Theo thông tin từ Cushman & Wakefield, có đến 3 lĩnh vực bất động sản được các nhà đầu tư nước ngoài quan tâm là nhà ở, văn phòng, công nghiệp. Vậy loại hình nào được “đại bàng” ngoại quốc quan tâm nhất?
Theo thông tin từ Cushman & Wakefield, có đến 3 lĩnh vực bất động sản được các nhà đầu tư nước ngoài quan tâm là nhà ở, văn phòng, công nghiệp. Vậy loại hình nào được “đại bàng” ngoại quốc quan tâm nhất?
Đại diện Cushman & Wakefield (công ty môi giới đầu tư bất động sản thương mại) cho rằng, Việt Nam đã và đang tiếp tục lọt vào “tầm ngắm” của một lượng lớn nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI).
Nhìn vào biểu đồ có thể nhận thấy, các nhà đầu tư ngoại quốc vẫn chiếm phần lớn trong hoạt động giao dịch, thu mua và đầu tư bất động sản. Việc thất thế trên chính sân nhà là do doanh nghiệp trong nước hiện đang phải đối mặt với nhiều yếu tố bất lợi như: tình hình khó khăn chung của nền kinh tế, pháp lý dự án chưa được tháo gỡ, trái phiếu doanh nghiệp còn nhiều bất cập, chưa tiếp cận được dòng vốn.
Chỉ trong 9 tháng đầu năm 2023, Việt Nam ghi nhận tổng lượng vốn đầu tư và M&A bất động sản đạt khoảng 4,2 tỷ USD, trong đó loại hình nhà ở và công nghiệp chiếm tỷ trọng lần lượng 46% và 28%. Điều này cho thấy khẩu vị của nhà đầu tư nước ngoài vẫn tập trung vào các loại tài sản truyền thống tại Việt Nam, phục vụ chính cho nhu cầu “an cư, lạc nghiệp”.
Thị trường nhà ở cao cấp - sự lựa chọn hàng đầu của các nhà đầu tư nước ngoài
Theo Tổng Giám đốc Cushman & Wakefield, kể từ khi thị trường bất động sản Việt Nam hình thành, phân khúc nhà ở luôn là loại hình hấp dẫn cả nhà đầu tư nội và ngoại. Nhờ vào dân số Việt Nam được xếp vào nhóm các nước đông dân đứng thứ 15 trên thế giới với 100 triệu người. Khoảng 70% dân số tại Việt Nam hiện trong độ tuổi 15-64, kéo theo thu nhập tăng, tốc độ đô thị hóa nhanh đặc biệt ở Hà Nội và TP.HCM càng tăng tính hấp dẫn đối với thị trường nhà ở.
Hơn 15 năm trước, dòng vốn FDI chỉ tập trung ở phân khúc nhà ở cao cấp. Những tên tuổi đã rất quen thuộc trên thị trường như Keppel Land, Capitaland với các dự án bất động sản cao cấp đầu tiên tại Việt Nam như The Estella hoặc The Vista được đưa ra chào bán trên thị trường. Với tổng nguồn cung căn hộ cao cấp tại TP. HCM thời điểm đó là khoảng 1.700 căn, trong đó có khoảng 1.000 căn đến từ các dự án có vốn FDI.
Đến hiện tại, thị trường bắt đầu trở nên quen thuộc với tên tuổi của những “ông lớn” chuyên đầu tư FDI khác như Hong Kong Land, Frasers Property hoặc Mapletree. Ngoài ra, còn có các nhà đầu tư uy tín đến từ Nhật Bản như Daiwa House, Nomura và Sumitomo đầu tư dự án ở quận 7, hoặc tập đoàn Hàn Quốc như Lotte Group, GS đầu tư ở Khu đô thị mới Thủ Thiêm. Điều này đã khiến số lượng căn hộ cao cấp của khối ngoại tại TP.HCM đạt 23.800 căn vào quý 3/2023.
Sau nhà ở, các “ông lớn” ngoại quốc còn quan tâm đến phân khúc bất động sản nào?
Theo Cushman & Wakefield, sau nhà ở, bất động sản công nghiệp và hậu cần cũng được nhiều nhà đầu tư quan tâm nhờ vào sự phát triển của ngành sản xuất và xuất khẩu, thương mại điện tử, vận tải và kho bãi.
Ngành sản xuất chế biến, chế tạo chiếm phần lớn trong tổng vốn FDI, nhiều doanh nghiệp đang quan tâm tới Việt Nam như một điểm đến mới cho việc mở rộng sản xuất từ Trung Quốc sang khu vực Đông Nam Á.
Một số khoản đầu tư được công bố gần đây bao gồm Frasers Property Vietnam thông báo về việc hợp tác với Gelex Group - tập đoàn đầu tư đa ngành hàng đầu trong nước, để cùng phát triển danh mục đầu tư các khu công nghiệp và mở rộng thị trường bất động sản công nghiệp trên khắp miền Bắc với tổng vốn dự kiến khoảng 250 triệu USD.
Hay như thương vụ Foxconn thuê thêm đất tại Việt Nam, tổng giá trị khoảng 100 triệu USD tại Khu công nghiệp Quang Châu và Khu công nghiệp WHA 1… Ngoài các nhà đầu tư châu Á, sự quan tâm của các quốc gia châu Âu và Mỹ đến thị trường bất động sản Việt Nam cũng ngày càng tăng.
Bên cạnh đó, các quỹ đầu tư nước ngoài vẫn tiếp tục tìm kiếm cơ hội đầu tư vào các bất động sản văn phòng có vị trí tốt ở Việt Nam, đặc biệt là ở TP.HCM.
Trong vòng 5 năm qua, khi giá thuê và công suất cho thuê của các tòa nhà văn phòng được cải thiện, đặc biệt với các tòa nhà văn phòng hạng A có chất lượng tốt, vị trí đắc địa, đã tạo nên sự khan hiếm cho thị trường. Đáng chú ý, năm 2022 thị trường văn phòng lần đầu tiên ghi nhận một thương vụ M&A lớn kỷ lục với giá trị 557 triệu USD.
Sau 2 năm hoạt động đầu tư bất động sản nghỉ dưỡng chững lại dưới tác động tiêu cực của đại dịch Covid-19 thì từ năm 2022 đến nay, thị trường đã bắt đầu ghi nhận sự xuất hiện của các thương vụ giao dịch thuộc lĩnh vực bất động sản nghỉ dưỡng, điển hình như thương vụ bán 2 khách sạn ibis Saigon South và Capri by Fraser tại TP.HCM.
Phương Uyên