Ông chủ phía sau hệ sinh thái nghìn tỷ của Taseco là ai?

Taseco Group không chỉ được biết đến là ông lớn trong lĩnh vực bán lẻ tại sân bay mà còn được nhắc nhiều trên thị trường bất động sản với loạt dự án quy mô nghìn tỷ...

Ông chủ phía sau hệ sinh thái nghìn tỷ của Taseco là ai?

Ông Phạm Ngọc Thanh, Chủ tịch HĐQT Taseco Group

Với hai trụ cột chính là Taseco Airs và Taseco Land, Công ty Cổ phần Tập đoàn Taseco (Taseco Group) được biết đến là doanh nghiệp nghìn tỷ, nhưng thông tin tài chính của doanh nghiệp vẫn là một điều gây tò mò cho nhà đầu tư, giới quan sát.

ĐẠI GIA GỐC NAM ĐỊNH

Taseco là cơ nghiệp của đại gia Phạm Ngọc Thanh. Vị doanh nhân này sinh năm 1967, từng là “dân chuyên” trường Lê Hồng Phong, ngôi trường trung học có lịch sử trăm năm, xếp hàng đầu về thành tích đào tạo của tỉnh Nam Định.

Sau đó, ông Thanh tốt nghiệp Đại học Tài chính Kế toán Hà Nội và đã có hơn 25 năm kinh nghiệm trong ngành hàng không. Giai đoạn từ 1998 - 1999, ông làm kế toán tại Công ty Xây dựng số 1 – TCT Xây dựng Hà Nội. Từ năm 1999, ông Thanh bắt đầu chuyển sang ngành hàng không, cụ thể, đến năm 2006, ông đảm nhiệm vị trí kế toán tổng hợp tại Công ty Cổ phần Dịch vụ hàng không Sân bay Nội Bài.

Từ năm 2006 - 2007 làm Phó Trưởng phòng Tài chính – Kế toán Công ty Cổ phần Dịch vụ hàng không Sân bay Nội Bài; từ 6/2007 - 8/2007 làm Kế toán trưởng Công ty cổ phần Đầu tư kinh doanh và Phát triển Hạ tầng Khu công nghiệp Phúc Hà.

Và từ 8/2007 đến nay, ông Thanh nắm giữ vị trí Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Cổ phần Tập đoàn Taseco; Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Đầu tư Khai thác nhà ga Quốc tế Đà Nẵng; Thành viên HĐQT Công ty Cổ phần Đầu tư kinh doanh và Phát triển hạ tầng Khu công nghiệp Phúc Hà; Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Dịch vụ Hàng không Taseco (mã chứng khoán: AST).

Ông Phạm Ngọc Thanh có người vợ là bà Đoàn Thị Phương Thảo. Hiện nay, bà Thảo cũng đang nắm giữ hàng triệu cổ phiếu ở nhiều công ty con trong hệ sinh thái Taseco. Ví dụ, tại Công ty Cổ phần Đầu tư Bất động sản Taseco, vợ ông Thanh sở hữu 9,5 triệu cổ phiếu (3,52%) và ngay cả bố mẹ vợ ông Thanh sở hữu tổng cộng 1,7 triệu cổ phiếu (0,63%).

TOÀN CẢNH HỆ SINH THÁI TASECO GROUP

Về Taseco Group, sau gần 20 năm phát triển, Taseco đã hình thành nên một hệ sinh thái rộng lớn, với mô hình là một tập đoàn đa ngành. Trong đó, Công ty Cổ phần Tập đoàn Taseco là công ty mẹ. Dưới công ty này là 2 công ty con cấp một, 14 công ty con cấp hai và 5 công ty liên kết.

Tập đoàn này đầu tư, kinh doanh 3 lĩnh vực chính là: Kinh doanh bất động sản; Dịch vụ phi hàng không, khách sạn và đầu tư tài chính.

Theo tìm hiểu của Thương gia, Công ty Cổ phần Tập đoàn Taseco được thành lập năm 2005, tiền thân là Công ty cổ phần Dịch vụ hàng không Thăng Long. Trụ sở chính tại tầng 1, tòa nhà N02-T1, Khu Đoàn Ngoại Giao, phường Xuân Tảo, quận Bắc Từ Liêm, thành phố Hà Nội.

Công ty có 8 cổ đông sáng lập gồm: ông Phạm Ngọc Thanh, ông Nguyễn Minh Hải, bà Nguyễn Thị Minh Nguyệt, ông Phạm Thanh Kỳ, ông Nguyễn Thanh Sơn, bà Nguyễn Thị Ánh, bà Lê Thị Xuân Hoa và bà Nguyễn Thị Hoàng Sa.

Theo đăng ký kinh doanh, trước tháng 11/2016, công ty mẹ có vốn điều lệ 150 tỷ đồng. Lúc này, ông Phạm Ngọc Thanh và ông Nguyễn Minh Hải nắm giữ tỷ lệ cao nhất, 22% và 14,5%. Còn lại là bà Phạm Thanh Kỳ (10%), bà Nguyễn Thị Minh Nguyệt (6%), ông Nguyễn Thanh Sơn (1%); các cổ đông còn lại đã thoái vốn gồm: Nguyễn Thị Ánh, Nguyễn Thị Hoàng Sa, Lê Thị Xuân Hoa.

