Thị trường bất động sản đã qua giai đoạn khó khăn nhất

Trong sáu tháng đầu năm 2024, thị trường bất động sản đã hội tụ khá nhiều yếu tố tích cực, sẵn sàng làm bệ phóng cho tiến trình phục hồi trong thời gian tới.

Nửa đầu năm 2024, sự trở lại thị trường bất động sản của các khách hàng, nhà đầu tư đã có dấu hiệu cải thiện rõ rệt sau thời gian dài trầm lắng.

Số liệu của Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản, Bộ Xây dựng cho thấy, lượng giao dịch đối với loại hình căn hộ chung cư, nhà ở riêng lẻ và đất nền có xu hướng tăng quý sau cao hơn quý trước và cao hơn so với cùng kỳ năm 2023. 

Trong sáu tháng đầu năm có khoảng 253.000 giao dịch bất động sản thành công, bằng 110% so với cùng kỳ năm ngoái.

Đáng chú ý, giá chào bán căn hộ chung cư bình quân toàn thị trường có xu hướng tăng từ cuối năm 2023 đến thời điểm hiện tại, đặc biệt tại các đô thị lớn như Hà Nội và TP. HCM.

Giá chung cư Hà Nội tăng chậm lại
Giá chung cư Hà Nội tăng chậm lại

Đối với loại hình nhà ở riêng lẻ và đất nền, giá và lượng giao dịch cũng có xu hướng tăng. Nguyên nhân được cho là do giá chung cư tăng cao và nguồn cung khan hiếm khiến giá bán ở phân khúc này cũng tăng mạnh.

Cũng theo Bộ Xây dựng, nguồn cung bất động sản sau một thời gian còn hạn chế đang có dấu hiệu chuyển biến theo chiều hướng tích cực. Thị trường ghi nhận sự quay trở lại của hàng loạt dự án cũ được tái khởi động, dự án mới mở bán. 

Cụ thể, từ đầu năm đến nay đã có 18 dự án nhà ở thương mại được hoàn thành, 23 dự án được cấp phép mới và 984 dự án đang triển khai.

Dự án đầu tư xây dựng hạ tầng để chuyển nhượng quyền sử dụng đất xây dựng nhà ở có 32 dự án hoàn thành, 16 dự án được cấp phép mới và 519 dự án đang triển khai; nhà ở xã hội, 8 dự án hoàn thành.

Theo nhiều chuyên gia, việc lãi suất ngân hàng được điều chỉnh giảm, các chủ đầu tư đưa ra nhiều chính sách có lợi cho người mua nhà đã làm gia tăng niềm tin của khách hàng và thanh khoản trên thị trường.

Thị trường bất động sản đã qua giai đoạn khó khăn nhất 2
Rõ ràng, doanh nghiệp đã được "câu giờ" để vượt qua giai đoạn khó khăn nhất.
TS. Cấn Văn Lực
Chuyên gia kinh tế trưởng BIDV

Năm 2024, tình hình kinh tế thế giới sẽ đi ngang hoặc xấu hơn so với năm ngoái, tuy nhiên, kinh tế Việt Nam được dự báo sẽ tăng trưởng tốt hơn, cao hơn so với năm 2023, thời điểm được nhìn nhận là khó khăn nhất, là năm "đáy" của nền kinh tế Việt Nam.

Với việc tình hình kinh tế được dự báo phục hồi tích cực sẽ kéo theo đầu tư, tiêu dùng sẽ tăng mạnh, cùng với đó là thị trường bất động sản cũng khởi sắc trở lại.

Các chỉ báo rõ ràng cho sự phục hồi

Tiến sĩ Cấn Văn Lực, chuyên gia kinh tế trưởng ngân hàng BIDV cho rằng, lạm phát và lãi suất là hai yếu tố cực kỳ quan trong đối với thị trường chứng khoán và bất động sản. 

Hiện lạm phát tại Việt Nam đang được kiểm soát rất tốt trong khi lãi suất ở mức độ trung bình so với khu vực và giảm 3% so với cùng kỳ năm trước. Đây là yếu tố rất tích cực cho thị trường bất động sản.

Bên cạnh đó, các pháp lý về bất động sản đã và đang được tháo gỡ, nhất là đối với các dự án lớn. Hà Nội đã có 45% các dự án bất động sản vướng mắc về pháp lý đã được tháo gỡ; còn TP. HCM tỷ lệ này là 39%.

Theo ông Lực, vừa qua, rất nhiều đạo luật sửa đổi được thông qua như Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản và Luật Các tổ chức tín dụng và khi được thực thi, các luật này sẽ bảo đảm tính đồng bộ, liên thông và tính nhất quán cho thị trường bất động sản nói riêng và nền kinh tế nói chung. 

Hay trong vấn đề về quy hoạch, chưa bao giờ các địa phương công bố quy hoạch đến năm 2030, tầm nhìn năm 2050 rầm rộ, đồng bộ như thời gian vừa qua. 

Bên cạnh đó, đầu tư công cũng cao chưa từng có, một năm Việt Nam giải ngân khoảng 700 nghìn tỷ đồng, mức cao so với các nước trong khu vực khi so sánh với quy mô nền kinh tế.

Một yếu tố nền tảng khác đang tác động tích cực tới thị trường bất động sản là nghĩa vụ tài chính của các doanh nghiệp bất động sản đã qua thời khó khăn nhất. 

Theo ông Lực, thời gian vừa qua, lãi suất đã giảm, trái phiếu và tín dụng bất động sản được giãn hoãn. Đồng thời, các ngân hàng cũng cơ cấu lại nợ để các doanh nghiệp không bị nợ xấu.

"Rõ ràng, doanh nghiệp đã được "câu giờ" để vượt qua giai đoạn khó khăn nhất. Bây giờ đã đỡ hơn rất nhiều. Tiếp nữa là vấn đề cung cầu, hy vọng cung cầu tiến dần về mức cân bằng hơn, giá cả sẽ hợp lý hơn trong thời gian tới.

Các yếu tố tác động đến thị trường đều đang diễn biến theo chiều hướng khá tích cực. Điều này đủ cơ sở để tin tưởng thị trường bất động sản đang phục hồi", ông Lực chia sẻ

Doanh nghiệp bất động sản kiệt quệ do thiếu vốn