La Nina quay trở lại, doanh nghiệp thuỷ điện nào sẽ hưởng lợi nhất?

Các dự báo mới nhất cho thấy pha El Nino sẽ kết thúc trong quý 2 này và pha La Nina với các cơn mưa lớn sẽ bắt đầu từ tháng 8 tới đây. Qua đó, giúp cải thiện tích cực tình hình thuỷ văn của các doanh nghiệp thuỷ điện.

Pha La Nina dự kiến bắt đầu từ tháng 8 tới đây

Kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp thuỷ điện dự kiến đã tạo đáy xong trong quý 1/2024 khi pha El Nino bắt đầu bước vào giai đoạn trung tính.

Nhiều tổ chức uy tín trên thế giới hiện dự báo pha La Nina sẽ quay trở lại kể từ nửa cuối năm nay, đem lại lượng mưa đáng kể. Trong đó, Viện Nghiên cứu Quốc tế về Khí hậu (IRI) nhận định pha El Nino đã đạt đỉnh vào cuối năm ngoái và giảm dần trong quý 1/2024, chuyển sang pha trung tính và kết thúc trong quý 2/2024. Pha La Nina dự kiến sẽ quay trở lại từ tháng 8/2024 với xác suất xảy ra cao nhất.

Dữ liệu lịch sử của IRI cho thấy, pha La Nina thường kéo dài từ 9 - 12 tháng, hoặc thậm chí lên đến 2 năm, do đó pha La Nina xác suất cao sẽ kéo dài trong cả năm sau.

Tại Việt Nam, Viện Khoa học Khí tượng Thuỷ văn và Biến đổi khí hậu (IMHEN) dự báo lượng mưa trong tháng 6/2024 có khả năng xấp xỉ trung bình nhiều năm ở Bắc Bộ; thấp hơn trung bình nhiều năm ở Trung Bộ, Tây Nguyên, và Nam Bộ. Từ tháng 7 - 9/2024, tổng lượng mưa có khả năng xấp xỉ trung bình nhiều năm ở Bắc Bộ, Trung Bộ; xấp xỉ đến cao hơn trung bình nhiều năm ở Tây Nguyên và Nam Bộ.

Yếu tố thuỷ văn thuận lợi sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp thuỷ điện sau thời gian dài chịu tác động tiêu cực từ pha El Nino.

Dự báo pha La Nina
Pha La Nina được dự báo có xác suất cao xảy ra từ tháng 7 - 8/2024. (Nguồn: IRI)

Một số tổ chức tài chính hiện nhận định kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp thuỷ điện đã tạo đáy trong quý 1/2024 và sản lượng trong quý 2/2024 có thể sẽ được huy động tốt hơn ngay trong quý 2/2024. Trong quý 1/2024, các nhà máy đã tích nước tối đa để phục vụ cho cao điểm mùa nóng.

Hiện hầu hết các hồ thuỷ điện đang duy trì mực nước cao và trong trạng thái sẵn sàng huy động. Hơn nữa, với tính chất giá rẻ nhất hệ thống, thuỷ điện thường được cân đối huy động ở mức tối đa, có thể duy trì sản lượng huy động tích cực trong nửa cuối năm 2024 sang đến năm 2025, theo MBS Research.

Cổ phiếu thuỷ điện nào hưởng lợi?

Thuỷ điện
Nhờ hưởng lợi từ biểu phí tránh được và không huy động trên thị trường điện, các nhà máy thuỷ điện nhỏ sẽ là những đơn vị hưởng lợi lớn trong pha La Nina tới đây.

Việc tỷ lệ Qc (sản lượng hợp đồng) đối với nhóm thuỷ điện điều chỉnh tăng từ 90% lên 98% trong năm 2024, dẫn đến tỷ lệ Qm (sản lượng trên thị trường điện) giảm từ 1% xuống còn 2%. Điều này làm giảm dư địa huy động sản lượng giá cao trên thị trường điện, có thể tác động đến tăng trưởng doanh thu của các doanh nghiệp thuỷ điện.

Tuy nhiên, MBS Research nhận định, triển vọng giá điện đối với nhóm thủy điện nhỏ (có công suất dưới 30MW) vẫn duy trì ở mức tích cực do hưởng lợi từ biểu phí tránh được và các nhà máy không huy động trên thị trường điện.

