Trong tháng 10/2024, mặt bằng lãi suất huy động áp dụng cho kỳ hạn 24 tháng đang dao động trong khoảng từ 3,9%/năm đến 6,1%/năm...
Cập nhật biểu lãi suất tại 28 ngân hàng thương mại trong nước cho thấy, lãi suất huy động kỳ hạn 24 tháng đang được niêm yết trong khoảng từ 3,9%/năm đến 6,1%/năm. Phần lớn các ngân hàng giữ nguyên biểu lãi suất tiền gửi, chỉ có một số ít nhà băng điều chỉnh tăng lãi suất trong tháng 10 này.
Theo khảo sát, mức lãi suất tiết kiệm cao nhất ghi nhận được ở kỳ hạn này là 6,1%/năm đang được triển khai tại ngân hàng OceanBank đối với cả hình thức gửi tiền trực tuyến và trực tiếp, không đổi so với cùng kỳ.
Theo sau đó, mức lãi suất huy động cao thứ hai ở kỳ hạn 24 tháng là 6%/năm ghi nhận được tại ngân hàng BVBank khi khách hàng tham gia gửi tiền trực tuyến. Còn với hình thức gửi tiết kiệm thông thường, mức lãi suất mà BVBank đang áp dụng là 5,9%/năm. Mặt khác, ngân hàng Saigonbank cũng đang triển khai mức lãi suất 6%/năm cho cả 2 hình thức gửi tiền trực tiếp và trực tuyến.
Trong tháng này, ngân hàng BaoViet Bank và PGBank duy trì mức lãi suất ổn định 5,9%/năm cho kỳ hạn 24 tháng. Trong khi đó, ngân hàng LPBank mạnh tay tăng 0,3 điểm phần trăm lãi suất ở cả hai hình thức gửi tiền. Theo đó, khách hàng LPBank khi gửi tiết kiệm với tại quầy sẽ được hưởng mức lãi suất là 5,6%/năm và 5,9%/năm khi gửi trực tuyến với kỳ hạn 24 tháng.
Cũng tại kỳ hạn này, khi gửi tiền tại ngân hàng VietABank, khách hàng sẽ nhận được mức lãi suất 5,6%/năm phương thức truyền thống và 5,8%/năm đối với khoản tiền gửi online.
Bên cạnh đó, khách hàng có thể tham khảo mức lãi suất huy động 5,7%/năm đang đồng loạt triển khai tại nhiều ngân hàng thương mại cổ phần tư nhân như Nam A Bank, TPBank, ABBank, Sacombank, CBBank, KienlongBank.
Thấp hơn một chút là mức 5,6%/năm đang được ngân hàng OCB huy động cho cả hai hình thức gửi tiền, duy trì ổn định so với cùng kỳ. Trong khi đó, ngân hàng SHB và MB đang niêm yết lãi suất huy động tại kỳ hạn 24 tháng là 5,5%/năm.
Ngoài ra, một số nhà băng đang huy động lãi suất cho kỳ hạn 2 năm trên mức 5%/năm trong tháng này còn có: HDBank và MSB chung mức 5,4%/năm; PVcomBank và VIB cùng triển khai mức 5,3%/năm…
Cùng thời điểm khảo sát, các khoản tiền gửi có kỳ hạn 24 sẽ được ngân hàng VPBank chia thành nhiều hạn mức tiền gửi. Cụ thể, đối với hạn mức tiền gửi dưới 10 tỷ đồng; tiền gửi 1 - 3 tỷ đồng và tiền gửi 3 tỷ - dưới 10 tỷ đồng sẽ được ngân hàng VPBank áp dụng chung mức lãi suất huy động là 5,7%/năm. Đối với hạn mức từ 10 tỷ đến dưới 50 tỷ và trên 50 tỷ đồng, lãi suất tiết kiệm hiện được ngân hàng VPBank quy định là 5,8%/năm.
Đối với hình thức gửi tiền online, khách hàng của VPBank sẽ được huy động mức lãi suất cao hơn 0,1 điểm phần trăm so với mức lãi suất tương ứng trên biểu lãi suất huy động tại quầy.
