Kim ngạch xuất khẩu nông sản tăng mạnh ngay trong tháng đầu năm hứa hẹn tạo ra bước đà thuận lợi giúp ngành nông nghiệp Việt chinh phục kỷ lục trong năm mới.
Số liệu từ Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn cho biết, tổng kim ngạch xuất khẩu nông sản tháng đầu năm 2024 tăng gần 80% so với cùng kỳ năm ngoái.
Trong đó, kim ngạch xuất khẩu thủy sản đạt 730 triệu USD, tăng hơn 60%; xuất khẩu nông sản chính đạt hơn 2,7 tỷ USD, tăng gần 94% so với cùng kỳ năm 2023.
Dự báo, năm 2024 sẽ là một năm tương đối sáng đối với nhiều loại nông sản của Việt Nam, nhất là lúa gạo vẫn đang được hưởng lợi từ việc thắt chặt nguồn cung trên toàn cầu.
Theo tính toán của Hiệp gội Ngành hàng lúa gạo Việt Nam cũng như nhiều chuyên gia nông nghiệp, mức xuất khẩu gạo hoàn toàn có thể tăng mạnh để tận dụng giá và nhu cầu cao ở thị trường thế giới mà vẫn đảm bảo an ninh lương thực.
Đơn hàng lớn đến với ngành lúa gạo ngay trong những ngày đầu năm 2024. Năm doanh nghiệp gồm Tập đoàn Lộc Trời, Vinafood 1, Vinafood 2, Xuất nhập khẩu Kiên Giang và Lương thực Phát Tài đã trúng 8/17 gói thầu cung ứng gạo từ Cơ quan hậu cần quốc gia Indonesia.
Thủy sản cũng là ngành hàng nhận được nhiều kỳ vọng trong năm 2024. Trên thực tế, xuất khẩu thủy sản đã lấy lại được đà tăng trưởng mạnh từ giai đoạn cuối năm 2023, nhờ vào những tín hiệu tích cực từ các thị trường trọng điểm.
Theo dự báo của Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), xuất khẩu thủy sản sẽ phục hồi dần trong năm 2024, đặc biệt sẽ khởi sắc vào giai đoạn nửa cuối năm.
Nhiều dấu hiệu tốt cũng đến với ngành hàng rau củ quả. Ngay trong tháng đầu năm, nhiều loại nông sản như xoài, thanh long, chuối… đã nhận được đơn hàng đi các thị trường lớn như Mỹ, Úc và Trung Quốc.
Sầu riêng tiếp tục là “ngôi sao” của ngành hàng rau củ quả. Xuất khẩu sầu riêng đạt 2,1 tỷ USD và dự báo mức xuất khẩu sẽ tăng đến 30% trong năm 2024. Một đơn vị sản xuất sầu riêng là Western Farm, cho biết, doanh nghiệp này ký kết được nhiều đơn hàng cho cả quý II/2024.
Không ít thách thức
Có bước khởi đầu thuận lợi nhưng tình hình năm 2024 được dự báo vẫn còn đặt ra rất nhiều khó khăn, thách thức đối với xuất khẩu nông sản, đặc biệt khi nền kinh tế toàn cầu chưa nắm chắc triển vọng phục hồi, các diễn biến chính trị, kinh tế vẫn tiếp tục khó đoán định.
Bên cạnh đó, nông sản Việt phải đối mặt với các hàng rào thương mại từ nhiều thị trường lớn. Tiêu biểu như mới đây, Hiệp hội Chế biến tôm Hoa Kỳ đã đề nghị áp thuế chống trợ cấp đối với tôm Việt Nam và một số nước khác. Liên minh châu Âu (EU) cũng ban hành hạn mức nhập khẩu với năm loại nông sản của Việt Nam.
Ngay cả Trung Quốc, thị trường hàng đầu của nông sản Việt và từ lâu được xem như một thị trường dễ tính, cũng đang từng bước nâng cao tiêu chuẩn đối với hàng nhập khẩu.
Tình thế này đặt các nhà sản xuất, xuất khẩu nông sản vào thế tương đối khó khăn, phải tìm cách thay đổi để thích ứng với các quy định mới.
Một khó khăn khác đặt ra cho xuất khẩu nông sản là những căng thẳng tại khu vực Biển Đỏ dẫn đến tăng cước phí và thời gian vận tải biển, ảnh hưởng lớn đến năng lực cạnh tranh của nông sản.
Trong bối cảnh đó, các mặt hàng nông sản chủ lực của Việt Nam đã và đang từng bước xây dựng được thương hiệu kỳ vọng sẽ giữ vững phong độ để thắng lớn trong năm 2024.
Tuy nhiên, áp lực nặng nề đặt ra đối với một số ngành hàng có sức cạnh tranh thấp như chăn nuôi, mía đường…
Hoàng Đông