2 công ty thương mại điện tử Trung Quốc làm chao đảo ngành vận tải hàng không toàn cầu

Temu và Shein vận chuyển khoảng 9.000 tấn hàng hóa trên toàn thế giới mỗi ngày, tương đương khoảng 88 chuyên cơ vận tải Boeing 777 được lấp đầy.

Tờ Forbes đưa tin, các sàn thương mại điện tử của Trung Quốc vận chuyển lượng hàng hóa tương đương 88 chiếc Boeing 777 trên toàn thế giới mỗi ngày. Khối lượng vận chuyển khổng lồ này thậm chí đã khiến giá cước vận chuyển hàng không tăng vọt, nhưng hai công ty gồm Temu và Shein vẫn sẵn sàng trợ cấp phí vận chuyển trong bối cảnh họ phát triển trên toàn cầu.

KHỦNG HOẢNG

Cách đây vài tháng, Niall van de Wouw, người chuyên theo dõi các chuyến hàng vận tải hàng không trên toàn cầu cho công ty phân tích hậu cần Xeneta, chưa bao giờ nghe nói đến Temu.

Nhưng dường như chỉ sau một đêm, trang thương mại điện tử của Trung Quốc, cùng với một đối thủ cạnh tranh đang phát triển nhanh khác là Shein, đã trở nên phổ biến với người tiêu dùng Mỹ đến mức có tác động làm tăng giá vận chuyển bằng máy bay từ Trung Quốc, tạo ra một cuộc khủng hoảng hàng hóa làm thay đổi các tuyến đường thương mại toàn cầu đối với hàng không.

“Chỉ vào năm ngoái thôi, không ai có thể nghĩ điều này sẽ xảy ra”, van de Wouw, giám đốc vận tải hàng không của Xeneta nói với Forbes. “Khối lượng hàng hóa vận chuyển của họ có thể ngang bằng với công ty giao nhận vận tải lớn nhất thế giới. Con số đó thật điên rồ”.

Vào thời điểm đó, công ty chỉ mới thành lập được một năm rưỡi. “Điều này rất bất thường”, ông nói. “Tôi không thể nhớ được một hoặc hai công ty có nhu cầu lớn đến vậy. Đó là điều đáng sợ về sự tăng trưởng theo cấp số nhân”.

temu2-5245.jpg
Temu nổi lên chỉ sau 1 đêm.

Temu, công ty chủ yếu bán quần áo và đồ gia dụng, và Shein, công ty xây dựng thương hiệu của mình trên lĩnh vực thời trang nhanh và từ đó mở rộng sang điện tử tiêu dùng và đồ dùng nhà bếp, không giống các nhà bán lẻ khác ở chỗ họ bán các mặt hàng được sản xuất trực tiếp bởi các công ty Trung Quốc vô danh thay vì bán một thương hiệu Mỹ được sản xuất ở nước ngoài.

Một phần nguyên nhân giúp Temu và Shein để được mức giá thấp cho các sản phẩm là bởi quyết định vận chuyển trực tiếp từ Trung Quốc từ các nhà sản xuất đó, thay vì hợp tác với các thương hiệu nổi tiếng của Mỹ vốn áp đặt chi phí, giá cả và chất lượng cao hơn.

Nhưng để có được sản phẩm của khách hàng trong một khoảng thời gian hợp lý, cả hai công ty đều phụ thuộc rất nhiều vào vận tải hàng không.

Theo nghiên cứu hồi tháng 2 của Cargo Facts Consulting, Temu và Shein kết hợp vận chuyển khoảng 9.000 tấn hàng hóa trên toàn thế giới mỗi ngày, tương đương khoảng 88 chuyên cơ vận tải Boeing 777 được lấp đầy. (Quy mô này có thể so sánh với đội bay Prime Air của Amazon, có 86 máy bay đang hoạt động).

Điều đó đã đẩy giá cước vận chuyển lên đến mức gần như chưa từng có. Theo số liệu mới nhất từ ​​Xeneta, cho đến nay, "giá giao ngay trung bình" của hàng hóa hàng không trong tháng 5 từ miền nam Trung Quốc đến Mỹ hiện ở mức khoảng 4,75 USD/kg, mức cao nhất kể từ cuối năm ngoái, sánh ngang với nhu cầu cao điểm thường thấy trong thời gian chuẩn bị cho kỳ nghỉ lễ. Con số này cao hơn gấp đôi so với cùng kỳ năm 2019, khi tỷ giá là 2,32 USD/kg.

