Số tiền thu về giúp nâng cao năng lực tài chính, quy mô hoạt động và năng lực cạnh tranh của Vietjet; tạo cơ sở cho việc phát triển bền vững, an toàn và hiệu quả sau đại dịch.
Công ty cổ phần Hàng không Vietjet (Vietjet) vừa thông tin về việc triển khai phương án chào bán cổ phiếu riêng lẻ. Theo đó, Vietjet sẽ chào bán tối đa 24,5 triệu cổ phiếu (chiếm 4.5% số cổ phiếu lưu hành) cho các nhà đầu tư chuyên nghiệp trong nước với giá 100.000 đồng/cổ phiếu.
Số cổ phiếu này dự kiến được chào bán trong quý IV/2023 và sẽ bị hạn chế chuyển nhượng trong vòng 1 năm kể từ ngày chào bán thành công.
Danh sách nhà đầu tư mua cổ phiếu VJC bao gồm Công ty cổ phần Quản lý quỹ Leadvisors (13,5 triệu cổ phiếu), Công ty cổ phần Quản lý Quỹ Amber (7,2 triệu cổ phiếu) và Công ty TNHH Quản lý quỹ Thành Công (3,8 triệu cổ phiếu). Hiện các tổ chức này đang không nắm giữ cổ phiếu VJC.
Về mục đích sử dụng vốn, Vietjet sẽ bổ sung nguồn vốn chủ sở hữu nhằm nâng cao năng lực tài chính, quy mô hoạt động và năng lực cạnh tranh; tạo cơ sở cho việc phát triển bền vững, an toàn và hiệu quả sau đại dịch.
Cụ thể, tổng số tiền thu về là 2.450 tỷ đồng, Vietjet sẽ chi 1.715 tỷ đồng để thanh toán tiền đặt cọc mua tàu bay và dành 735 tỷ đồng thanh toán tiền thuê tàu cho các đơn vị cho thuê tàu bay và thuê mua động cơ tàu bay.
Vietjet huy động vốn cổ phần nhằm nâng cao năng lực tài chính phục hồi sau đại dịch. Ảnh: Hoàng Anh
Bên cạnh nguồn vốn trái phiếu, ngày 30/10 vừa qua, HĐQT Vietjet cũng đã thông qua phương án phát hành riêng lẻ 3.000 tỷ đồng trái phiếu nhằm thực hiện chương trình chi trả các chi phí hoạt động về xăng dầu, chi phí cảng, điều hành bay, kỹ thuật, bảo hiểm, thanh toán đặt cọc tàu bay và các chi phí khác.
Kỳ hạn trái phiếu phát hành là 60 tháng, các trái phiếu này không chuyển đổi, không kèm chứng quyền và không có tài sản bảo đảm.
Lãi suất cố định 10,5%/năm cho hai kỳ tính lãi đầu tiên, lãi suất các kỳ còn lại sẽ tính bằng tổng của biên độ 3,5%/năm và lãi suất tham chiếu từ 4 ngân hàng gồm: HDBank, Vietcombank, Vietinbank, BIDV.
Theo báo cáo tài chính mới công bố, trong quý 3, Vietjet đã khai thác an toàn 36.000 chuyến bay, vận chuyển 6,8 triệu lượt hành khách, trong đó hơn 2,3 triệu khách quốc tế, tăng 10% so với quý 3/2019, giai đoạn trước Covid-19, và 127% so với quý 3/2022.
Vietjet ghi nhận doanh thu hơn 14.230 tỷ đồng và lãi sau thuế 55 tỷ đồng trong quý vừa qua, tăng tương ứng 23% và 30% so với cùng kỳ. Lũy kế 9 tháng đầu năm, Vietjet đạt doanh thu 43.740 tỷ đồng, tăng trưởng 60% so với cùng kỳ năm ngoái và lợi nhuận sau thuế đạt hơn 190 tỷ đồng.
Đội tàu bay của Vietjet có 103 tàu, bao gồm 18 tàu bay khai thác tại Thái Vietjet, 2 tàu bay mới đang giao hàng. Trong quý 3, Vietjet đã mở 7 đường bay quốc tế mới nâng tổng số đường bay lên 125, bao gồm 45 đường bay quốc nội và 80 đường bay quốc tế.
Trước đó, trong chuyến thăm chính thức của Tổng thống Hoa Kỳ đến Việt Nam, Vietjet đã ký kết thỏa thuận với Boeing về kế hoạch giao 200 tàu bay 737 MAX trị giá 25 tỷ USD trong 5 năm tới và thỏa thuận tài trợ tàu bay với tổng giá trị 550 triệu USD với Tập đoàn Carlyle.
Dũng Phạm