Còn đối với biểu lãi suất tiết kiệm thường của ngân hàng Techcombank kỳ hạn 12 tháng, khách hàng cá nhân và hội viên Inspire sẽ nhận được lãi suất là 4,8%/năm, khách hàng Priority và khách hàng Private sẽ nhận được lãi suất cao hơn, lần lượt ở mức 4,95%/năm và 5%/năm. So với tháng 9/2024, mức lãi suất này không có sự điều chỉnh.
Khảo sát riêng tại nhóm ngân hàng quốc doanh, mức lãi suất huy động đối với kỳ hạn 24 tháng tại Agribank và VietinBank tiếp tục duy trì ổn định, ở mức 4,8%/năm trong tháng này. Trong khi đó, ngân hàng Vietcombank và BIDV lại có mức lãi suất tiết kiệm thấp hơn là 4,7%/năm.
Tuy nhiên, nhóm Big 4 ngân hàng không phải những nhà băng có lãi suất thấp nhất. Qua so sánh, khách hàng khi tham gia gửi tiết kiệm tại kỳ hạn 24 tháng, ngân hàng SCB sẽ niêm yết mức lãi suất huy động là 3,9%/năm.
Số liệu mới nhất liên quan đến tiền gửi vào hệ thống ngân hàng vừa được Ngân hàng Nhà nước công bố. Tiền gửi của dân cư tại các tổ chức tín dụng đến tháng 7 đạt 6,838 triệu tỷ đồng, tăng 305.672 tỷ đồng, tương ứng với 4,68% so với thời điểm cuối năm 2023. Con số này tiếp tục là mức kỷ lục mới về lượng tiền gửi của người dân.
Tiền gửi của người dân vào hệ thống các tổ chức tín dụng liên tục tăng cao. Thực tế, lãi suất huy động chưa thể hồi phục song thời điểm tháng 7 các ngân hàng cũng đã bắt đầu rục rịch tăng lãi suất.
Thậm chí, đến cuối tháng 7, số ngân hàng tăng lãi suất huy động đã nhiều hơn số ngân hàng điều chỉnh giảm. Với các kỳ hạn 9 tháng, lãi suất phổ biến từ 3,5%/năm đến 5,2%/năm; 6 tháng dao động 2,5%/năm đến 5,3%/năm. Với kỳ hạn 12 tháng, các ngân hàng niêm yết lãi suất phổ biến từ 5,3%/năm đến 5,7%/năm.
Ngược lại, lượng tiền gửi của tổ chức vào hệ thống tín dụng giảm nhẹ, đến hết tháng 7 đạt 6,768 triệu tỷ đồng, giảm 1,07% so với cuối năm ngoái. Nếu so với tháng liền trước, tiền gửi của tổ chức giảm khoảng 139.000 tỷ đồng.
Tính chung, tổng phương tiện thanh toán (chưa bao gồm các khoản giấy tờ có giá) đến hết tháng 7 năm nay đạt hơn 16,4 triệu tỷ đồng, tăng 2,52% so với cuối năm ngoái nhưng giảm 112.000 tỷ đồng so với tháng 6 liền trước.
Trong báo cáo mới đây, Chứng khoán Vietcombank (VCBS) cho rằng xu hướng tăng lãi suất trong những tháng cuối năm 2024 sẽ khó kéo dài và có sự phân hóa giữa các nhóm ngân hàng. Lãi suất huy động tại các ngân hàng quốc doanh dự kiến sẽ đi ngang hoặc có thể giảm nhẹ vào cuối năm, trong khi nhóm ngân hàng thương mại cổ phần tư nhân vẫn có áp lực tăng nhẹ lãi suất nhằm củng cố nguồn vốn và đẩy mạnh tăng trưởng tín dụng.
Khẩu vị đầu tư của người dân 3 tháng cuối năm được phần lớn chuyên gia đánh giá cũng sẽ ít nhiều thay đổi dẫn đến biến động tiền gửi trong bối cảnh thị trường tài chính có nhiều lựa chọn. Không ít kênh đầu tư có tỷ suất sinh lời tốt hơn để "xuống tiền". Chẳng hạn, từ đầu năm đến nay, vàng miếng sinh lời 13%, vàng nhẫn sinh lời 30%, tốt hơn mức 12,8% của chứng khoán và kênh gửi tiết kiệm.