Hai trụ cột trong hệ sinh thái Taseco Group có thực sự vững chắc?

Từ một doanh nghiệp có quy mô nhỏ, kinh doanh dịch vụ tại Cảng hàng không quốc tế Nội Bài, đến nay, Taseco Group đã dấn thân sang cả lĩnh vực bất động sản, đầu tư tài chính... với khối tài sản không ngừng phình to lên đến hàng chục nghìn tỷ đồng...

Hai trụ cột trong hệ sinh thái Taseco Group có thực sự vững chắc?

Lucky là một trong những thương hiệu của Taseco Airs

Taseco Group đã phát triển thành một tập đoàn đa ngành với hệ sinh thái gồm 2 công ty con cấp một, 14 công ty con cấp hai và 5 công ty liên kết. Trong đó, hai công ty con cấp một của Taseco là: Công ty Cổ phần Dịch vụ Hàng không Taseco (Taseco Airs - mã CK: AST) và Công ty Cổ phần Đầu tư Bất động sản Taseco (Taseco Land).

TASECO AIRS - "CON CƯNG" CỦA TASECO GROUP

Vào năm 2015, để chuyên môn hoá hoạt động kinh doanh, nâng cao chất lượng dịch vụ, Tập đoàn Taseco đã tái cấu trúc bộ máy quản lý và hoạt động kinh doanh, các chi nhánh. Theo đó, Công ty Cổ phần Dịch vụ Hàng không Taseco Nội Bài đã được thành lập, trên cơ sở tiếp quản và phát triển toàn bộ hoạt động kinh doanh của Taseco tại chi nhánh Nội Bài, đồng thời đảm nhiệm hoạt động kinh doanh dịch vụ tại sân bay Nội Bài cùng các sân bay lân cận.

Đến năm 2017, Taseco Nội Bài đổi tên thành Công ty Cổ phần Dịch vụ Hàng không Taseco (Taseco Airs) với vốn điều lệ 360 tỷ đồng. Trụ sở chính của công ty được đặt tại tầng 1, toà N02-T1, khu Đoàn Ngoại giao, đường Xuân Tảo, phường Xuân Tảo, quận Bắc Từ Liêm, thành phố Hà Nội.

Hiện tại, Taseco Airs đang kinh doanh và quản lý các hoạt động trong các lĩnh vực dịch vụ phi hàng không như: Nhà hàng và các dịch vụ ăn uống phục vụ lưu động; bán lẻ tại các cửa hàng kinh doanh tổng hợp, đại lý du lịch; vận tải; viễn thông bán lẻ... thông qua 108 cửa hàng trên khắp các sân bay trên toàn quốc.

Hai năm sau khi thành lập, vào ngày 26/12/2017, cổ phiếu của Taseco Airs đã được niêm yết trên Sở Giao dịch Chứng khoán TP.HCM (HOSE) với mã chứng khoán là AST.

Từ năm 2020, công ty này đã khai thác dịch vụ phòng chờ thương gia với việc khai trương 2 phòng chờ ở Cảng hàng không Quốc tế Nội Bài (NIA) và Cảng hàng không quốc tế Đà Nẵng (DIA).

Đáng chú ý, tính đến hết quý 2/2023, Taseco Airs có 7 công ty con, bao gồm: Công ty Cổ phần Dịch vụ Hàng không Taseco Đà Nẵng (chiếm 99,9% vốn điều lệ), Công ty Cổ phần Dịch vụ Hàng không Taseco Sài Gòn (chiếm 65% vốn điều lệ), Công ty TNHH Một thành viên Taseco Oceanview Đà Nẵng (chiếm 100% vốn điều lệ), Công ty Cổ phần Đầu tư Truyền thông Taseco (chiếm 99,9% vốn điều lệ), Công ty TNHH Hàng Miễn Thuế Jalux Taseco (chiếm 51% vốn điều lệ), Công ty Cổ phần Dịch vụ Hàng không Taseco Phú Quốc (chiếm 65% vốn điều lệ), Công ty Cổ phần Dịch vụ Hà Linh (chiếm 51% vốn điều lệ).