Con số này vẫn thấp hơn so với mức đỉnh gần đây vào năm 2020 và 2021, khi tỷ lệ đó đạt mức cao từ 10 đến 12 USD một kg. Nhưng mức đỉnh cao đó là do đại dịch đã gây ra tình trạng thiếu hụt vận chuyển và chuỗi cung ứng trên toàn cầu. Giờ đây, các nhà phân tích cho rằng sự gia tăng này phần lớn chỉ là do hai công ty: Temu và Shein.

Để đáp ứng nhu cầu, một số công ty hậu cần và hàng không thậm chí đã bắt đầu bổ sung thêm nhiều chuyến bay để chuẩn bị cho sự tăng trưởng hơn nữa. Ví dụ, Atlas Air, một công ty vận tải hàng không của Mỹ, đã thông báo vào đầu mùa xuân này rằng họ sẽ sớm đưa vào hoạt động chiếc máy bay vận tải hàng không thứ hai với sự hợp tác của YunExpress, một công ty vận tải Trung Quốc.

Trong khu vực, Korean Air đã báo cáo vào đầu tháng này rằng họ đã kiếm được 2,8 tỷ USD doanh thu trong quý đầu tiên của năm 2024, nhờ “nhu cầu vận chuyển hàng hóa mạnh mẽ”, tăng 20% ​​so với cùng kỳ năm ngoái.

Hãng hàng không này cho biết thêm rằng trong quý 2, hoạt động kinh doanh vận tải hàng hóa của họ sẽ “tận dụng nhu cầu thương mại điện tử ngày càng tăng từ Trung Quốc bằng cách tăng cường quan hệ đối tác với khách hàng và phân bổ năng lực trên các tuyến đường chính”.

Wenwen Zhang, nhà phân tích vận tải hàng không của Xeneta gửi email cho Forbes nói rằng: “Shein và Temu liên tục có 'khát khao' vận tải hàng không, điều này chưa từng có so với bất kỳ điều gì chúng tôi từng thấy trước đây”.

Theo báo cáo từ công ty vận tải Dimerco, sự bùng nổ thậm chí còn tác động đến các tuyến vận chuyển toàn cầu. Temu đã bắt đầu các tuyến đường biển và đường hàng không mới qua Nhật Bản và Hàn Quốc vào Mỹ, “làm thay đổi mô hình thương mại truyền thống. Do đó, giá cước từ các tuyến thay thế này hiện đang vượt giá cước từ Trung Quốc đại lục – một điều bất thường”.

Theo nghiên cứu hồi tháng 2 của Cargo Facts Consulting, Temu và Shein kết hợp vận chuyển khoảng 9.000 tấn hàng hóa trên toàn thế giới mỗi ngày, tương đương khoảng 88 chuyên cơ vận tải Boeing 777 được lấp đầy.

Thứ hai tuần trước, chính phủ Trung Quốc cũng đã công bố một tuyến vận chuyển hàng hóa hàng không mới giữa thành phố Zhengzhou phía nam Trung Quốc với Dallas và Atlanta, “chủ yếu phục vụ cho các chuyến hàng thương mại điện tử xuyên biên giới”.

Gửi hàng bằng đường hàng không luôn nhanh hơn và đắt hơn đáng kể so với vận chuyển bằng đường biển, loại hình vận chuyển này có thể vận chuyển khối lượng hàng hóa lớn hơn nhiều, mặc dù với tốc độ chậm hơn. Phần lớn hàng hóa trên toàn thế giới tính theo khối lượng đều được vận chuyển bằng đường biển, thường chỉ những mặt hàng có giá trị cao và nhạy cảm về thời gian mới được đưa lên máy bay.

Sau đó là chi phí môi trường. Theo Freightos, một thị trường đặt vé vận chuyển hàng hóa trực tuyến, các tàu chở hàng tạo ra khoảng 10 đến 40 gam carbon dioxide trên mỗi tấn km di chuyển, ít hơn nhiều so với vận tải hàng không, vốn thải ra khoảng 500 gam mỗi tấn km).

TƯƠNG LAI RA SAO?

