Ngân hàng thiếu dự án để cho vay
Mặc dù rất mong muốn được giải ngân nguồn vốn từ gói tín dụng 120 nghìn tỷ đồng cho các doanh nghiệp phát triển nhà ở xã hội nhưng theo Tổng giám đốc Ngân hàng TMCP Đầu tư và phát triển Việt Nam (BIDV) Lê Ngọc Lâm, việc tiếp cận với các khách hàng, dự án để cho vay hiện đang gặp khó.
Hiện BIDV đã tiếp cận tám dự án, phê duyệt bốn dự án với gần 1.000 tỷ đồng nhưng mới giải ngân 96 tỷ đồng.
"Ngân hàng rất mong được tiếp cận với khách hàng để cho vay, rất cần có dự án, có khách hàng để giải ngân. Ngân hàng sẵn sàng cho vay với các chủ đầu tư tốt, sẵn sàng cho vay 20 năm để cho thuê nhà ở xã hội…
Thời gian qua, ngân hàng cũng liên tục giục các doanh nghiệp hoàn thành các thủ tục để giải ngân, nhưng nhiều doanh nghiệp không muốn vay, do đang dùng vốn tự có", ông Lâm chia sẻ.
Bên cạnh đó, theo vị lãnh đạo ngân hàng này, các doanh nghiệp hiện chưa mặn mà với việc phát triển nhà ở xã hội. Nguyên nhân là do lợi nhuận đầu tư bị giới hạn, đối tượng mua nhà thu hẹp bởi nhiều điều kiện khiến đầu ra của sản phẩm bị hạn chế.
Trong tình cảnh tương tự, Tổng giám đốc Vietcombank Nguyễn Thanh Tùng cũng cho biết, Vietcombank rất mong muốn được cho vay theo gói 120 nghìn tỷ đồng, song các dự án để có đủ điều kiện về pháp lý và đủ kiều kiện vay đang gặp rất nhiều khó khăn.
Đến thời điểm hiện nay, Vietcombank đang tiếp cận 21 dự án, gồm cả dự án đã đủ điều kiện pháp lý và các dự án đang hoàn thiện pháp lý. Tuy nhiên, hiện ngân hàng mới chỉ ký kết hợp đồng tín dụng với một khách hàng, tổng quy mô vay vốn khoảng 500 tỷ đồng.
Khó khăn trong việc tiếp cận các dự án đã khiến việc giải ngân gói 120 nghìn tỷ đồng cho vay nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, dự án cải tạo, xây dựng lại chung cư đạt kết quả rất khiêm tốn.
Theo đại diện Vụ Tín dụng các ngành kinh tế, Ngân hàng Nhà nước, đến nay cả nước mới có 28 UBND tỉnh gửi văn bản hoặc công bố trên cổng thông tin điện tử về danh mục dự án tham gia chương trình với 68 dự án.
Một số tỉnh thành đã công bố dự án như Hà Nội, TP. HCM, Bắc Ninh, Bình Định nhưng trong 68 dự án thuộc 28 tỉnh thành, chỉ có 30 dự án có nhu cầu vay vốn, các dự án còn lại không có nhu cầu vay vốn do đã hoàn thành hoặc đã thu xếp nguồn vốn khác.
Trong số 30 dự án có nhu cầu vay vốn, các ngân hàng thương mại đã cam kết cấp tín dụng cho 15 dự án với số tiền cam kết là khoảng 7.000 tỷ đồng. Trong đó, có 10 dự án đã có nhu cầu giải ngân bao gồm bảy dự án cấp tín dụng cho chủ đầu tư, hai dự án cấp tín dụng đối với người mua nhà và một dự án cấp tín dụng cho cả chủ đầu tư và người mua nhà.
Số tiền cam kết cấp tín dụng cho tám chủ đầu dự án là 1.965 tỷ đồng, đã được giải ngân 640 tỷ đồng. Cam kết cấp tín dụng cho người mua nhà tại ba dự án có số tiền 7 tỷ đồng, số tiền đã giải ngân là 6 tỷ đồng.
Cần sự vào cuộc đồng bộ
Để đẩy nhanh tiến độ giải ngân gói tín dụng 120 nghìn tỷ đồng, ông Lâm cho rằng, nguồn cung dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, dự án cải tạo, xây dựng lại chung cư cần được đẩy mạnh.
Bộ Xây dựng cần tham mưu mở rộng đối tượng người mua nhà cũng như tạo điều kiện khuyến khích các nhà đầu tư tham gia phát triển dự án nhà ở xã hội.
Tại Hội nghị trực tuyến đẩy mạnh triển khai chương trình 120 nghìn tỷ đồng cho vay nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, dự án cải tạo, xây dựng lại chung cư do Ngân hàng Nhà nước tổ chức, Phó thống đốc thường trực Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú cũng cho rằng, để đẩy mạnh chương trình 120.000 tỷ đồng, cần có sự vào cuộc đồng bộ của hệ thống chính trị, các bộ, ngành, địa phương, đẩy nhanh tiến độ triển khai đề án xây dựng ít nhất một triệu căn hộ.
Đề án này được triển khai hiệu quả mới có thể tạo ra các dự án nhà ở để các ngân hàng thương mại xem xét cho vay.
Tính đến thời điểm hiện tại, sau hơn một năm triển khai đã có 499 dự án nhà ở xã hội đang triển khai. Trong đó, hoàn thành 71 dự án với 37 ngàn căn và số lượng đã khởi công xây dựng là 127 dự án/107 ngàn căn. Số lượng dự án đã được chấp thuận đầu tư là 301 dự án, quy mô là 265 ngàn căn.
Ông Tú yêu cầu các đơn vị tại Ngân hàng Nhà nước theo dõi chặt chẽ diễn biến tình hình lãi suất trên thị trường để kịp thời đề xuất, báo cáo về lãi suất áp dụng của chương trình 120 nghìn tỷ đồng, đảm bảo tính chất hỗ trợ của chương trình theo quy định tại Nghị quyết 33/NQ-CP.
Ngân hàng Nhà nước chi nhánh các tỉnh, thành phố, tiếp tục tuyên truyền, chỉ đạo các chi nhánh trên địa bàn đẩy mạnh công tác truyền thông về chương trình có những hội nghị đầy đủ về gói 120 nghìn tỷ đồng một cách rõ ràng về cơ chế, chính sách, điều kiện, thủ tục, quy trình để ngân hàng thương mại và các doanh nghiệp cùng phối hợp triển khai.
Các ngân hàng phải phối hợp với chính quyền địa phương để đôn đốc, thúc đẩy tháo gỡ sớm nhất về mặt pháp lý cho các doanh nghiệp và hỗ trợ doanh nghiệp. Các địa phương và ngân hàng phải nắm rất sát từng dự án, xem xétcó nhu cầu vay và các vướng mắc của từng doanh nghiệp.
Mặt khác, theo ông Tú, các chủ đầu tư dự án cũng cần phối hợp với chính quyền địa phương chủ động nguồn lực của mình, tăng cường năng lực tài chính, hoàn thiện pháp lý của dự án để đảm bảo tính chất khả thi, đủ điều kiện vay vốn ngân hàng.
An Chi