Kể từ khi chính thức chào sàn HoSE vào ngày 18/1 vừa qua, cổ phiếu QNP của Công ty Cổ phần Cảng Quy Nhơn đã tăng kịch biên độ liên tục 5 phiên và đang hướng đến phiên tăng giá thứ 6.
Trong sáng nay, cổ phiếu QNP của Công ty Cổ phần Cảng Quy Nhơn tiếp tục tăng kịch biên độ, đạt 32.000 đồng/cổ phiếu. Trước đó, cổ phiếu này đã có chuỗi tăng “trần” kéo dài 5 ngày liên tục kể từ khi 40,4 triệu cổ phiếu QNP được chính thức niêm yết tại Sở Giao dịch Chứng khoán TP.Hồ Chí Minh vào ngày 18/1.
Tuy nhiên, thanh khoản của cổ phiếu QNP gần như không có khi liên tục ghi nhận tình trạng không có nhà đầu tư nào đặt lệnh bán ra, chỉ ghi nhận khối lượng giao dịch đáng kể vào ngày 23/1 với 100.000 đơn vị khớp lệnh thành công.
Trong ngày giao dịch đầu tiên, cổ phiếu QNP có giá chào sàn là 19.100 đồng/cổ phiếu; như vậy, tính đến hết sáng nay, cổ phiếu này đã tăng 67,5%. Qua đó, giúp tổng giá trị vốn hoá thị trường của Cảng Quy Nhơn đạt 1.210 tỷ đồng.
Đà tăng giá của cổ phiếu QNP diễn ra khi Cảng Quy Nhơn vừa cho biết doanh thu thuần cả năm 2023 giảm 12% so với năm 2022, xuống còn 939 tỷ đồng, nhưng lãi ròng tăng mạnh 154%, đạt hơn 112 tỷ đồng. Qua đó, hoàn thành 104% kế hoạch lợi nhuận cả năm.
Ban lãnh đạo Cảng Quy Nhơn cho biết, lãi ròng năm 2023 tăng mạnh chủ yếu do công ty không còn phải trích lập dự phòng phải trả ngắn hạn như trong năm 2022. Khoản trích lập này liên quan đến tranh chấp hợp đồng cung ứng dịch vụ giữa Cảng Quy Nhơn và Công ty TNHH Vận tải biển Cửu Long với số tiền gần 54 tỷ đồng.
Cảng Quy Nhơn là cảng tổng hợp quốc gia, đầu mối khu vực (loại 1) của nhóm Cảng biển Nam Trung bộ, nằm trong vịnh Quy Nhơn. Đây được xem là cửa ngõ ra Biển Đông của khu vực Nam Trung bộ, Tây Nguyên và các nước trong Tiểu vùng sông Mê Kông. Trong năm 2023, đã có 9,6 triệu tấn hàng hoá được thông qua cảng này.
Hiện Cảng Quy Nhơn đang đẩy mạnh đầu tư, nâng cấp cơ sở hạ tầng để nâng cao năng lực kinh doanh. Vừa qua, Cảng Quy Nhơn đã quyết định chi gần 195 tỷ đồng cho dự án đầu tư cần trục quay đa năng trên bến số 1.
Trước đó, vào tháng 8/2023, Cảng Quy Nhơn đã hoàn thành việc nâng cấp bến số 1 với tổng mức đầu tư hơn 546 tỷ đồng, giúp nâng tổng chiều dài bến lên 480 m, đảm bảo tiếp nhận đồng thời 02 tàu container 30.000 DWT đầy tải.
Ban lãnh đạo Cảng Quy Nhơn cho biết, dự kiến đến cuối năm 2024, sau khi luồng được nâng cấp và nạo vét, cảng sẽ tiếp nhận được cỡ tàu 50.000 DWT đầy tải.
Nhận định về triển vọng kinh doanh thời gian tới, ban lãnh đạo Cảng Quy Nhơn hiện thận trọng đánh giá hoạt động kinh doanh còn đối mặt nhiều thách thức khi kinh tế toàn cầu và bất ổn địa chính trị diễn biến phức tạp, đặc biệt là sức mua tại Mỹ và châu Âu chưa phục hồi.
Riêng lĩnh vực nhà ở tại Mỹ, Âu có thể sẽ tiếp tục ảm đạm trong năm 2024, khiến nhu cầu tiêu thụ đồ nội ngoại thất giảm. Trong khi đó, hàng hoá thành phẩm (sản phẩm gỗ, wicker, đá granite) xuất khẩu chính của Bình Định thông qua Cảng Quy Nhơn tập trung ở hai thị trường này.
Bên cạnh đó, giá thị trường xuất nhập khẩu các mặt hàng dăm gỗ, viên gỗ nén, tole cuộn, phân bón biến động mạnh trong năm, việc chênh lệch giá lớn khiến các chủ hàng cũng hạn chế sản xuất, xuất nhập khẩu hàng hóa trong thời gian qua. Nguồn hàng rời như dăm gỗ, viên gỗ nén… vốn chiếm tỷ trọng lớn trong khối lượng hàng hoá thông quan qua Cảng Quy Nhơn.
Duy Quang