Nhà đầu tư nước ngoài đua nhau lập 'chợ' ở Hà Nội

Một tổ hợp trung tâm thương mại, khách sạn đang dần được hình thành tại Tây Hồ Tây, có sự góp mặt của các nhà đầu tư nước ngoài có tiếng tăm và tập đoàn Thaco…

Nhà đầu tư nước ngoài đua nhau lập 'chợ' ở Hà Nội
Toàn cảnh khu đô thị Starlake Tây Hồ Tây

Khu đô thị Starlake Tây Hồ Tây (khu đô thị Tây Hồ Tây) được đầu tư xây dựng bởi Tập đoàn Daewoo E&C, dọc con đường Hoàng Minh Thảo đã góp mặt những dự án lớn như trung tâm thương mại Takashimaya, CJ, Emart, khách sạn 5 sao Shilla và D&R Samsung.

Khu đô thị sầm uất này nằm trên trục đường Nguyễn Văn Huyên kéo dài (nay là đường Xuân Tảo), Tây Hồ, Hà Nội. Dự án thuộc địa giới hành chính các phường Xuân La, quận Tây Hồ, phường Nghĩa Đô, quận Cầu Giấy, phường Xuân Đỉnh, quận Bắc Từ Liêm. Sự góp mặt của nhiều ông lớn trong và ngoài nước về phát triển bất động sản thương mại tại dự án Starlake Tây Hồ Tây hứa hẹn sẽ mang đến nhiều tín hiệu tích cực cho thị trường trong khu vực.

Dự án Starlake Tây Hồ Tây do Tập đoàn Daewoo E&C (Hàn Quốc) làm chủ đầu tư, Công ty trách nhiệm hữu hạn phát triển THT là chủ dự án có tổng diện tích 186,3ha, tổng vốn đầu tư 548 triệu USD. Hiện, toàn bộ 114 ha thuộc giai đoạn 1 của dự án đã được giải phóng mặt bằng, bàn giao cho chủ đầu tư và đang dần hoàn thiện hệ thống hạ tầng kỹ thuật.

Theo đó, dự án này dành tới 31ha cho xây dựng quảng trường trung tâm và trụ sở các cơ quan hành chính, 8ha cho hệ thống giáo dục, 27ha cho trung tâm thương mại và kinh doanh, 4,5ha cho hồ điều hòa, và chỉ 16% diện tích dành cho nhà ở.

TRUNG TÂM THƯƠNG MẠI TAKASHIMAYA

Tập đoàn Takashimaya đã mua lại một lô đất từ chủ đầu tư Daewoo E&C năm 2019 và lên kế hoạch phát triển trung tâm thương mại trong giai đoạn 2025 – 2027.

Trung tâm thương mại Takashimaya được xây dựng trên quỹ đất rộng hơn 1,7ha do hai doanh nghiệp THT Development và Toshin Development thuộc Tập đoàn Takashimaya phát triển.

Nhà đầu tư nước ngoài đua nhau lập 'chợ' ở Hà Nội 2
Dự án trung tâm thương mại Takashimaya được xây dựng tại lô đất C1-CC1

Dự án này được định hướng trở thành một trung tâm thương mại dịch vụ mang đậm nét văn hóa Nhật Bản và khối tháp là tổ hợp văn phòng hạng A tại lô đất C1-CC1 nằm bên phải đường Xuân Tảo thuộc khu đô thị Starlake Tây Hồ Tây.

Về Takashimaya, đây là một tập đoàn chuyên phát triển trong ngành bán lẻ tại các trung tâm thương mại lớn của Nhật Bản. Tập đoàn kinh doanh đa dạng các mặt hàng từ quần áo, giày dép, trang sức, thực phẩm, đồ điện tử.

KHÁCH SẠN SHILLA

Đối diện trung tâm thương mại Takashimaya, nhìn từ trục đường Xuân Tảo là dự án khách sạn 5 sao Shilla (Shilla Hotel), do Daewoo E&C Hàn Quốc làm chủ đầu tư. Dự án được xây dựng trên lô đất B3-CC1 với tổng diện tích xây dựng hơn 1ha.

Dự án gồm có 2 tòa tháp với chiều cao 35 tầng và 3 tầng hầm, nằm đối diện dự án Han Jardin với chức năng khách sạn 5 sao, văn phòng, căn hộ dịch vụ và khối đế bán lẻ. Ước tính tổng mức đầu tư của là dự là 9.000 tỷ đồng, dự kiến dự án sẽ hoàn thành vào năm 2024.

Giới đầu tư đã đánh giá, đây là một trong những lô đất có vị trí đẹp nhất tại ngã tư Nguyễn Văn Huyên (đường Xuân Tảo) kéo dài và đường Hoàng Minh Thảo.

Nhà đầu tư nước ngoài đua nhau lập 'chợ' ở Hà Nội 3
Phối cảnh toà tháp đôi khách sạn Shilla

Trước đó, Daewoo E&C đã ký hợp đồng phát triển đầu tư trị giá 388 triệu USD với Ngân hàng Phát triển Hàn Quốc và các tổ chức tài chính khác của Hàn Quốc vào ngày 20/1/2020 để xây dựng các tòa nhà, bao gồm một khách sạn và các tòa nhà dân cư và thương mại bên trong khu đô thị Starlake tại Hà Nội.

Được biết, Daewoo E&C là một trong bốn tập đoàn xây dựng hàng đầu của Hàn Quốc. Tập đoàn đã đầu tư và phát triển hơn 300 dự án tại hơn 47 quốc gia và vùng lãnh thổ trên toàn thế giới.

