Việt Nam đã nhận cảnh báo thẻ vàng IUU (khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định) của Ủy ban châu Âu (EC) do chưa đáp ứng đầy đủ các tiêu chuẩn về chống khai thác IUU.

Điều này đã gây ra những tác động tiêu cực và hệ lụy nghiêm trọng, không chỉ đối với ngành hải sản mà còn ảnh hưởng đến nền kinh tế.

Mặc dù đến nay, việc xuất khẩu hải sản của Việt Nam sang EU chưa bị cấm hoàn toàn nhưng đã có dấu hiệu suy giảm rõ rệt.

Sau hơn hai năm áp dụng thẻ vàng, kim ngạch xuất khẩu hải sản của Việt Nam sang EU giảm từ 450 triệu USD xuống còn 300 - 350 triệu USD, khiến thị trường này tụt xuống vị trí thứ năm trong các thị trường xuất khẩu hải sản của Việt Nam.

Nếu thẻ vàng không được gỡ bỏ, giá trị xuất khẩu hải sản có nguy cơ giảm tiếp do các biện pháp kiểm tra ngày càng nghiêm ngặt hơn. Bên cạnh đó, các nhà nhập khẩu tại EU cũng e ngại về uy tín và rủi ro pháp lý từ hàng hóa nhập khẩu có nguồn gốc từ Việt Nam, dẫn đến việc họ không muốn tiếp tục nhập khẩu hải sản từ Việt Nam.

Cùng với đó là sự suy giảm hoạt động xuất khẩu hải sản đã gây ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động khai thác và đánh bắt của các đội tàu, đặc biệt là các đội tàu đánh bắt xa bờ, bởi sản phẩm của họ chủ yếu được xuất khẩu, trong đó có thị trường EU.

Theo thống kê năm 2017, tổng số tàu cá trên toàn quốc là 110.950 tàu, trong đó có 108.619 tàu khai thác (chiếm 97,89%) và 2.331 tàu dịch vụ hậu cần (chiếm 2,11%); có 30.500 tàu đánh bắt xa bờ (trong tổng số 96.600 tàu đánh bắt), đạt sản lượng 3,6 triệu tấn, mang lại giá trị xuất khẩu 2,5 tỷ USD.

Hậu quả của thẻ vàng IUU đã khiến đời sống kinh tế của ngư dân và hàng trăm nghìn lao động chính thức và phi chính thức tham gia các hoạt động khai thác, chế biến hải sản gặp nhiều khó khăn.

Nỗ lực từ cơ sở

Xác định kinh tế biển là động lực tăng trưởng trong chiến lược phát triển bởi ưu thế cạnh tranh nổi trội so với các địa phương khác trong khu vực, tỉnh Quảng Ninh đã triển khai nhiều giải pháp để cùng cả nước gỡ thẻ vàng IUU.

Tỉnh ưu tiên tập trung vào tuyên truyền nâng cao nhận thức cho ngư dân về tác hại của khai thác IUU. Song song đó, tỉnh tăng cường quản lý để nắm bắt kịp thời tình hình trên biển, đồng thời xử lý các trường hợp ngư dân vi phạm, đặc biệt là những trường hợp cố tình vi phạm.

Huyện Vân Đồn, một trong những địa phương có tiềm năng phát triển kinh tế biển, đã đẩy mạnh chống khai thác IUU. Từ đầu năm 2024 đến hết tháng 8/2024, các lực lượng chức năng đã phát hiện và xử lý 15 tàu cá vi phạm, phạt hành chính gần 300 triệu đồng.

Ông Đào Văn Vũ, Phó chủ tịch UBND huyện Vân Đồn khẳng định, huyện sẽ tiếp tục xử lý các trường hợp vi phạm khai thác IUU, bố trí lực lượng chức năng thường trực 24/24 tại các ngư trường trọng điểm.

Huyện Vân Đồn đang hoàn thiện hồ sơ công bố mở cảng cá Cái Rồng, hướng tới việc đáp ứng đầy đủ các tiêu chuẩn để được Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn chỉ định cho tàu cá vùng khơi cập cảng. Đây là nỗ lực góp phần quan trọng trong việc giúp tỉnh Quảng Ninh nói riêng và cả nước nói chung gỡ bỏ “thẻ vàng” IUU trong năm 2024.

Thị xã Quảng Yên cũng là một địa phương có tiềm năng phát triển kinh tế biển, đã triển khai đồng bộ các biện pháp để nâng cao hiệu quả chống khai thác IUU. Thị xã đã thông báo cho tất cả chủ tàu nộp hồ sơ theo quy định, đến nay đã có 50 tàu cá đăng ký; tiến hành kiểm tra an toàn kỹ thuật cho 19/50 tàu và dự kiến sẽ cấp phép cho 100% tàu cá trước hết tháng 10/2024.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, Quảng Ninh vẫn còn một số hạn chế và vướng mắc cần giải quyết như: cấp giấy phép khai thác thủy sản, giám sát hành trình tàu cá (VMS), kiểm soát tàu cá vi phạm khai thác hải sản ở vùng biển nước ngoài và giao biển.

