Hiện nay, giá bất động sản càng ngày càng tăng, Nhà nước và các Bộ, ban, ngành đã rất quyết liệt trong việc tháo gỡ vấn đề này, tuy nhiên, tín hiệu tăng giá vẫn chưa dừng lại...
Ngày 24/10/2024, tại Hà Nội, Chính phủ đã tổ chức cuộc họp Ban Chỉ đạo Trung ương về chính sách nhà ở và thị trường bất động sản.
Phát biểu tại đây, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Lê Minh Ngân cho biết, để hạ nhiệt thị trường bất động sản cần có giải pháp tổng thể để tăng cả cung và cầu về thủ tục hành chính xây dựng, tín dụng ưu đãi, giá nguyên vật liệu… chứ không chỉ có chính sách về giá đất.
Còn Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Đức Tâm, nếu tháo gỡ thị trường bất động sản thì có thể tạo động lực tăng trưởng cho khoảng 60 ngành, nghề liên quan. Có 2 nội dung địa phương cần triển khai sớm là phê duyệt quy hoạch, chương trình phát triển nhà ở để triển khai các dự án nhà ở trên địa bàn; chuẩn bị thực hiện nghị quyết của Quốc hội về thí điểm cơ chế chính sách tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho dự án, đất đai trong kết luận thanh tra, kiểm tra, bản án.
Trong khi đó, Phó Thống đốc Thường trực Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú cho rằng, ngân hàng và các doanh nghiệp bất động sản phải gặp nhau theo nguyên tắc “lợi ích hài hoà, rủi ro chia sẻ” để khơi thông thị trường bất động sản.
Thời gian qua, các bộ, ngành thành viên Ban Chỉ đạo đã tham gia nhiều ban chỉ đạo, tổ công tác liên ngành, và tạo bước tiến rất lớn trong triển khai chính sách nhà ở, đặc biệt là thể chế hoá trong Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản, Luật Các tổ chức tín dụng…
Sau khi nghe phát biểu của lãnh đạo các Bộ, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà đề nghị, Bộ Xây dựng phối hợp với Bộ Nội vụ để nghiên cứu, đề xuất, lấy ý kiến các bộ, ngành, địa phương về phương án sắp xếp, kiện toàn Ban Chỉ đạo Trung ương về chính sách nhà ở và thị trường bất động sản với các tiểu ban, tổ công tác liên ngành trực thuộc.
Trước mắt, Bộ Xây dựng phối hợp với Bộ Lao động Thương binh và Xã hội, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính hoàn thiện đề án, chương trình nhà ở cho người có công cần sửa chữa hoặc xây mới, bố trí phân bổ kinh phí để thực hiện trong năm 2025. Đối tượng người có công phải được quan tâm, ưu tiên khi điều tiết thực hiện các chương trình hỗ trợ nhà ở mục tiêu.
Bộ Xây dựng cần đề xuất Ban Chỉ đạo thành lập các đoàn công tác liên ngành kiểm tra việc thực hiện pháp luật liên quan đến chính sách nhà ở, thị trường bất động sản, nhà ở xã hội, hỗ trợ nhà ở mục tiêu tại một số địa phương trọng điểm, như Hà Nội, TP.HCM, Bắc Ninh…
"Trong đó cần đánh giá thực chất tình hình thị trường bất động sản tại các địa phương, nơi nào thiếu nhưng không làm, nơi nào thừa mà không bán được, cũng như trách nhiệm của bộ, ngành, địa phương trong dự báo cung cầu, điều tiết cơ cấu các phân khúc sản phẩm bất động sản", Phó Thủ tướng nhấn mạnh.
Ngoài ra, Bộ Xây dựng rà soát hồ sơ, thủ tục hành chính của dự án đầu tư xây dựng nhà ở xã hội, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương hướng dẫn doanh nghiệp thực hiện đồng thời các thủ tục trong một bộ hồ sơ duy nhất để giảm thời gian, chi phí.
Theo ông Trần Hồng Hà, một trong những nguyên nhân ảnh hưởng đến cung cầu thị trường bất động sản là vướng mắc từ các dự án, đất đai trong kết luận thanh tra, bản án. Vì vậy, các địa phương phải khẩn trương rà soát toàn bộ, phân loại và đề xuất nhóm giải pháp xử lý thuộc trách nhiệm, thẩm quyền của Trung ương, của địa phương.
Phó Thủ tướng giao Bộ Xây dựng phối hợp với Ngân hàng Nhà nước thống kê, báo cáo tình hình tín dụng trong lĩnh vực bất động sản, đánh giá tác động đối với nền kinh tế, đề xuất những quyết sách, biện pháp mới, đủ mạnh, mấu chốt để khơi thông thị trường bất động sản.
Trong năm 2025, Bộ Xây dựng tổ chức quán triệt với các địa phương trong thực hiện chủ trương, chính sách pháp luật của Nhà nước về nhà ở, thị trường bất động sản thống nhất, thông suốt, theo tinh thần “phân cấp mạnh cho địa phương, nhưng văn bản quy định, quy trình, thủ tục phải rõ”.