TRUNG TÂM THƯƠNG MẠI CJ – HÀN QUỐC

Cuối tháng 7 năm 2018, cũng tại Starlake Tây Hồ Tây, Công ty TNHH Phát triển THT đã ký hợp đồng đặt cọc chuyển nhượng hai khu đất thương mại B2-CC1 và B2-CC2 với Tập đoàn CJ của Hàn Quốc.

Theo nguồn tin của Thương gia, nhà đầu tư Hàn Quốc sẽ xây dựng trung tâm thương mại hiện đại. Tổng diện tích mà Tập đoàn CJ sở hữu là 1,7ha.

CJ là tập đoàn đa quốc gia được đặt trụ sở chính tại Seoul, Hàn Quốc. Tập đoàn này hoạt động trong nhiều lĩnh vực khác nhau như thực phẩm, dược phẩm và công nghệ sinh học, lĩnh vực truyền thông giải trí và cả bất động sản… Ban đầu, CJ là một chi nhánh của tập đoàn Samsung nhưng sau một thời gian hoạt động thì CJ đã tách ra độc lập.

Nhà đầu tư nước ngoài đua nhau lập 'chợ' ở Hà Nội 4
Dự án của Tập đoàn CJ sẽ xây dựng tại lô đất B2-CC1 và B2-CC2

Tập đoàn này có mặt tại Việt Nam từ năm 1999 với việc thành lập công ty TNHH CJ Vina Agri chuyên sản xuất và kinh doanh thức ăn chăn nuôi. Hiện CJ Agri là một trong những doanh nghiệp sản xuất thức ăn chăn nuôi lớn với 3 nhà máy tại Long An, Vĩnh Long, Hưng Yên.

Sự hiện diện của CJ trong lĩnh vực truyền thông giải trí phải kể đến việc mua lại gần hết cổ phần của đối tác nước ngoài Envoy Media Partners (80% vốn liên doanh) trong liên doanh CTCP truyền thông Megastar, 20% còn lại thuộc về công ty văn hóa Phương Nam vào năm 2011. Sau khi mua lại cổ phần, cụm rạp này được đổi tên thành CGV và là một trong những cụm rạp chiếu phim lớn và phát triển nhanh ở Việt Nam hiện nay.

Về lĩnh vực thực phẩm, 2 thương hiệu TOUR les JOUR và bibigo! của CJ đã có mặt tại Việt Nam cũng như xây dựng nhà máy sản xuất trong lĩnh vực thực phẩm, thành lập công ty TNHH CJ Freshway tại Việt Nam.

D&R SAMSUNG

Nằm chễm chệ trong lô đất B1-CC3 tại trung tâm Starlake Tây Hồ Tây, dự án Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển (R&D) của Samsung là cơ sở R&D lớn nhất Đông Nam Á của tập đoàn này. R&D Samsung được khởi công từ tháng 3/2020, xây dựng khu đất rộng 1,1ha, quy mô đầu tư khoảng 220 triệu USD, với tổng diện tích sàn 79.511 m2, gồm 3 tầng hầm và 16 tầng nổi.

Nhà đầu tư nước ngoài đua nhau lập 'chợ' ở Hà Nội 5
Lễ khánh thành Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển (R&D) của Samsung

Vào ngày 23/12/2022 dự án này đã chính thức được khánh thành và đưa vào hoạt động. Dự kiến, trung tâm sẽ đóng vai trò chính trong việc phát triển phần mềm cho điện thoại thông minh chạy hệ điều hành Android và nghiên cứu về công nghệ mạng 5G và 6G.

EMART HÀN QUỐC

Tháng 9/2018, EMart Hàn Quốc và Công ty TNHH Phát triển THT đã ký thỏa thuận đặt cọc chuyển nhượng lô đất thương mại B1-CC1 và B1-CC2 trong dự án Starlake Tây Hồ Tây.

EMart được thành lập vào năm 1993, tập đoàn đã vươn lên dẫn đầu toàn bộ khu vực Châu Á trong ngành bán lẻ với hơn 160 siêu thị lớn nhỏ tại khắp các quốc gia như Hàn Quốc, Trung Quốc, Việt Nam và Mông Cổ. EMart đã ra mắt lần đầu tiên tại TP. HCM vào năm 2015 với siêu thị rộng 3ha, tổng vốn đầu tư lên tới 60 triệu USD, tương đương 1.350 tỷ đồng.

Nhà đầu tư nước ngoài đua nhau lập 'chợ' ở Hà Nội 6
Phối cảnh dự án EMart

Năm 2022 Thaco hoàn tất ký kết thỏa thuận chuyển nhượng vốn và nhượng quyền độc quyền hoạt động kinh doanh với Emart Inc. tại Việt Nam. Đến cuối năm 2023, Công ty Đại Quang Minh (Thadico) được chấp thuận là nhà đầu tư thực hiện dự án Trung tâm thương mại dịch vụ và mua sắm tại ô đất B1-CC1-2 trong khu đô thị Tây Hồ Tây.

Khu đất trên rộng 2,4ha thuộc khu trung tâm khu đô thị Starlake Tây Hồ Tây, mà Công ty Đại Quang Minh mua lại từ chủ đầu tư khu đô thị này là Công ty TNHH Phát triển THT. Giá trị của thương vụ không được công bố, nhưng giá trị dự án theo chứng nhận đầu tư là 554 tỷ đồng.

Công ty Đại Quang Minh là công ty bất động sản do Thaco nắm phần lớn vốn, như vậy, đại siêu thị Emart Tây Hồ Tây sẽ là mục tiêu tiếp theo của Thaco, tiến tới mở rộng hệ thống Emart lên 10 đại siêu thị trên toàn quốc vào năm 2025 và doanh thu 1 tỷ USD vào năm 2026.