Ông chủ phía sau hệ sinh thái nghìn tỷ của Taseco là ai? 2

Taseco Airs sở hữu chuỗi cửa hàng bán lẻ sân bay lớn nhất Việt Nam với 108 cửa hàng phủ khắp các sân bay lớn

Tháng 11/2016, công ty mẹ tăng vốn lên 250 tỷ đồng. 1 tháng sau đó tăng tiếp lên 300 tỷ đồng, nhưng tỷ lệ sở hữu của các cá nhân trên không đổi.

Một năm sau, công ty tiếp tục tăng vốn lên 450 tỷ đồng và lúc này, ông Phạm Ngọc Thanh giảm tỷ lệ sở hữu xuống chỉ còn 17%, ông Nguyễn Minh Hải giảm xuống 13,5%. Cổ đông Nguyễn Thị Ánh Nguyệt và Nguyễn Thanh Sơn giữ nguyên tỷ lệ sở hữu, trong khi đó, ông Phạm Thanh Kỳ thoái vốn.

Cuối tháng 12/2017, công ty tăng vốn lên 504 tỷ đồng rồi từ đó liên tiếp tăng vốn: 630 tỷ đồng (tháng 3/2018); 819 tỷ đồng (tháng 9/2018); 901 tỷ đồng (tháng 12/2018) và 1.000 tỷ đồng (tháng 12/2019). Từ đó đến nay, công ty mẹ không tăng vốn điều lệ. Còn ông ông Nguyễn Minh Hải nắm giữ vị trí Tổng giám đốc, kiêm người đại diện pháp luật của Công ty Cổ phần Tập đoàn Taseco.

Về 2 công ty con cấp một của Công ty Cổ phần Tập đoàn Taseco gồm: Công ty Cổ phần Dịch vụ hàng không Taseco (Taseco Airs - mã chứng khoán: AST) và Công ty Cổ phần Đầu tư bất động sản Taseco (Taseco Land).

Ông chủ phía sau hệ sinh thái nghìn tỷ của Taseco là ai? 3

Taseco Airs sở hữu chuỗi cửa hàng bán lẻ sân bay lớn nhất Việt Nam với 108 cửa hàng phủ khắp các sân bay lớn

Trong đó, Taseco Airs kinh doanh hàng bách hóa lưu niệm; nhà hàng, café, fastfood; phòng chờ hạng thương gia; dịch vụ quảng cáo, du lịch, viễn thông; hàng miễn thuế; sản xuất suất ăn hàng không và khách sạn.

Với việc sở hữu 108 cửa hàng phủ khắp các sân bay, Taseco Airs là nhà bán lẻ hàng không sân bay lớn thứ hai về doanh thu chỉ xếp sau Công ty Cổ phần Dịch vụ Hàng không Sân bay Tân Sơn Nhất (SAS). Ngoài ra, ATaseco Airs cũng sở hữu khách sạn À La Carte tọa lạc tại bãi biển Mỹ Khê, thành phố Đà Nẵng.

Còn Taseco Land là đơn vị sở hữu hàng loạt dự án bất động sản trên cả nước như: Tòa nhà NO2-T1, Tòa nhà NO3-T2, Tòa nhà NO1-T4, Tòa nhà NO3-T6 tại Khu Đoàn Ngoại giao, thành phố Hà Nội; Khu nhà ở thấp tầng thuộc Khu đô thị mới Nam An Khánh tại Hoài Đức, Hà Nội; Khu đô thị Dệt may tại thành phố Nam Định; Khu đô thị kết hợp Công viên Cây xanh Green Park tại thành phố Móng Cái, tỉnh Quảng Ninh; Căn hộ - Khách sạn À La Carte Oceanview Đà Nẵng tại thành phố Đà Nẵng, Khu dân cư Hải Hà tại huyện Quảng Xương, tỉnh Thanh Hóa, Khu đô thị Lương Sơn Riverview tại thị trấn Lương Sơn, tỉnh Hòa Bình…

Theo như công bố, trong thời gian tới, Taseco Land sẽ tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động đầu tư và mở rộng các dự án bất động sản như: Dự án tổ hợp khách sạn văn phòng cao cấp cao 55 tầng; Dự án tổ hợp văn phòng kết hợp dịch vụ thương mại B2CC4 khu đô thị Tây Hồ Tây, Hà Nội,...

Ngoài ra, 4 công ty con cấp hai và 5 công ty liên kết gồm: Công ty Cổ phần Đầu tư TAH, Công ty Cổ phần Alacarte Hạ Long, Công ty Cổ phần Đầu tư Bất động sản Phú Mỹ, Công ty Cổ phần Quản lý Bất động sản Quốc tế, Công ty Cổ phần Bao bì Việt Nam, Công ty Cổ phần Dịch vụ hàng không Taseco Đà Nẵng, Công ty Dịch vụ hàng không Taseco Sài Gòn, Công ty Cổ phần Dịch vụ suất ăn hàng không Việt Nam, Công ty Cổ phần Đầu tư khai thác nhà ga quốc tế Đà Nẵng, Công ty Cổ phần dịch vụ hàng hoá hàng không Việt Nam,...

