Lần đầu tiên có một startup BNPL Việt Nam đã bắt tay cùng CIC - Trung tâm Thông tin Tín dụng Quốc gia nhằm chấm điểm tín dụng khách hàng vay cá nhân.
Mua trước trả sau (BNPL) hiện là mô hình thanh toán đang được ưa chuộng trên thế giới. Theo báo cáo từ Research and Markets, giá trị hàng hoá thông qua BNPL có thể tăng đến 21 lần, đạt khoảng 10 tỷ USD vào năm 2028.
Dịch vụ này cho phép người tiêu dùng mua hàng trước, sau đó mới cần trả lại khoản tiền đã chi tiêu trong một khoảng thời gian nhất định.
Việt Nam có dân số đông nhưng khoảng một nửa dân số hiện vẫn còn bị hạn chế về các dịch vụ tài chính của ngân hàng hoặc chưa có tài khoản ngân hàng.
Điều này cho thấy nhu cầu tài chính cá nhân của người dân trong nước rất cao, mặc dù chưa tiếp cận dịch vụ tài chính. Bên cạnh các hình thức như ví điện tử, BNPL gần đây nổi lên là một hình thức thanh toán mới dễ tiếp cận, an toàn và tiện lợi.
Thế nhưng, một điểm nghẽn của mô hình mua trước trả sau là doanh nghiệp phải tự xây dựng cách chấm điểm tín dụng khi chấp thuận cho khách mua hàng trước, hoàn toàn dựa trên các dữ liệu và thuật toán riêng.
Điều này dẫn tới tình trạng những mô hình BNPL hoạt động thiếu hiệu quả sẽ gây áp lực lên khách hàng, cũng như gia tăng tỷ lệ nợ xấu trong nền kinh tế.
Tại Việt Nam, nhiều startup BNPL đã phải "ngậm ngùi" rời bỏ thị trường, một phần vì đánh giá thực tế mua trước trả sau ở Việt Nam chưa hấp dẫn, một phần vì thuật toán chấm điểm tín dụng và dữ liệu chưa đồng nhất.
Tuy nhiên, thất bại của người này đôi khi lại trở thành cơ hội của người khác. Sau năm năm gia nhập mảng mua trước trả sau, startup Việt là Fundiin vẫn tiếp tục bám trụ thị trường và nỗ lực tìm ra cách khắc phục điểm yếu của mô hình BNPL.
Cụ thể, bên cạnh các dữ liệu và thuật toán sẵn có, Fundiin đã chính thức hợp tác với CIC - Trung tâm Thông tin Tín dụng quốc gia, sau khi vượt qua các vòng thẩm định và đánh giá khắt khe.
Ông Nguyễn Ảnh Cường, nhà sáng lập và CEO Fundiin đánh giá, đây là một bước ngoặt với công ty, khi trở thành startup BNPL Việt Nam đầu tiên bắt tay cùng CIC.
Theo thỏa thuận hợp tác, CIC sẽ cung cấp cho Fundiin dịch vụ khai thác các sản phẩm thông tin tín dụng, bao gồm điểm tín dụng của khách hàng vay cá nhân.
Với nguồn dữ liệu từ CIC kết hợp cùng nền tảng công nghệ định danh và thuật toán đánh giá tín nhiệm hiện có, Fundiin có thể đánh giá nhanh chóng và chính xác hơn mức độ tín nhiệm của khách hàng, từ đó đưa ra quyết định xét duyệt hồ sơ một cách hiệu quả.
Bên cạnh đó, Fundiin cũng sẽ định kỳ cung cấp cho CIC thông tin tín dụng cũng như mức độ thanh toán đúng hạn của người dùng Fundiin, góp phần giúp CIC cập nhật và hoàn thiện hệ thống dữ liệu tín dụng quốc gia.
Ông Cường cho biết, sự hợp tác này nằm trong chiến lược phát triển tín dụng tiêu dùng dài hạn của Fundiin tại Việt Nam với mục tiêu mang đến sự tiện lợi, minh bạch, an toàn và tiên phong mang lại những lợi ích vượt trội cho người tiêu dùng và xã hội.
Thông qua việc kết hợp với CIC, CEO Fundiin kỳ vọng sẽ hỗ trợ người tiêu dùng từng bước xây dựng điểm tín dụng, tăng khả năng tiếp cận các dịch vụ tài chính có chất lượng và hỗ trợ người dùng quản lý tài chính cá nhân hiệu quả hơn.
Hiện tại, với tỷ lệ chỉ 4% dân số Việt Nam sở hữu thẻ tín dụng, mục tiêu của Fundiin là mang đến sản phẩm công nghệ tài chính để mở rộng tỷ lệ người dùng có lịch sử tín dụng tại Việt Nam, góp phần đẩy mạnh mục tiêu của Chính phủ trong chiến lược tài chính toàn diện quốc gia.
Sau hơn năm năm hoạt động, Fundiin đã thiết lập nên các chuẩn mực mới trên thị trường tín dụng tiêu dùng trong nước. Ông Cường tự tin tỉ lệ nợ xấu tại Fundiin thấp hơn tỉ lệ trung bình ngành tài chính tại Việt Nam.
"Bí quyết để Fundiin duy trì được ngưỡng an toàn là đẩy mạnh những ngành hàng như: thời trang, mỹ phẩm… Vì người ta có thể bùng nợ điện thoại, xe máy, chứ ít người bùng nợ bộ quần áo, hay thỏi son", vị CEO chia sẻ.
Đặc biệt, Fundiin là startup đầu tiên và duy nhất không có bộ phận thu hồi nợ. Thay vào đó, Fundiin tập trung đầu tư vào các giải pháp công nghệ và khoa học dữ liệu là yếu tố nền tảng để kiểm soát rủi ro.
Mô hình vận hành tiên phong này giúp tăng cường tối đa trải nghiệm tiện lợi, minh bạch và an toàn cho người dùng khi trở thành khách hàng của Fundiin.
Hiện nay, Fundiin đã hợp tác với hơn 600 đơn vị bán lẻ và thương hiệu lớn như Lotte Cinema, Pharmacity, Guardian, Kidsplaza, mang đến tính năng trả sau cho người dùng tại 63 tỉnh thành cả nước.
Năm 2022, Fundiin từng huy động thành công vòng gọi vốn Series A có giá trị 5 triệu USD do ThinkZone Ventures và Trihill Capital cùng dẫn dắt, và tiếp tục có sự đồng hành từ các quỹ 1982 Ventures, Genesia Ventures, JAFCO Asia, Zone Startups Ventures.
Khai thông huyết mạch nền kinh tế số
Việt Hưng