Trung Quốc hạ thủy tàu sân bay thứ 3 mang tên Phúc Kiến

Trung Quốc hạ thủy tàu sân bay thứ 3. Đây là phiên bản tàu sân bay đầu tiên boong phẳng, được trang bị tương tự tàu sân bay Mỹ.

Ngày 17/6, Trung Quốc hạ thủy tàu sân bay thứ 3, được đặt tên là Phúc Kiến, theo tên tỉnh ven biển phía đông nam của quốc gia này. Đây là phiên bản tàu sân bay đầu tiên boong phẳng, được trang bị tương tự tàu sân bay Mỹ.

Buổi lễ hạ thủy tàu sân bay mới tiến hành tại Nhà máy đóng tàu Giang Nam, thuộc tập đoàn Công nghiệp Đóng tàu Trung Quốc ở Thượng Hải.

Tàu sân bay thứ ba của Trung Quốc, Phúc Kiến, hạ thủy ở Thượng Hải. Video CGTN

Ủy viên Cục Chính trị Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc, Phó Chủ tịch Quân ủy Trung ương Trung Quốc, thượng tướng Hứa Kỳ Lượng trao giấy chứng nhận đặt tên cho đơn vị hải quân, tiếp nhận tàu sân bay. Tàu sân bay Phúc Kiến mang số hiệu 18.

Chiến hạm mới, được thiết kế và đóng mới hoàn toàn trong nước, là tàu sân bay boong phẳng đầu tiên của Trung Quốc, có lượng giãn nước đầy tải hơn 80.000 tấn, được trang bị máy phóng điện từ và thiết bị chặn tương tự như tàu sân bay Mỹ để phóng và hạ cánh máy bay.

Các công nghệ được sử dụng trên tàu sân bay này cho phép vận tải và chở được nhiều máy bay hơn, tăng tỷ lệ xuất kích và cho phép máy bay mang theo nhiều nhiên liệu và đạn dược hơn. Tàu sân bay cũng có thể có các máy bay cảnh báo sớm, chỉ huy trên không và máy bay vận tải nặng hơn.

Theo Global Times, các máy phóng điện từ trên tàu có thể thay đổi công suất đẩy, phù hợp với nhu cầu của nhiều loại máy bay khác nhau.

Chiến hạm có thể được trang bị máy bay chiến đấu hạng nặng J-15 nâng cấp của Trung Quốc và máy bay chiến đấu tàng hình mới, đang trong giai đoạn phát triển, J-35 - Global Times đưa tin.

Phúc Kiến là một bước tiến so với 2 tàu sân bay tiền nhiệm của Trung Quốc. Liêu Ninh, tàu sân bay của Liên Xô chưa hoàn thiện, mua từ Ukraine vào năm 1998 và được đưa vào biên chế năm 2012 sau một số nâng cấp. Kiến thức thu được từ quá trình hoàn thiện được sử dụng để đóng tàu sân bay thứ hai, lần đầu tiên sản xuất trong nước - Sơn Đông, được đưa vào biên chế năm 2019.

Cả hai đều có lượng giãn nước 60.000 tấn và sử dụng hệ thống phóng cầu nhảy. Tàu Phúc Kiến hiện vẫn “thua kém” tàu sân bay tiên tiến nhất của Mỹ, USS Gerald R. Ford, có lượng giãn nước khoảng 100.000 tấn và chạy bằng lò phản ứng hạt nhân. Mỹ hiện chỉ sở hữu một chiến hạm như vậy, chiếc thứ hai dự kiến sẽ được đưa vào biên chế năm 2024 và 2 chiếc khác đang trong quá trình đóng.

Tàu sân bay Trung Quốc chạy bằng năng lượng thông thường nhưng là tàu sân bay thứ hai trên thế giới sử dụng máy phóng điện từ trường. Tàu bắt đầu quá trình gắp đặt trang thiết bị, sau đó sẽ là các cuộc thử nghiệm trên biển.

Tàu Phúc Kiến đđặt theo tên một tỉnh ven biển đông nam Trung Quốc, gần đảo Đài Loan nhất. Tình huống này được nhiều phương tiện truyền thông phương Tây như Washington Post và CNN ghi nhận.

Cuộc hạ thủy tàu sân bay diễn ra trong bối cảnh gia tăng căng thẳng giữa Bắc Kinh và Washington về số phận Đài Loan. Tháng 5, Tổng thống Mỹ Joe Biden tuyên bố Mỹ sẽ sử dụng quân đội để bảo vệ Đài Loan nếu Trung Quốc "xâm lược" hòn đảo này.

Thông báo này được coi là sự đảo ngược đối với "Chính sách Một Trung Quốc" từ lâu Mỹ đã tuân thủ. Mỹ công nhận nhưng không tán thành chủ quyền của Trung Quốc đối với Đài Loan, thường xuyên cung cấp vũ khí cho hòn đảo.

Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken sau đó đã rút lại tuyên bố của Biden nhưng quan hệ giữa Washington và Bắc Kinh tiếp tục gia tăng căng thẳng khi Mỹ thông qua thương vụ bán vũ khí trị giá 120 triệu USD cho Đài Bắc.

Bắc Kinh đã nhiều lần tuyên bố muốn sử dụng một giải pháp hòa bình cho vấn đề thống nhất, nhưng cũng không loại trừ việc sử dụng vũ lực quân sự.

Tin liên quan