Nhắc đến ngành thực phẩm và đồ uống (F&B), người tiêu dùng sẽ nhớ ngay đến các công ty lớn như Vinamilk, Masan, TH, Nutifood, Dabaco, Acecook, Sabeco, Trung Nguyên…
Tuy nhiên, đằng sau những “ông lớn” này là một hệ thống các công ty cung cấp nguyên liệu, bao bì thực phẩm ít được chú ý. Trong đó Tập đoàn Nguyên liệu Á Châu AIG (Asia Group) là một trong những doanh nghiệp có tên tuổi do ông Nguyễn Thiên Trúc sáng lập.
Với tiềm lực mạnh mẽ, Asia Group sở hữu loạt công ty con là những nhà cung cấp nguyên liệu cho những nhà sản xuất thực phẩm, nước giải khát, bánh kẹo, dược phẩm, công nghiệp lớn trong nước.
Asia Group được thành lập vào năm 2001, tiền thân là CTL Company, sau đó đổi tên thành ATL, rồi ACC – Hoá Chất Á Châu vào năm 2004. Năm 2009, công ty xây dựng Nhà máy AFI – Asia Saigon Food Ingredients, tiên phong trong sản xuất bột kem không sữa tại Việt Nam.
Các năm sau đó, bên cạnh việc mở rộng sản xuất kinh doanh Asia Group còn nhận được dòng vốn từ nhiều quỹ đầu tư lớn như: Mekong Enterprise Fund II (2011 – thoái vốn năm 2018), PENM Partner Capital (2014), NewQuest Capital Partners (2018), VFPHK Holdings (2019), Marubeni (2023), …
Tới giữa năm 2017, Asia Group thực hiện hợp nhất kết quả kinh doanh của 7 công ty thành viên tại pháp nhân lõi - Công ty CP Nguyên liệu Á Châu AIG (AIG).
So với các doanh nghiệp trong ngành, Asia Group gây ấn tượng bởi năng lực tài chính lành mạnh. Công ty duy trì tỷ suất lợi nhuận cao, ổn định quanh mức 10%/năm, mang lại cho tập đoàn hơn 2.700 tỷ đồng lãi ròng tích lũy tính tới cuối năm 2023.
Cụ thể, theo báo cáo tài chính năm 2023, AIG ghi nhận doanh thu thuần đạt 11.915 tỷ đồng và lãi sau thuế đạt 784 tỷ đồng, hoàn thành kế hoạch lợi nhuận đề ra.
Tổng tài sản của Asia Group đạt gần 9.520 tỷ đồng, tăng gần 20% so với số đầu năm 2022 chủ yếu bởi các khoản tiền gửi ngắn hạn đã tăng mạnh lên mức 2.550 tỷ đồng.
Công ty duy trì các khoản tồn kho hàng hóa và nguyên liệu khoảng 2.200 tỷ đồng thời phải thu khách hàng khoảng 1.500 tỷ đồng. Trong đó công ty Unilever Việt Nam (59 tỷ đồng), công ty sữa Vitadairy Việt Nam (45 tỷ đồng), Tập đoàn Trung Nguyên (56 tỷ đồng)...
Ở bên kia bảng cân đối, nợ phải trả của Asia Group ở mức 4.050 tỷ đồng, trong đó phải trả người bán (1.055 tỷ đồng) và vay ngắn hạn (2.450 tỷ đồng). Đa phần các khoản vay ngắn hạn của AIG là tại các ngân hàng nước ngoài như HSBC Việt Nam (735 tỷ đồng), ANZ Việt Nam (360 tỷ đồng), Kasikorn Bank (470 tỷ đồng).
Phần lớn tài sản được AIG dùng làm tài sản đảm bảo cho các khoản vay là các khoản phải thu khách hàng, hàng tồn kho, … với mức lãi suất trong khoảng 3-5%/năm, thấp hơn đáng kể mức lãi suất cho vay trên thị trường.
Có thể thấy, mặc dù tỷ lệ nợ/vốn chủ sở hữu khá cao, tuy nhiên mức dư nợ tài chính của Asia Group chỉ tương đương mức tiền mặt/tiền gửi ngắn hạn mà công ty đang nắm giữ. Thậm chí, mức lãi vay còn thấp hơn đáng kể lãi suất tiền gửi mà công ty đang được hưởng (4,8-9,5%/năm).
Theo báo cáo quản trị năm 2023 của Asia Group, cổ đông lớn nhất là Chủ tịch HĐQT Nguyễn Thiên Trúc (nắm 30,32%). Các cổ đông khác là quỹ đầu tư Đan Mạch - PENM Partners (nắm 9,44%), quỹ đầu tư tại Hong Kong - VFPHK Holdings Limited, Tập đoàn Nhật Bản - Marubeni...
PENM Partners là công ty quản lý quỹ đầu tư đã có tới 16 năm hoạt động tại Việt Nam, hiện đang là cổ đông tại Tập đoàn Hoà Phát, Taseco Airs, và Masan Consumer.
Còn Marubeni nổi tiếng nhiều hơn với việc đầu tư vào nhiều lĩnh vực như các dự án năng lượng, xuất nhập khẩu hàng hóa, sản xuất thực phẩm, dệt may…
Năm ngoái, Vinamilk đã mang về cho Asia Group khoảng 2.500 tỷ đồng giá trị giao dịch, tương đương hơn 20% vào doanh thu. Hiện Vinamilk cũng là cổ đông sở hữu 20% cổ phần APIS và gần 25% cổ phần Dừa Á Châu, các công ty con của Asia Group.
Dũng Phạm