TÀI CHÍNH TASECO GROUP

Trong giai đoạn 2017 – 2021, tổng tài sản của Taseco Group tăng trưởng khá nhanh, từ 1.289 tỷ đồng lên 2.206 tỷ đồng, tương đương tăng gần 80%.

Với vị thế là công ty mẹ, Tập đoàn Taseco dành phần lớn tài sản để đầu tư tài chính dài hạn, chủ yếu là đầu tư vào các công ty con, với giá trị qua các năm lần lượt là: 797 tỷ đồng; 1.007 tỷ đồng; 1.564 tỷ đồng; 1.741 tỷ đồng và 1.852 tỷ đồng. Như vậy, trong 5 năm, số tiền đầu tư tài chính dài hạn đã tăng 231%.

Trái lại, nợ phải trả của Tập đoàn Taseco cũng tăng mạnh trong giai đoạn 2017 – 2021, từ 704 tỷ đồng lên 1.191 tỷ đồng, tương đương tăng hơn 60%.

Điều đáng chú ý, Tập đoàn Taseco không chỉ tăng các khoản nợ vay dài hạn, mà riêng trong năm 2020, nợ ngắn hạn cũng lên tới 1.482 tỷ đồng (riêng nợ vay ngắn hạn đã là 1.297 tỷ đồng) cao gấp 3,4 lần tài sản ngắn hạn. Đây là một chỉ số cực kỳ đáng báo động về khả năng thanh toán ngắn hạn. Đặc biệt là khi, hệ số nợ phải trả/vốn chủ sở hữu của công ty lên 1,46 lần.

Về kết quả kinh doanh, giai đoạn 2017 – 2021, doanh thu thuần của Tập đoàn Taseco giảm rất mạnh, từ 1.070 tỷ đồng xuống 357 tỷ đồng rồi xuống 82 tỷ đồng, 65 tỷ đồng và 96 tỷ đồng. Lợi nhuận gộp cũng vì vậy mà suy giảm tương ứng.

Mặc dù, tình hình tài chính của công ty mẹ giảm dần đều như vậy, nhưng báo cáo tài chính hợp nhất giai đoạn 2017-2019 vẫn có điểm sáng, khi lợi nhuận sau thuế năm 2019 lên tới 500 tỷ đồng. Tuy nhiên, 2 năm sau đó, kết quả kinh doanh của Taseco Group bị sụt giảm nghiêm trọng.

Cụ thể, tại báo cáo hợp nhất của Taseco Group, công ty ghi nhận lỗ sau thuế 100 tỷ đồng năm 2020 và 77,6 tỷ đồng vào năm 2021. Kéo theo đó là tỷ suất lợi nhuận sau thuế/vốn chủ sở hữu (ROE) của tập đoàn này cũng rơi thẳng đứng, từ 23,5% (năm 2019), giảm xuống tới âm 4,66% (năm 2020) và âm 3,07% (năm 2021).

Đến năm 2022, Taseco Group báo lãi tăng trưởng đột biến. Theo đó, Tập đoàn này ghi nhận lãi sau thuế 431,1 tỷ đồng. Vốn chủ sở hữu tăng lên 3.087 tỷ đồng. Hệ số nợ phải trả/vốn chủ sở hữu là 1,55 lần, tương ứng với nợ phải trả tăng lên 4.786 tỷ đồng. Nếu tính thêm số trái phiếu đã phát hành, nợ của Taseco tăng lên 4.786 tỷ đồng, tăng 16% so với năm 2021 (4.254 tỷ đồng).

Và tính tới nửa đầu năm 2023, Taseco Group lãi 252 tỷ đồng. Bức tranh tài chính ghi nhận vốn chủ sở hữu công ty đạt 3.306 tỷ đồng, nhưng nợ phải trả gấp 1,55 lần vốn chủ sở hữu, lên mức 4.661 tỷ đồng và nợ trái phiếu 562 tỷ đồng.

Taseco Group cũng tiến hành nhiều đợt huy động vốn qua kênh trái phiếu doanh nghiệp trong các năm qua.

Điển hình, vào tháng 5/2021, Taseco Group đã dùng 5 triệu cổ phiếu AST của công ty con là Công ty Cổ phần Dịch vụ Hàng không Taseco làm tài sản đảm bảo cho đợt phát hành trái phiếu trị giá 130 tỷ đồng. Số tiền được dùng bổ sung nguồn vốn hoạt động kinh doanh đầu tư của các công ty con thuộc sở hữu trực tiếp hoặc gián tiếp của tập đoàn.

Hai tháng sau đó, Taseco Group tiếp tục phát hành thêm 150 tỷ đồng trái phiếu với tài sản đảm bảo là 24,7 triệu cổ phần của Công ty Cổ phần Đầu tư Bất động sản Taseco (Taseco Land).