Hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo cần hỗ trợ hiệu quả

Hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo (ĐMST) tại Việt Nam đã trải qua gần 15 năm hình thành và phát triển. Mặc dù là một trong những quốc gia có rất nhiều lợi thế, song sự phát triển của hệ sinh thái này ở nước ta đang có xu hướng chững lại.

“Tiền là máu, còn chính sách là oxy. Nhà nước mà không bơm oxy kịp thời, siết chặt quá thì các startup (khởi nghiệp) không thở được. Và không có máu thì startup cũng không sống được”, bà Nguyễn Thị Ngọc Dung, một chuyên gia nghiên cứu và tư vấn nhiều năm trong lĩnh vực khởi nghiệp ĐMST đã nhắc tới hai trong số những nhân tố quan trọng nhất để một doanh nghiệp khởi nghiệp ĐMST phát triển.

Chưa có sự thay đổi nhiều về chất

Những doanh nghiệp khởi nghiệp phải thành lập tại nước ngoài để nhận vốn đầu tư là câu chuyện khá phổ biến giai đoạn trước đây. Nhưng tới thời điểm này, mặc dù Việt Nam đã xây dựng Nghị định 38 về đầu tư cho doanh nghiệp nhỏ và vừa khởi nghiệp sáng tạo, hỗ trợ cho việc thành lập các quỹ đầu tư mạo hiểm, tình hình vẫn chưa có nhiều cải thiện.

“Trước đây chúng ta hay nói tới chuyện doanh nghiệp khởi nghiệp phải thành lập ở Singapore, thiên đường về tài chính để gọi vốn và nhận vốn đầu tư. Bây giờ vẫn vậy, doanh nghiệp khởi nghiệp ở Việt Nam vẫn phải chật vật tìm kiếm và giải ngân vốn đầu tư. Nghị định 38 ra đời đã hơn 6 năm rồi nhưng lượng quỹ đầu tư mạo hiểm ở Việt Nam thành lập rất ít. Khoảng 40 quỹ nước ngoài và 40 quỹ nội địa. Con số còn thấp so với nhiều quốc gia trong khu vực”, bà Nguyễn Thị Ngọc Dung, chuyên gia nghiên cứu và phát triển hệ sinh thái ĐMST, Trung tâm ĐMST nói.

Trở về Việt Nam sau thời gian dài làm việc ở Nhật Bản, đại diện Công ty TNHH Kotora cho biết, doanh nghiệp đặt rất nhiều kỳ vọng vào thị trường với nhu cầu ứng dụng trí tuệ nhân tạo ngày càng lớn. Nhưng cũng như nhiều doanh nghiệp khởi nghiệp khác, khó khăn lớn nhất chính là lựa chọn hướng đi và tiếp cận với tệp khách hàng. Nếu không có sự hỗ trợ của mạng lưới khởi nghiệp thuộc Trung tâm ĐMST Quốc gia (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) thì doanh nghiệp rất khó để trụ vững và phát triển.

Hệ sinh thái khởi nghiệp ĐMST tại Việt Nam đã trải qua 2 làn sóng đầu tư và 3 giai đoạn phát triển, đánh dấu kỷ lục nhận đầu tư lên tới 1,4 tỷ USD vào năm 2021. Tuy nhiên, kể từ sau dịch Covid-19, mức độ phát triển của hệ sinh thái đang có xu hướng chững lại, nhiều doanh nghiệp khởi nghiệp đã gặp khó khăn.

Theo chị Nguyễn Thị Thanh Nhàn, Công ty CP công nghệ tài chính FinHub, mặc dù đã có rất nhiều chính sách hỗ trợ doanh nghiệp như giảm thuế, phí, lệ phí… nhưng với những doanh nghiệp công nghệ, điều cần nhất là chính sách ưu đãi vốn, khi mà các doanh nghiêp khởi nghiệp rất khó tiếp cận với vốn vay từ ngân hàng do không có nhiều tài sản bảo đảm. Bên cạnh đó, các chính sách cho lĩnh vực công nghệ mới như blockchain mà doanh nghiệp đang theo đuổi cũng chưa hoàn thiện.

