Bộ Ngoại giao New Zealand vừa xác nhận Chính phủ Ukraine đã chính thức gửi đơn đề nghị gia nhập hiệp định thương mại tự do CPTPP.
Anh là quốc gia gần nhất xin gia nhập Hiệp định CPTPP và đã kết thúc đàm phán với 11 quốc gia thành viên hiện nay của hiệp định thương mại tự do này. (Ảnh: gov.uk)
Cuối tuần trước, người phát ngôn Bộ Ngoại giao New Zealand cho biết New Zealand đã chính thức nhận được yêu cầu xin gia nhập Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) từ Chính phủ Ukraine. New Zealand hiện là quốc gia thực hiện các chức năng lưu trữ pháp lý của Hiệp định CPTPP, bao gồm việc tiếp nhận yêu cầu tham gia Hiệp định.
Bộ Ngoại giao New Zealand cho biết các bước tiếp theo trong tiến trình đàm phán gia nhập của Ukraine sẽ được quyết định bởi tất cả thành viên của Hiệp định CPTPP. Một nước mới muốn gia nhập Hiệp định này sẽ cần đạt được sự đồng ý của tất cả các nước thành viên hiện hữu.
Các quốc gia thành viên Hiệp định này dự kiến có cuộc họp cấp bộ trưởng tại thành phố Auckland, New Zealand vào ngày 15 - 16/7 tới đây. Trước thềm phiên họp, Bộ trưởng Kinh tế Nhật Bản Shigeyuki Goto đã lên tiếng xác nhận việc Ukraine đã xin gia nhập Hiệp định CPTPP. Ông Shigeyuki Goto cũng cho biết, Nhật Bản - với tư cách là một thành viên của Hiệp định CPTPP sẽ đánh giá kỹ lưỡng liệu Ukraine có đáp ứng đầy đủ các tiêu chí để gia nhập Hiệp định hay không.
Hiệp định CPTPP được thành lập vào năm 2018, với 11 quốc gia thành viên ban đầu, gồm: Việt Nam, Australia, Brunei, Canada, Chile, Nhật Bản, Malaysia, Mexico, Peru, New Zealand, và Singapore. Qua đó, tạo ra một khu vực thị trường chung với quy mô dân số khoảng 500 triệu người, chiếm khoảng 13,5% tổng GDP toàn cầu. Đây được xem là hiệp định thương mại tự do lớn thứ ba thế giới hiện nay.
Xem thêm bài viết: "Xung lực từ CPTPP sẽ thúc đẩy hợp tác thương mại đầu tư Việt Nam - Chile lên tầm cao mới" trên Tạp chí Công Thương tại đây.
Vào ngày 31/3 vừa qua, cuộc họp cấp bộ trưởng giữa Anh với 11 quốc gia thuộc Hiệp định CPTPP đã kết thúc thành công với tuyên bố chung kết thúc quá trình đàm phán gia nhập Hiệp định này của Anh - nền kinh tế lớn thứ 6 thế giới hiện nay.
Động thái này sẽ mở đường cho việc ký kết chấp thuận Anh trở thành quốc gia thứ 12 của Hiệp định CPTPP dự kiến diễn ra vào cuối năm nay, và việc phê chuẩn chính thức tại 11 quốc gia thành viên ban đầu dự kiến diễn ra trong năm 2024.
Các chuyên gia phân tích cho biết, việc kết nạp thêm Anh sẽ bổ sung và củng cố các hiệp định thương mại song phương mà Anh đã ký kết với các nước thành viên Hiệp định CPTPP, trong đó có Việt Nam. Một số mặt hàng xuất khẩu sang Anh của các nước thành viên, vốn chưa được miễn giảm thuế dựa trên các hiệp định song phương, sẽ được áp dụng mức thuế ưu đãi hơn trong khuôn khổ Hiệp định CPTPP.
Ở chiều ngược lại, Anh cũng có thể tăng xuất khẩu nhiều nhóm sản phẩm chủ lực của nước này, cũng như mở rộng việc đầu tư hơn nữa sang 11 quốc gia thành viên Hiệp định CPTPP. Sau khi kết nạp thêm Anh, tổng quy mô GDP của các nước thành viên Hiệp định CPTPP ước đạt hơn 13.600 tỷ USD.
Trung Quốc nỗ lực kìm hãm sự mất giá của đồng Nhân dân tệ với đồng USD Tường Vy