Mặc dù giá xuất khẩu cao kỷ lục, doanh nghiệp vẫn chìm trong khó khăn khi chi phí vận chuyển tăng nhanh.
Trao đổi với TheLEADER mới đây, ông Phan Minh Thông, Tổng giám đốc Phúc Sinh Group, cho biết, doanh nghiệp này đã ghi nhận mức xuất khẩu hồ tiêu ngoạn mục kể từ đầu năm tới nay.
Đơn cử, tháng trước, Phúc Sinh đã trở thành doanh nghiệp xuất khẩu hồ tiêu lớn nhất Việt Nam với mức tăng hơn 40% về sản lượng so với tháng 5. Cùng với đó, mức giá bán của doanh nghiệp này cũng tăng tới 60% so với cùng kỳ năm ngoái.
Tuy nhiên, ông Thông cho biết “toàn bộ lợi nhuận của chúng tôi biến mất” vì cước tàu tăng quá nhanh.
Trước đây, cước tàu mà Phúc Sinh phải trả trung bình mỗi tháng khoảng 4,5 – 5 tỷ đồng nhưng con số này đã nhảy vọt lên tới 26 tỷ đồng vào tháng trước. “Chúng tôi rất đau đầu về việc này”, ông Thông chia sẻ.
Giải pháp duy nhất hiện nay mà doanh nghiệp có thể làm là chia sẻ với khách hàng về vấn đề cước tàu, để họ hiểu và hỗ trợ một phần chi phí. Tuy nhiên, điều này cũng không hề dễ dàng khi khách hàng cũng khó khăn trong bối cảnh chung của nền kinh tế.
Bên cạnh đó, ông Thông cho rằng, cũng cần có chính sách nào đó để các hãng tàu giảm giá cước.
Chỉ số container toàn cầu của Drewry ngày 20/6 ghi nhận mức tăng hơn 230% so với cùng tuần năm ngoái và khoảng 260% so với mức giá trung bình thời điểm trước đại dịch.
Drewry dự báo giá cước vận chuyển từ Trung Quốc sẽ tiếp tục tăng do các vấn đề tắc nghẽn tại các cảng châu Á.
CTCP Chứng khoán Tiên Phong gần đây cũng dự báo cước vận tải biển sẽ duy trì ở ngưỡng cao.
Nguyên nhân là bởi xung đột khu vực biển Đỏ chưa có dấu hiệu hạ nhiệt khi lực lượng Houthi trong thời gian gần đây liên tục tuyên bố mở rộng phạm vi tấn công ra khu vực biển Ấn Độ Dương và Địa Trung Hải, gây thêm áp lực cho ngành vận tải biển.
Cùng với đó, nhu cầu hàng hóa phục hồi, giá cước thường có xu hướng tăng trong mùa cao điểm hai quý cuối. Dấu hiệu thiếu container tại các cảng xuất lớn xuất hiện cũng sẽ gây áp lực mạnh lên giá cước khi bước vào mùa cao điểm.
Không chỉ có hồ tiêu, ngành thủy sản cũng chịu áp lực lớn khi cước vận tải biển tăng.
Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản (VASEP) cho biết, từ đầu năm, một loạt hãng tàu thông báo tăng giá cước vận chuyển đi Mỹ, châu Âu và các nước.
Nguyên nhân là do căng thẳng tại Biển Đỏ ảnh hưởng đến an toàn và đường vận tải của nhiều hãng tàu, nên họ buộc phải thay đổi hành trình, dẫn đến thời gian vận chuyển dài hơn, chi phí tăng lên.
Theo VASEP, đây có thể là thách thức mới cho thủy sản trong năm nay.
Căng thẳng tại vùng Biển Đỏ nếu tiếp diễn hoặc leo thang có thể dẫn đến hệ lụy là chi phí vận tải tăng, giá sản phẩm đầu vào cho nuôi trồng, chế biến thủy sản tăng, ảnh hưởng tới sức cạnh tranh và lợi nhuận của doanh nghiệp thủy sản.
Lịch sử cũng đã cho thấy việc tăng giá cước ảnh hưởng đáng kể đến các doanh nghiệp.
Bà Huỳnh Thị Mỹ, Tổng thư ký Hiệp hội Nhựa Việt Nam (VPA), cho biết, cước vận tải biển tăng lên gấp tới 3 – 4 lần vào thời gian ngay sau Covid-19 đã làm giảm doanh số xuất khẩu của ngành nhựa.
Một doanh nghiệp của Ấn Độ trong khu công nghiệp Việt Nam – Singapore chuyên sản xuất sợi xuất khẩu đã tuyên bố đóng cửa nhà máy vào cuối năm 2020.
Lý do mà doanh nghiệp này đưa ra là do giá cước tàu biển quá cao, ảnh hưởng đến hoạt động xuất khẩu và chi phí sản xuất tại Việt Nam không còn rẻ như trước đây. Vì thế, doanh nghiệp này đã cho tạm dừng tất cả các đơn hàng.
Trong khi đó, nhiều doanh nghiệp nhựa khác phải bán hàng gần không lợi nhuận nhưng lượng hàng xuất đi vẫn rất chậm.
Giá cước vận tải biển tăng dựng đứng
Phương Anh