Theo Chỉ số hệ sinh thái khởi nghiệp toàn cầu năm 2024 vừa mới được công bố bởi StartupBlink (Trung tâm Nghiên cứu và lập bản đồ Hệ sinh thái khởi nghiệp toàn cầu), chỉ số hệ sinh thái khởi nghiệp của Việt Nam đã lấy lại đà tăng trưởng tích cực hơn vào năm nay nhưng xếp hạng hệ sinh thái ĐMST của nước ta chưa có nhiều cải thiện. Nước ta vẫn duy trì vị trí thứ 5 trong khu vực Đông Nam Á, tiếp tục được đánh giá là rất tiềm năng.

“Hệ sinh thái ĐMST của Việt Nam được đánh giá là rất tiềm năng trong nhiều năm. Nhiều chính sách, sự quan tâm, quyết tâm của Chính phủ đã được thể hiện, nhưng lợi thế cách đây 5 - 7 năm trước thôi. Sự phát triển của hệ sinh thái vẫn chưa được như kỳ vọng, trong khi nhiều quốc gia lại chạy nhanh hơn chúng ta”, bà Dung nhận định.

Cần biến lợi thế thành cơ hội

Nhiều chuyên gia cũng cho rằng, một trong những lợi thế lớn nhất của Việt Nam chính là quyết tâm của Chính phủ trong thúc đẩy hệ sinh thái ĐMST bằng việc ban hành rất nhiều chính sách để định hướng và hỗ trợ, trong đó có Đề án “Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo Việt Nam đến năm 2025" (Đề án 844) để phát triển hệ sinh thái rộng và đồng đều.

Hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo quốc gia đến nay đã hình thành, bao gồm đầy đủ các thành phần quan trọng: Các cá nhân, tổ chức khởi nghiệp ĐMST, nhà đầu tư thiên thần, quỹ đầu tư mạo hiểm, tổ chức hỗ trợ kinh doanh, vườn ươm, công viên nghiên cứu, trường đại học, mạng lưới các huấn luyện viên/tư vấn, cơ sở hỗ trợ nghiên cứu và khởi nghiệp tại các trường đại học, viện nghiên cứu… Các thành tố trong hệ sinh thái chính sách, tài chính, văn hóa, thị trường, nhân lực và các hỗ trợ ngày càng có những liên kết khăng khít, tương tác và hỗ trợ nhau để thúc đẩy tinh thần kinh doanh, ĐMST và sự thịnh vượng của nền kinh tế.

Việt Nam có hơn 3.000 doanh nghiệp khởi nghiệp; hơn 140 trường đại học, viện nghiên cứu tổ chức hoạt động khởi nghiệp, ĐMST với các vườn ươm, trung tâm, CLB hỗ trợ khởi nghiệp.

Hệ sinh thái ở các địa phương như Đà Nẵng, Hải Phòng, Quảng Nam, Nghệ An, Bình Dương… có tiềm năng phát triển lớn, cần được chú trọng với mục tiêu nâng cao số lượng, chất lượng khởi nghiệp ĐMST, cải thiện môi trường kinh doanh, lọt tốp các hệ sinh thái khởi nghiệp trên toàn cầu.

Việc hình thành các trung tâm ĐMST trên cả nước đã góp phần tạo bệ đỡ cho các doanh nghiệp khởi nghiệp phát triển. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia cho rằng, Việt Nam cần kiến tạo cũng như thực thi chính sách nhanh hơn, hiệu quả hơn và đặc biệt bám sát nhu cầu của startup. Đặc biệt sau một giai đoạn khó khăn vì đại dịch, các doanh nghiệp khởi nghiệp đều đã bị tổn thương.

“Khơi thông nguồn vốn cho các startup là rất quan trọng. Ở Việt Nam chúng ta vẫn chưa hình thành được văn hóa đầu tư mạo hiểm, nơi mà sẽ tạo ra nền tảng cho sự phát triển của hệ sinh thái ĐMST. Có nhiều người có tiền, nhiều doanh nghiệp có nguồn vốn lớn nhưng rất ít mặn mà đầu tư cho startup, dù đây là lĩnh vực rủi ro song có thể mang đến lợi nhuận rất lớn. Chừng nào người người vẫn tìm kiếm lợi nhuận từ bất động sản, từ mua đi bán lại thay vì lựa chọn công nghệ thì rất khó có được những bứt phá”, bà Dung nói.