Các ngân hàng có thể giảm 6.000 tỷ đồng lợi nhuận vì bão Yagi

Nhóm ngân hàng quốc doanh chịu tác động chính

Theo thống kê của Ngân hàng Nhà nước (NHNN), tổng dư nợ bị ảnh hưởng bởi bão số 3 (bão Yagi) của tất cả các tỉnh, thành phố là 165 nghìn tỷ đồng, tương đương 1,1% tín dụng toàn nền kinh tế với hơn 94 nghìn khách hàng chịu ảnh hưởng.

Để hỗ trợ, NHNN mới đây đã dự thảo Thông tư hỗ trợ khách hàng bị ảnh hưởng bởi cơn bão số 3, cho phép các nhà ngân hàng được cơ cấu hạn trả nợ tối đa 1 năm với khách vay bị ảnh hưởng bởi bão.

Thông tư dự thảo theo hướng tạo điều kiện để người dân và doanh nghiệp có thêm thời gian khôi phục dòng tiền kinh doanh. Qua đó, hỗ trợ nền kinh tế phục hồi và giảm khả năng hình thành nợ xấu trong tương lai.

Thực tế, từ trước khi NHNN công bố bản dự thảo Thông tư nêu trên, ngành ngân hàng cũng đã có những nỗ lực để hỗ trợ khách hàng nhằm hưởng ứng lời kêu gọi hỗ trợ người dân phục hồi sau bão của Thủ tưởng Chính phủ.

Hệ thống ngân hàng đã ban hành nhiều chương trình giảm lãi suất. Theo thống kê của NHNN, đã có 32/40 ngân hàng đăng ký gói tín dụng với tổng số tiền là 405 nghìn tỷ đồng, lãi suất giảm từ 0,5-2% để hỗ trợ doanh nghiệp và người dân chịu tác động bởi bão số 3.

Nhiều ngân hàng cũng đã thực hiện thêm các biện pháp hỗ trợ như gia hạn thời gian vay, hoãn trả lãi và tái cấu trúc khoản vay.

Đánh giá về tác động của Thông tư mới cũng như các gói hỗ trợ được các ngân hàng công bố, công ty chứng khoán Phú Hưng (PHS) ước tính, nếu những gói tín dụng này được áp dụng triệt để, ngành ngân hàng đã chủ động giảm khoảng 6.000 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế.

Con số này tương đương mức giảm khoảng 2% lợi nhuận trước thuế năm 2024. Lợi nhuận sẽ giảm chủ yếu từ nhóm ngân hàng quốc doanh gồm Vietcombank, BIDV, Vietinbank và Agribank.

Ngoài nhóm quốc doanh, những ngân hàng có tỷ trọng cho vay nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản tương đối cao trong nhóm ngân hàng thương mại như LPBank (cho vay nông nghiệp chiếm khoảng 8% tổng dư nợ) cũng có thể sẽ chịu nhiều áp lực.

Bên cạnh việc suy giảm lợi nhuận, chất lượng tài sản của ngân hàng bị ảnh hưởng khi nhiều tài sản đảm bảo bị tàn phá, tình hình thu hồi nợ và xử lý tài sản gặp nhiều trở ngại dưới tác động của mưa bão.

Với giả định trong trường hợp có từ 10 - 50% dư nợ bị ảnh hưởng bởi bão Yagi chuyển thành nợ xấu, PHS ước tính tỷ lệ nợ xấu có thể dao động trong mức 5,11 - 5,55%, tương đương tăng 11 – 55 điểm cơ bản.

Tỷ lệ bao phủ nợ xấu của các ngân hàng đã giảm tương đối kể từ sau đại dịch Covid-19, khiến bộ đệm rủi ro mỏng dần.

Trong bối cảnh rủi ro nợ xấu của ngành ngân hàng tương đối cao, thì những thiệt hại do bão Yagi dù ở mức thấp cũng có thể gia tăng rủi ro tiềm ẩn cho hệ thống.

Thúc đẩy NHNN tăng cường biện pháp hỗ trợ

Mặc dù vậy, những tác động của bão Yagi không lớn như dự kiến. Bão Yagi không ảnh hưởng đáng kể đến tăng trưởng tín dụng của nền kinh tế chung trong 9 tháng năm 2024.

Kết thúc quý III/2024, theo số liệu của Tổng cục thống kê, tăng trưởng tín dụng của nền kinh tế đạt 8,53%, cao hơn mức cùng kỳ năm ngoái là 6,24%.

Bên cạnh đó, nhóm phân tích cho rằng, NHNN đang và sẽ thực hiện nhiều hơn các biện pháp hỗ trợ nền kinh tế.

Thực tế, bão Yagi chỉ là yếu tố giúp thúc đẩy quá trình xoay chiều quan điểm chính sách diễn ra nhanh hơn, các tác nhân chính vẫn là lạm phát và tỷ giá trong nước đã ổn định hơn nhiều so với giai đoạn trước.

Vì vậy, NHNN đã liên tiếp thực hiện các đợt giảm lãi suất OMO trong thời gian qua.

Theo PHS, cùng với chỉ đạo của Chính phủ trong việc hỗ trợ khắc phục kinh tế sau bão, NHNN càng có quyết tâm hơn trong việc ổn định và giảm thêm mặt bằng lãi suất cho vay.

Điều này có thể gián tiếp thông qua hỗ trợ thanh khoản đến hệ thống ngân hàng. Nhóm phân tích cho rằng, lãi suất huy động đã đạt đỉnh và sẽ ổn định quanh mức 4,8 – 5,2% cho kỳ hạn 12 tháng. Một số ngân hàng đã giảm lãi suất huy động ngay từ đầu tháng 10.

Vì vậy, mặc dù việc hỗ trợ lãi suất có ảnh hưởng nhẹ đến lợi nhuận của hệ thống, PHS vẫn duy trì quan điểm tích cực về dài hạn của nhóm ngân hàng. Sự hỗ trợ từ chính sách, đà phục hồi của nền kinh tế sẽ giúp ổn định của chi phí đầu vào và cải thiện chất lượng tài sản của các ngân hàng.

Tin liên quan