Hiện nay, Taseco Airs sở hữu chuỗi cửa hàng bán lẻ sân bay lớn nhất Việt Nam với 108 cửa hàng phủ khắp các sân bay lớn. Bên cạnh đó, công ty còn là cổ đông lớn nhất tại Công ty Cổ phần Dịch vụ Suất ăn Việt Nam (Vinacs), chiếm 27% vốn điều lệ.

Được biết, Vinacs đang vận hành hai nhà máy cung cấp suất ăn hàng không tại sân bay quốc tế Nội Bài, Cát Bi, Cam Ranh và Phú Quốc. Trong đó, tại Cát Bi và Phú Quốc, Vinacs là nhà cung cấp suất ăn duy nhất, lưu lượng bay tại 2 cảng hàng không này đạt hơn 100 chuyến/ngày.

Vinacs cũng là đối tác trong dịch vụ cung cấp suất ăn cho 23 hãng hàng không khác, trong đó chủ yếu là các hãng bay nước ngoài, cụ thể gồm: Bamboo Airways, Vietjet Air, Qatar Airways, Malindo, Royal Flight Airlines, Azur Air, Ikar Airlines, Okei Airways, Norwind Airlines…

Với 2 nhà máy đặt tại Nội Bài và Cam Ranh, Vinacs có thể cung cấp trên 40.000 suất ăn/ngày. Trong khi, nhu cầu suất ăn hàng không ở Việt Nam hiện nay khoảng 120.000 suất/ngày, nhưng tổng nguồn cung chỉ đạt 52%, tương đương 62.000 suất. Như vậy, doanh nghiệp này hoàn toàn có thể đạt tối đa sản lượng, nâng cao nguồn thu.

Ngoài ra, Taseco Airs còn sở hữu khách sạn À La Carte 4 sao và có địa chỉ tại khu đắc địa của Đà Nẵng, khu vực bãi biển Mỹ Khê.

Được biết, theo VNDirect, Taseco Airs là nhà bán lẻ hàng không sân bay lớn thứ hai về doanh thu, xếp sau Công ty Cổ phần Dịch vụ Hàng không Sân bay Tân Sơn Nhất (SAS). Và lớn hơn Công ty Cổ phần Dịch vụ Sân bay Quốc tế Cam Ranh (CIA), Công ty Cổ phần Dịch vụ Hàng không Sân bay Đà Nẵng (MAS) và Công ty Cổ phần Dịch vụ Sân bay Miền Nam (SAS).

Về tình hình kinh doanh, trước khi dịch Covid-19 bùng phát, cụ thể là trong giai đoạn 2017-2019, hoạt động kinh doanh cửa hàng lưu niệm đóng góp khoảng 47% vào tổng doanh thu và 58,6% vào lợi nhuận gộp của Taseco. Đáng chú ý, F&B là mảng kinh doanh có tỷ suất lợi nhuận gộp cao nhất (65,8%), tiếp theo là hàng lưu niệm (65,1%) và kinh doanh hàng miễn thuế (48,0%).

Khả năng sinh lời của Taseco Airs vượt trội so với các công ty cùng ngành. Cụ thể, công ty có hiệu quả hoạt động tốt với tốc độ tăng trưởng kép hàng năm là 53,3% và tốc độ tăng trưởng kép hàng năm của doanh thu là 63,3%.

Doanh thu hợp nhất từ 2017-2019, tăng là là 659 tỷ đồng, lên 864 tỷ đồng và 1.140 tỷ đồng. Kéo theo đó là lợi nhuận mỗi năm cũng tăng hơn 100%, từ 148 tỷ đồng lên 163 tỷ đồng và 212 tỷ đồng.

Sau đó, kinh doanh của Taseco Airs bị ảnh hưởng nặng nề trong giai đoạn dịch 2020-2021. Hàng không quốc tế bị đóng băng trong hai năm trong khi lưu thông hàng không trong nước bị hạn chế trong mỗi đợt bùng phát dẫn đến doanh thu và lợi nhuận năm 2020-2021 giảm tệ hại.

Theo đó, doanh thu hợp nhất năm 2020 giảm 69,5% và lợi nhuận sau thuế giảm tới 175,7% so với năm 2019, chỉ còn 359 tỷ đồng và âm 51 tỷ đồng. Sang đến năm 2021, Taseco Airs lỗ ròng lên tới 128 tỷ đồng. Chính vì việc kinh doanh gặp thua lỗ đã khiến cổ phiếu AST bị đưa vào diện cảnh báo và kiểm soát.