Hiện tại, Shein và Temu cung cấp dịch vụ vận chuyển miễn phí cho các đơn đặt hàng có kích thước nhất định, dường như sẵn sàng chấp nhận chi phí cao hơn như một lối tắt để tăng tốc ở Mỹ.

“Temu và Shein đang dựa vào vận tải hàng không vì mô hình kinh doanh của họ là thời trang cực nhanh và họ cần phải đưa tất cả số hàng hóa này ra ngoài ngay lập tức”, Guillermo Ochovo, giám đốc của Cargo Facts Consulting nói với Forbes. “Lúc này họ không còn cách nào khác ngoài việc dựa vào hàng không”.

Nhưng điều đó có thể thay đổi trong trung và dài hạn khi các công ty đang tìm cách cắt giảm chi phí khi cả hai đều đã thành lập nền tảng thương mại điện tử. Họ hiện thiếu mạng lưới vận chuyển hàng hải và hậu cần nội địa trên mặt đất có thể so sánh với Amazon hoặc Walmart, nhưng cả hai công ty đã dần bắt đầu mở rộng dấu ấn của mình tại Mỹ và Mexico.

Shein hiện có hai trung tâm phân phối ở Indiana và California, và Temu gần đây đã bắt đầu làm việc với những người bán hàng Trung Quốc có trụ sở tại Mỹ.

Van de Wouw cho biết chi phí cao của vận tải hàng không một phần đến từ việc các máy bay phần lớn trống rỗng phải thực hiện chuyến từ Mỹ về Trung Quốc: Chi phí vận chuyển theo hướng đó có thể chỉ bằng 1/5 giá vận chuyển từ Trung Quốc sang Mỹ.

temu1-9169.jpg
Shein đạt doanh thu kỷ lục vào năm nay.

“Nếu như máy bay từ Trung Quốc tới Mỹ được lấp đầy hàng hóa thì chiếc máy bay trở về Trung Quốc từ Mỹ lại gần như trống rỗng hoặc hoàn toàn trống rỗng. Hành trình ngược lại thực sự tàn khốc”.

Cả Shein và Temu đều không trả lời yêu cầu bình luận của Forbes.

Một đợt quảng cáo rầm rộ trên truyền hình ở Mỹ đã thúc đẩy sự tăng trưởng của Temu, bao gồm cả quảng cáo trong giải Super Bowls năm 2023 và 2024 khuyến khích người Mỹ “mua sắm như một tỷ phú”. Dữ liệu khảo sát mới được YouGov công bố vào tháng trước cho thấy gần như tất cả người Mỹ được khảo sát đều cho biết họ đã nghe nói về công ty này.

Công ty mẹ PDD Holdings của Temu cũng sở hữu một trang web thương mại trực tuyến khổng lồ có tên Pinduoduo chỉ hoạt động ở Trung Quốc, trị giá hơn 167 tỷ USD. PDD Holdings có trụ sở kỹ thuật tại Quần đảo Cayman. Theo báo cáo thường niên gần đây nhất, công ty có hơn 17.000 nhân viên trên toàn thế giới, phần lớn trong số đó được cho là đang làm việc tại Trung Quốc.

Tháng trước, PDD Holdings đã công bố lợi nhuận hàng năm kỷ lục hơn 8,4 tỷ USD vào năm 2023, bao gồm khoảng 5 tỷ USD thu nhập ròng từ “các công ty con khác của PDD Holdings”. Con số này gần gấp đôi so với lợi nhuận 3,4 tỷ USD mà chi nhánh Trung Quốc của công ty mang lại.

Trong khi đó, Shein được định giá 66 tỷ USD. Công ty này đã nhanh chóng lấn sân sang lãnh thổ của các thương hiệu thời trang Mỹ như Gap và Macy's. Theo công ty phân tích thương mại điện tử ECDB, Shein cũng đã phát triển cực kỳ nhanh chóng, từ doanh thu xấp xỉ 2,5 USD vào năm 2019 lên ước tính 48 tỷ USD trong năm nay.

Theo dự đoán, cả hai công ty, có khả năng vượt mức doanh thu 90 tỷ USD trong năm nay. Brian Bourke, giám đốc thương mại của SEKO logistics nói với Forbes: “Nếu bây giờ - tức là mới giữa tháng 5 tình hình đã như thế này thì hãy tưởng tượng xem mọi việc sẽ ra sao vào tháng 9, tháng 10, tháng 11 và tháng 12?”