Hai nền kinh tế hàng đầu châu Á là Trung Quốc và Nhật Bản đón nhận những tín hiệu tích cực về tăng trưởng, trong đó kinh tế “đất nước mặt trời mọc” đạt mức tăng cao hơn dự báo, cho thấy sự phục hồi sau giai đoạn suy thoái trước đó.
Thông tin tích cực của kinh tế Trung Quốc
Trung Quốc, nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới đón nhận thông tin tích cực về tăng trưởng kinh tế. Báo cáo của Cục Thống kê quốc gia Trung Quốc cho thấy, sản lượng công nghiệp tháng 7 năm nay của nước này tăng 5,1% so cùng kỳ năm ngoái. Trên cơ sở hằng tháng, sản lượng công nghiệp tăng nhẹ 0,35% trong tháng 7 so tháng trước đó. Sản lượng công nghiệp của Trung Quốc đo lường hoạt động của các doanh nghiệp có doanh thu kinh doanh chính hằng năm ít nhất là 20 triệu nhân dân tệ (NDT), tương đương 2,8 triệu USD.
Trong khi đó, doanh số bán lẻ hàng tiêu dùng trong tháng 7 tăng 2,7% so cùng kỳ năm trước, lên gần 3.780 tỷ NDT (khoảng 528,82 tỷ USD). Trong 7 tháng đầu năm, doanh số bán lẻ tăng 3,5% so cùng kỳ năm 2023, lên hơn 27.370 tỷ NDT. Chỉ số sản xuất dịch vụ trong tháng 7 cũng tăng 4,8% so cùng kỳ năm ngoái, tăng nhanh hơn 0,1% so tháng trước. Giá bất động sản mới tại Trung Quốc giảm với tốc độ nhanh nhất trong 9 năm vào
tháng 7, khi các chính sách hỗ trợ chưa thể ổn định thị trường và khôi phục niềm tin vào lĩnh vực đang gặp khó khăn này. Giá nhà mới giảm 4,9% so cùng kỳ năm trước, sâu hơn mức giảm 4,5% của tháng 6. Trung Quốc đang tăng cường hỗ trợ thị trường nhà ở, lĩnh vực từng chiếm 25% nền kinh tế, như giảm lãi suất thế chấp và giảm các chi phí mua nhà.
Sự suy giảm thị trường nhà ở đã cản trở tăng trưởng kinh tế Trung Quốc. Theo các nhà phân tích, mục tiêu tăng trưởng GDP 5% của Trung Quốc năm 2024 có thể quá tham vọng ngay cả khi các chỉ số kinh tế khác như sản xuất công nghiệp đã ổn định.
Kinh tế Nhật Bản tăng trưởng vượt dự báo
Chính phủ Nhật Bản công bố số liệu cho thấy trong quý II/2024, nền kinh tế nước này tăng trưởng với tốc độ vượt dự báo, báo hiệu sự phục hồi sau đợt suy thoái trước đó. Điều này được thúc đẩy bởi sự cải thiện trong tiêu dùng tư nhân và giải ngân vốn đầu tư nhà nước, khi những tác động tiêu cực của vụ bê bối dữ liệu an toàn trong lĩnh vực ô-tô đã giảm bớt nhưng lạm phát vẫn dai dẳng do đồng tiền yên suy yếu. Cụ thể, tốc độ tăng trưởng hằng năm đã điều chỉnh theo lạm phát đạt 3,1%. GDP tăng 0,8% so với âm 0,6% của quý trước, đánh dấu mức tăng đầu tiên trong hai quý và có sự phục hồi sau khi suy giảm mạnh trong 3 tháng đầu năm. GDP Nhật Bản lần đầu vượt mức 600.000 tỷ yên (4.000 tỷ USD).
Các số liệu GDP mạnh hơn dự kiến được coi là một kết quả tích cực của đảng Dân chủ Tự do cầm quyền do Thủ tướng Kishida Fumio lãnh đạo, vốn dành nhiều nỗ lực cho mục tiêu giảm lạm phát. Việc giảm tác động của vụ bê bối ô-tô góp phần làm tăng nhu cầu trong nước, bao gồm tiêu dùng tư nhân và giải ngân vốn đầu tư nhà nước, cũng như tăng xuất khẩu. Tiêu dùng tư nhân, chiếm hơn một nửa GDP của Nhật Bản, đã tăng 1% sau 4 quý suy giảm, một sự phục hồi tương đương giai đoạn hậu khủng hoảng tài chính năm 2008. Giải ngân vốn cũng tăng 0,9%, mức tăng đầu tiên trong 2 quý, khi các công ty Nhật Bản đầu tư vào tự động hóa để giải quyết tình trạng thiếu hụt lao động.
Chính quyền Thủ tướng Kishida nhấn mạnh đến nhu cầu tăng lương nhằm hỗ trợ các gia đình. Tiền lương thực tế đã tăng lần đầu sau hơn 2 năm vào tháng 6 vừa qua, một diễn biến tích cực cho người tiêu dùng. Bên cạnh đó, chính phủ còn quyết định cắt giảm thuế thu nhập và thuế cư trú vào tháng 6 nhằm mục đích giảm lạm phát. Tăng trưởng tiền lương mạnh là một trong những yếu tố quan trọng thúc đẩy Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BoJ) tăng lãi suất lần thứ hai trong năm nay, với quyết định được đưa ra hồi tháng 7. Theo dữ liệu của Văn phòng Chính phủ Nhật Bản, xuất khẩu tăng 1,4% nhờ vào các lô hàng ô-tô đến Mỹ.
MINH KHÁNH