Tuy nhiên, kết quả kinh doanh của Taseco Airs đã bắt đầu hồi phục trở lại vào quý 4/2021 với sự cải thiện mạnh mẽ của biên lãi gộp và lợi nhuận ròng theo quý. Cập nhật kết quả kinh doanh năm 2022, công ty đạt mức doanh thu là 603,6 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế là 33 tỷ đồng, tăng mạnh so với kế hoạch do ĐHĐCĐ 2022 phê duyệt.

Tính đến hết quý 2/2023, doanh thu của công ty đạt 525 tỷ đồng, lãi trước thuế là 82 tỷ đồng. Như vậy, so với mục tiêu công ty đặt ra là doanh thu đạt trên 1.126 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế đạt khoảng 155 tỷ đồng thì Taseco Airs đã đạt 46,6% và 52,9%.

Cũng trong năm 2023, công ty cũng dự kiến sẽ chia cổ tức với tỷ lệ là 10-15% và trích lập quỹ khen thưởng, phúc lợi, từ thiện (tính trên lợi nhuận sau thuế hợp nhất phát sinh trong năm tài chính) là 3%.

Tổng tài sản của Taseco Airs đang là 658 tỷ đồng. Trong đó, vốn chủ sở hữu là 528 tỷ đồng và nợ là 130 tỷ đồng và chủ yếu là nợ ngắn hạn đã lên tới 129 tỷ đồng.

Từ số liệu trên ta có thể thấy, chính sự tăng trưởng không ngừng của Taseco Airs đã giúp cho Tập đoàn Taseco phình to một cách nhanh chóng trong những năm qua và trở thành một mắt xích quan trọng giúp đại gia Phạm Ngọc Thanh và Taseco Group chiếm lĩnh thị trường, trở thành doanh nhân "sừng sỏ" trong ngành kinh doanh dịch vụ hàng không.

TASECO LAND CÓ THỂ NGƯỢC DÒNG NGÀNH?

Cũng giống như Taseco Airs, Công ty Cổ phần Đầu tư Bất động sản Taseco (Taseco Land) là mắt xích quan trọng của Taseco Group và là công ty con con cấp 1 thứ hai của Tập đoàn. Nhà phát triển bất động sản này có tiền thân là Công ty Cổ phần Đầu tư Bất động sản An Bình, thành lập tháng 7/2009 do ông Nguyễn Mạnh Hùng làm Tổng giám đốc.

Năm 2017 công ty đổi tên thành Công ty Cổ phần Đầu tư bất động sản Taseco như ngày nay.

Hai trụ cột trong hệ sinh thái Taseco Group có thực sự vững chắc? 2

Alacarte Oceanview Đà Nẵng là một trong những dự án đã hoàn thành của Taseco Group

Vốn điều lệ ban đầu 6 tỷ đồng. Sau 7 đợt phát hành tăng vốn, hiện tại công ty có vốn điều lệ 2.700 tỷ đồng. Công ty có địa chỉ trụ sở chính tại tầng 1 Tòa nhà NO2-T1 Khu đoàn ngoại giao, đường Xuân Tảo, phường Xuân Tảo, Quận Bắc Từ Liêm, thành phố Hà Nội.

Về cơ cấu sở hữu hiện tại, cổ đông lớn nhất của Taseco Land là Taseco Group chiếm 72,49% vốn điều lệ, các cổ đông cá nhân còn lại nắm giữ 27,51% vốn, tương ứng 74,27 triệu cổ phiếu.

Chủ tịch Phạm Ngọc Thanh là người đại diện 30% vốn thuộc sở hữu của Taseco Group, nhưng cá nhân ông Thanh không nắm giữ cổ phần của Taseco Land. Trong khi đó, bà Đoàn Thị Phương Thảo vợ ông Thanh sở hữu 9,5 triệu cổ phiếu (3,52% vốn điều lệ) và bố mẹ vợ ông Thanh sở hữu tổng cộng 1,7 triệu cổ phiếu (0,63% vốn điều lệ).

Ông Phạm Ngọc Thanh đang là Chủ tịch HĐQT của Taseco Group, đồng thời, cũng là Chủ tịch HĐQT tại Taseco Land; Dịch vụ Hàng không Taseco, Công ty Cổ phần Đầu tư khai thác Nhà ga quốc tế Đà Nẵng.