Theo đó, một số doanh nghiệp có tỉ trọng thủy điện nhỏ cao như Công ty Cổ phần Tập đoàn Hà Đô (mã cổ phiếu HDG), Công ty Cổ phần Tập đoàn PC1 (mã cổ phiếu PC1), và Công ty Cổ phần Điện Gia Lai (mã cổ phiếu GEG) kỳ vọng sẽ hưởng lợi trong năm nay.

Đối với Tập đoàn Hà Đô, tập đoàn này đang vận hành 05 nhà máy thuỷ điện với tổng công suất đạt 314 MW, toạ lạc tại hai tỉnh Quảng Nam và Nghệ An. Trong đó, có 02 nhà máy thuỷ điện có công suất 30 MW.

Tập đoàn Hà Đô cũng lên kế hoạch M&A 2 dự án thuỷ điện nhỏ Sơn Nham (6,8 MW) và Sơn Linh (7 MW) cùng tại tỉnh Quảng Ngãi. Đồng thời, tập đoàn này dự kiến sẽ nâng công suất nhà máy Sơn Nham lên mức 9 MW, Sơn Linh lên mức 15 MW, và dự kiến đi vào vận hành trong giai đoạn 2027 - 2028.

Theo đánh giá của các tổ chức tài chính, sản lượng thuỷ điện của Tập đoàn Hà Đô trong cả năm nay sẽ tăng từ 5% - 10% so với năm 2023.

Đối với Tập đoàn PC1, tập đoàn này đang vận hành 07 nhà máy thuỷ điện với tổng công suất đạt 170 MW, toạ lạc tại các tỉnh Điện Biên, Cao Bằng, và Hà Giang. Trong đó, có 06 nhà máy thuỷ điện có công suất bằng hoặc dưới 30 MW.

Tập đoàn này dự kiến sẽ chính thức khởi công thêm hai nhà máy thuỷ điện Thượng Hà (30 MW) và Bảo Lạc A (13 MW) trong quý 3/2024. Hai nhà máy này dự kiến sẽ phát điện thương mại vào năm 2026, nâng tổng công suất mảng thủy điện lên mức 212 MW, tăng 25% so với hiện tại.

Giá cổ phiếu doanh nghiệp thuỷ điện
Tương quan giá cổ phiếu GEG, PC1, và HDG trong 12 tháng trở lại đây. (Nguồn: TradingView)

Xem thêm: "Nắng nóng đánh thức “gã khổng lồ” PV Power (POW)" trên Tạp chí Công Thương tại đây.

Theo đánh giá của các tổ chức tài chính, với lợi thế các nhà máy thuỷ điện đều nằm ở phía Bắc, sản lượng thuỷ điện của Tập đoàn PC1 trong nửa cuối năm nay có thể sẽ tăng cao từ 11% - 20% so với cùng kỳ năm 2023, giúp đưa tổng sản lượng thuỷ điện cả năm nay đạt tương đương năm 2023.

Đối với Điện Gia Lai, doanh nghiệp này hiện đang vận hành 13 nhà máy thuỷ điện vừa và nhỏ (có công suất từ 1,2 MW đến 16,2 MW), với tổng công suất đạt 81 MW, tập trung tại tỉnh Gia Lai

Trong quý 1/2024, Điện Gia Lai vừa tiến hành khỏi công một dự án thuỷ điện với công suất 8,7 MW và dự kiến đưa vào vận hành thương mại trong năm 2025. Qua đó, nâng công suất thuỷ điện từ 81 MW lên 90 MW. Đồng thời, doanh nghiệp này dự kiến sẽ hoàn thành dự án nâng công suất Nhà máy Thuỷ điện Đa Khai từ 8 MW lên 14 MW trong năm 2025.

Ban lãnh đạo Điện Gia Lai cho biết sẽ tiếp tục thực hiện chiến lược phát triển thuỷ điện đến năm 2030 thông qua kế hoạch M&A và phát triển dự án mới, đặc biệt là các dự án thuỷ điện tích năng.

Theo đánh giá của các tổ chức tài chính, sản lượng thuỷ điện nửa cuối năm nay của Điện Gia Lai sẽ tăng khoảng 10% so với cùng kỳ năm 2023.

Tin liên quan