Quảng Ninh cùng cả nước gỡ 'thẻ vàng' IUU
Cảng Cái Lân Quảng Ninh. Ảnh: Hoàng Anh.

Ông Trần Mạnh Thắng, Trưởng phòng Kinh tế thị xã Quảng Yên, khẳng định sự quyết tâm của đơn vị trong việc nâng cao hiệu quả quản lý tàu cá, xử lý kịp thời những trường hợp tàu cá mất kết nối giám sát hành trình.

Bên cạnh đó, phòng kinh tế sẽ triển khai các thủ tục hành chính liên quan đến quản lý tàu cá theo quy định, đồng thời tăng cường xử lý các vi phạm về nuôi trồng thủy sản lồng bè và sử dụng phao xốp.

"Phòng Kinh tế sẽ phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng để xử lý nghiêm minh những trường hợp vi phạm khai thác IUU, góp phần bảo vệ nguồn lợi thủy sản và giữ gìn môi trường biển", ông Thắng nhấn mạnh.

Đến nay, toàn bộ 4.247 tàu cá có chiều dài từ 6m trở lên trên địa bàn tỉnh đã hoàn thành đăng ký và đăng ký tạm, đạt tỷ lệ 99,8%.

Trong đó, 4.072 tàu đã được cấp phép và cấp phép tạm, đạt tỷ lệ 95,8%. Riêng đối với tàu cá có chiều dài từ 12m trở lên, 725/730 tàu đã cập nhật dữ liệu đăng kiểm, đạt tỷ lệ 99%.

Tổng sản lượng hải sản bốc dỡ qua các điểm kiểm soát tàu cá và thống kê từ các xã, phường, thị trấn đạt 96,88%.

100% tàu cá dài từ 15m trở lên đang hoạt động đã được lắp đặt thiết bị giám sát hành trình. Tất cả các tàu cá trên địa bàn tỉnh đã được cập nhật dữ liệu trên hệ thống VNFISHBASE.

Kể từ đầu năm 2024 đến nay, chưa ghi nhận trường hợp tàu cá mất tín hiệu kết nối giám sát trên biển trong thời gian trên 10 ngày. Quảng Ninh cũng không ghi nhận trường hợp tàu cá vi phạm vùng biển nước ngoài bị bắt giữ, xử lý kể từ năm 2017.

Tiếp tục đẩy mạnh các giải pháp

Tại đợt kiểm tra lần thứ năm diễn ra gần đây vào tháng 8/2024, tại một số địa phương thuộc tỉnh, đoàn công tác của Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn đã chỉ ra một số tồn tại cần được Quảng Ninh ưu tiên khắc phục liên quan đến hồ sơ công bố mở cảng, cấp phép tàu cá, quản lý số cập và rời cảng, cách thức và hình thức xử phạt hành chính trong phòng chống IUU.

Để đáp ứng những yêu cầu được đặt ra, tỉnh Quảng Ninh kiến nghị Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn sớm tham mưu trình Chính phủ ban hành kế hoạch thực hiện Quyết định số 389/QĐ-TTg (ngày 9/5/2024) của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt quy hoạch bảo vệ và khai thác nguồn lợi thủy sản giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Bên cạnh đó, tỉnh tiếp tục đẩy mạnh đầu tư, nâng cấp hoàn thiện và phát huy hiệu quả hoạt động của các cảng cá, khu neo đậu tránh trú bão, các điểm kiểm soát tàu cá trên địa bàn; công bố mở cảng cá theo quy định tại Luật Thủy sản nhằm nâng cao hiệu quả kiểm soát sản lượng thủy sản khai thác và kiểm soát tàu cá.

Quảng Ninh cùng cả nước gỡ 'thẻ vàng' IUU 2
Một góc cảng Cái Lân Quảng Ninh. Ảnh: Hoàng Anh.

Để bảo vệ nguồn lợi thủy sản bền vững, Quảng Ninh cũng đã cấm hoàn toàn nghề lờ dây khai thác thủy sản tại vùng biển ven bờ, các vùng nước tự nhiên thuộc cửa sông và vùng nước nội địa.

Việc lặn khai thác thủy sản tự nhiên tại vùng biển ven bờ và vùng lộng cũng bị nghiêm cấm. Các nghề khai thác bằng phương thức đăng, đáy, te xiệp cũng bị hạn chế hoạt động trong vùng biển ven bờ, các vùng cửa sông và vùng nước nội địa.

Đồng thời tỉnh cấm phát triển nghề lưới kéo tôm sử dụng tàu cá có tổng công suất máy chính dưới 50CV, cũng quy định các khu vực cấm khai thác có thời hạn, bao gồm hai vùng cấm khai thác thủy sản tại Trung tâm Vịnh Hạ Long và khu phục hồi sinh thái tại Vườn Quốc gia Bái Tử Long.

 

Tin liên quan