Cũng giống như Taseco Airs, Taseco Land có tới 9 công ty con, bao gồm: Công ty Cổ phần đầu tư TAH, Công ty Cổ phần Đầu tư Bất Động sản Phú Mỹ, Công ty Cổ phần Quản lý Bất động sản Quốc tế, Công ty Cổ phần Đầu tư và Dịch vụ Yên Bình, Công ty Cổ phần Alacarte Hạ Long, Công ty Cổ phần Đầu tư Du lịch sinh thái Quốc tế, Công ty Cổ phần Taseco Invest, Công ty Cổ phần Bao bì Việt Nam, Công ty Cổ phần Đầu tư và Xây dựng số 4.

Với mục tiêu chiếm lĩnh trong lĩnh vực đầu tư và phát triển bất động sản tại Việt Nam, Taseco Land phát triển đa dạng loại hình sản phẩm, từ căn hộ chung cư cao cấp, tới nhà phố thương mại, biệt thự đến biệt thự nghỉ dưỡng và căn hộ khách sạn mang thương hiệu À La Carte.

Về danh mục dự án, Taseco Land đã và đang sở hữu tới 19 dự án bất động sản. Đây đều là những dự án hàng nghìn tỷ đồng. Trong đó có tới 9 dự án đã hoàn thành, cụ thể: Alacarte Oceanview Đà Nẵng; An Bình Complex - N02T1; Alacarte Hạ Long Bay; Taseco Complex - N03T2; Khu đô thị Green Part Móng Cái; Nhà phố thương mại - Khu đô thị dệt may Nam Định; Trung Đô Complex -N01T4; Dự án thấp tầng tại khu Nam An Khánh Hà Nội; Dự án Khu nhà ở Riverview Lương Sơn, Hoà Bình.

Và 10 dự án đang đầu tư, bao gồm: Toà nhà N01T6; Khu nhà ở thuộc khu tái định cư Hải Yến; Khu đô thị mới thuộc dự án số 4; Khu du lịch nghỉ dưỡng sinh thái bốn mùa cao cấp; Landmark 55; Khu đô thị mới phía Nam trung tâm hành chính thị xã Duy Tiên, Hà Nam; Tổ hợp khách sạn thương mại dịch vụ Sun Rise Bảo Ninh; Dự án Khu dân cư đô thị Green Park Cửa cạn - Phú Quốc; Dự án 1283 Giải Phóng; Khu nhà ở Tố Hữu.

Tháng 7 vừa qua, Taseco Land là nhà đầu tư duy nhất nộp hồ sơ đăng ký thực hiện Dự án Khu đô thị Nam sông Cầu (tỉnh Thái Nguyên). Dự án có sơ bộ tổng chi phí thực hiện hơn 2.600 tỷ đồng. Thời hạn hoạt động của dự án là 50 năm. Tiến độ thực hiện dự án quý 2/2023 - quý 3/2028.

Dữ liệu cho thấy từ năm 2019-2022, tổng tài sản của Taseco Land đã tăng khá nhanh chóng từ 2.210 tỷ đồng lên 3.007 tỷ đồng rồi đạt tới 5.061 tỷ đồng và 7.842 tỷ đồng, tức trong 4 năm tăng gấp 3,5 lần.

Chỉ riêng hàng tồn kho trong 3 năm 2019-2021 đang tăng tới 52 lần, từ 27 tỷ đồng lên tới 440 tỷ đồng và 1.410 tỷ đồng, tức trong 3 năm đã tăng gấp 52 lần. Tuy nhiên, nếu so với quy mô tài sản thì tỷ lệ hàng tồn kho của công ty này chưa đến mức báo động như các doanh nghiệp bất động sản khác trên thị trường.

Về nguồn vốn, diễn biến đồng pha với tài sản, nợ phải trả của Taseco Land tăng rất nhanh, từ 764 tỷ đồng (năm 2019) lên 1.239 tỷ đồng (năm 2020), 2.870 tỷ đồng (năm 2021) và đạt mức 4.087 tỷ đồng (năm 2022). Tức là chỉ trong 4 năm đã tăng gần 5,3 lần.

Điều đáng chú ý là cơ cấu nợ phải trả dần nghiêng lệch sang nợ ngắn hạn, với tỷ trọng của nợ ngắn hạn tăng dần qua các năm. Riêng trong giai đoạn 2019-2021, con số này lần lượt là đạt 36%, 41% và 76%. Theo báo cáo tài chính, nguyên nhân chính của tình trạng này là sự tăng lên đột ngột của khoản “người mua trả tiền trước ngắn hạn”.

Ngoài ra, có thể thấy, nợ vay dài hạn của Taseco Land cũng đã tăng đáng kể, từ vay ngân hàng tới phát hành trái phiếu.

Về tình hình kinh doanh của Taseco Land trong giai đoạn 2019 – 2022, doanh thu hợp nhất liên tục tăng, từ 576 tỷ đồng (năm 2019) đến năm 2022 thì bất ngờ tăng vọt lên mức 2.829 tỷ đồng. Tức là, trong vòng 4 năm, con số này đã tăng 4,9 lần. Còn lợi nhuận sau thuế đạt 108,046 tỷ đồng (năm 2020), 131 tỷ đồng (năm 2021) và lên tới 370 tỷ đồng (năm 2022).

Riêng trong năm 2022, mặc dù doanh thu của Taseco Land tăng tốc vượt trội, nhưng nguồn thu chủ yếu lại đến từ hoạt động chuyển nhượng bất động sản, chứ không phải từ kinh doanh hay đầu tư tài chính như các năm.

Theo đó, đầu năm 2022, Taseco Land chuyển nhượng 40.000 cổ phần của Công ty Hải Hà, tương ứng với 20% tỷ lệ sở hữu tại công ty này. Sau khi chuyển nhượng, tỷ lệ sở hữu của Taseco Land tại Hải Hà chỉ còn 35% và không còn nằm giữ quyền kiểm soát tại đây. Được biết, Công ty Hải Hà trụ sở tại Thanh Hóa, hoạt động chủ yếu trong lĩnh vực bất động sản.

Tháng 2/2022, Taseco Land tiếp tục chuyển nhượng toàn bộ 4,4 triệu cổ phần của Công ty Phát triển Hồ Tây, tương ứng tỷ lệ 55% của công ty này cho một cá nhân. Khi hoàn tất chuyển nhượng, doanh nghiệp này không còn là công ty con của Taseco Land nữa.

Tiếp đó, vào tháng 11/2022, Taseco Land đã chuyển nhượng toàn bộ 11,7 triệu cổ phần của Công ty Bao Bì tương ứng với 66,27% tỷ lệ sở hữu tại công ty này cho một công ty con khác của Icon 4..

Trên bảng cân đối kế toán, tổng tài sản của Taseco Land tính đến ngày 30/6/2023 lên đến 7.896 tỷ đồng, trong đó, nợ phải trả là 4.082 tỷ đồng và vốn chủ sở hữu là 3.814 tỷ đồng.

Lợi nhuận sau thuế 6 tháng đầu năm đạt hơn 23,8 tỷ đồng. Trong khi, Taseco Land đặt chỉ tiêu lãi trước thuế 641 tỷ đồng vào năm 2023. Hết 6 tháng đầu năm 2023, hệ số nợ phải trả/vốn chủ sở hữu đang là 1,07 lần; tỷ suất lợi nhuận sau thuế/vốn chủ sở hữu (ROE) là 0,63%.

Ngoài ra, dư nợ trái phiếu là 274,7 tỷ đồng, tăng gần 120% so với cùng kỳ năm 2022. Được biết, Taseco Land đang lưu hành 3 lô trái phiếu tổng giá trị 475 tỷ đồng, trong đó lô trái phiếu 125 tỷ đồng được phát hành tháng 12/2021 và đáo hạn vào tháng 12/2023 tới đây. Hai lô trái phiếu còn lại vừa phát hành hồi đầu năm 2023 tổng giá trị 350 tỷ đồng và sẽ đáo hạn vào năm 2025.

Trong suốt nhiều năm, Taseco Land âm thầm thâu tóm để phát triển thành các dự án bất động sản nổi bật ở nhiều vị trí đất vàng, khu vực trung tâm. Đồng thời, danh mục các dự án mà Taseco Land đang theo đuổi cho thấy doanh nghiệp khá nhiều tham vọng trên thị trường địa ốc.